Cho mượn 3 bình, chỉ nhận lại được một
Nhà sáng lập dự án ATM oxy Hoàng Tuấn Anh chiều 21/8 cho biết đang thiếu nghiêm trọng bình oxy do nhiều trường hợp không hoàn trả bình sau khi sử dụng. Ông Tuấn Anh cho biết hiện tại dự án có khoảng 1.500 bình nhưng có đến 1.000 bình chưa được trả lại.
Hàng ngày nhóm dự án phải đổi bình trống, nạp oxy liên tục nên trong 500 bình còn lại chỉ sử dụng được khoảng 250 bình để cấp cứu cho các trường hợp F0. Trong khi đó, bình quân có đến 400-500 trường hợp tại TPHCM cần dự án hỗ trợ oxy mỗi ngày nên tình hình rất khó khăn.
"Có thể họ muốn trữ bình oxy, giữ lại cho người nhà để đề phòng mặc dù chưa cần thiết. Nhưng như vậy, những người cần oxy lại không có bình để sử dụng. Nếu người sử dụng xong không trả bình lại, họ có thể cướp đi tính mạng của một người đang cần oxy", cha đẻ dự án ATM oxy cho hay.
Ông Tuấn Anh cho biết việc nhiều người sử dụng xong bình oxy giữ lại, không trả về cho dự án là diễn biến không ngờ tới trước khi triển khai. Mọi kế hoạch bị đảo lộn. Ông tính toán nếu 1.000 bình oxy đang bị giữ lại đều được hoàn trả, dự án ATM oxy có thể cố gắng hết sức để hỗ trợ 1.000 ca một ngày.
"Chúng tôi chịu nhiều áp lực. Tình nguyện viên liên lạc nhiều lần với gia đình đã mượn bình oxy, tới nơi xin lại không được, thậm chí đôi khi còn bị chửi. Cũng vì số lượng bình còn lại quá ít nên một số người gọi điện mượn bình oxy chúng tôi không có để đưa đến cũng bị nói nặng lời, bảo làm từ thiện mà không có bình oxy. Chúng tôi muốn giúp tất cả trường hợp nhưng không có bình sao làm được", ông Tuấn Anh chia sẻ với Dân trí.
Ông cho biết dù đối diện nhiều áp lực nhưng nhóm thực hiện dự án ATM oxy không để tâm quá nhiều vì mục tiêu quan trọng nhất hiện tại là hỗ trợ càng nhiều trường hợp F0 càng tốt, tìm mua sớm thêm nhiều bình oxy để cứu thêm nhiều người.
Nếu người dân không trả lại, thêm bao nhiêu bình cũng không đủ
Ông Tuấn Anh chia sẻ dự án ATM oxy còn gặp khó khăn khi đã đặt cọc mua bình oxy từ nhiều đơn vị nhưng cuối cùng lại không được giao hàng. Một số doanh nghiệp thấy nhu cầu thị trường cao, giá tăng lên nên tìm đủ lý do để hủy đơn hàng, bán cho bên khác.
Nhóm thực hiện ATM oxy đã đặt hàng nhập khẩu và sẽ nhận trực tiếp một container vỏ bình để chủ động giải quyết bài toán thiếu bình oxy. Các hội viên trong nhiều hội doanh nhân trẻ trên cả nước, CLB doanh nhân Sao Đỏ, mạnh thường quân vẫn tiếp tục ủng hộ kinh phí cho dự án với tổng số tiền đóng góp lên tới khoảng 15 tỷ đồng.
"Trong ngắn hạn cũng hơi khó khăn nhưng sắp tới, chúng tôi đem về thêm 3.000 bình. Tuy nhiên, nếu tình trạng ai cũng giữ lại bình, không trả sau khi dùng xong vẫn tiếp tục thì có bao nhiêu cũng không đủ. Tôi rất mong muốn mọi người hãy nghĩ đến mỗi bình oxy được trả lại có thể cứu thêm nhiều mạng người.
Trong lúc hấp hối, họ đã được hỗ trợ mượn bình oxy miễn phí rồi khỏe lại thì nên hoàn trả để có thêm nhiều người được cứu như vậy. Biết đâu chính bạn bè, người bà con của họ đang cần bình oxy", ông Tuấn Anh gửi lời nhắn gửi đến những người đã được mượn bình oxy nhưng chưa hoàn trả cho dự án qua Dân trí.
Nhà sáng lập dự án ATM oxy cũng thông tin sau khi liên tục kêu gọi nhiều ngày qua, nhiều người đã bắt đầu chủ động liên lạc để trả bình. Ông hy vọng sẽ sớm có thêm nhiều người vẫn đang giữ bình oxy hưởng ứng việc này.
Việc hoàn trả hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện. Các tình nguyện viên của dự án không có cách nào có thể bắt ép người dân trả lại bình oxy.
Ông Tuấn Anh cũng chia sẻ đang cùng cộng sự nỗ lực hết sức mở rộng mạng lưới trạm trung chuyển bình oxy. Hiện tại các quận, huyện, TP Thủ Đức đều đã có ít nhất một trạm và sẽ tiếp tục đưa đến các điểm Đoàn phường trên cơ sở mỗi trạm chính có vài trạm vệ tinh. Dự án cũng hỗ trợ Sở Y tế TPHCM 1.000 bình oxy 40 lít.
Hiện tại nhóm ATM oxy cũng đã vận động nhà máy thép Tân Thuận mở lại xưởng oxy, xin cấp phép sản xuất oxy y tế để có thể có thêm 2.000 bình oxy 10 lít/ngày. Dự án đang tiếp tục ráo riết làm việc cùng các nhà máy cơ khí, trạm sang chiết oxy để có thể tăng nguồn cung oxy.