Dân Việt

TP.HCM siết giãn cách từ 23/8: Người giao hàng ở khu vực nào được phép hoạt động, giao lương thực?

Nguyễn Đức 22/08/2021 11:46 GMT+7
Trong thời gian TP.HCM siết chặt giãn cách, người giao hàng sẽ được hoạt động ở những quận huyện nào, những khu vực nào tạm ngưng hoạt động giao hàng?

Câu hỏi:

Anh Nguyễn Tuấn Thanh (37 tuổi), ở quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh thắc mắc, trong thời gian TP.Hồ Chí Minh thực việc siết giãn cách xã hội (từ 23/8 đến 6/9), anh có thể gọi người giao hàng (shipper) không, những nơi nào người giao hàng được phép hoạt động?

Trả lời:

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho biết, theo văn bản số 2796 ngày 21/8/2021 của UBND TP.Hồ Chí Minh về việc tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội thì kể từ 0 giờ ngày 23/8, đến ngày 6/9, tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của thành phố, của Trung ương đóng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh triển khai thực hiện phương án 3 tại chỗ hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến" (tối đa 1/4 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị) và phải có mặt tại cơ quan, đơn vị trước 0h00 giờ ngày 23/8.

Đối với các nhóm đối tượng được phép tham gia lưu thông vẫn thực hiện theo Công văn số 2718/UBND-VX ngày 15/8 của UBND TP.HCM, bắt buộc có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định.

TP.Hồ Chí Minh siết giãn cách từ 23/8: Shipper ở khu vực nào được phép hoạt động, đi giao lương thực? - Ảnh 1.

Shipper giao hàng cho khách tại Đà Nẵng, trước thời điểm thực hiện việc giãn cách xã hội. Ảnh Lam Hàn

Riêng lực lượng giao hàng sử dụng ứng dụng công nghệ (shipper) tạm ngưng hoạt động tại TP.Thủ Đức và các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn; đối với các quận, huyện còn lại thì shipper chỉ hoạt động trong quận, không chạy liên quận và có dấu hiệu nhận diện riêng theo quy định. 

Ông Bùi Danh Liên, Chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, giải pháp tạm ngưng hoạt động của người giao hàng (shipper) ở một số quận, huyện là một giải pháp bất đắc dĩ, với mong muốn hạn chế lây lan của dịch, sớm chấm dịch việc giãn cách xã hội, để người dân sớm trở lại bình thường. 

Ngoài ra, cũng là để lực lượng chức năng tận dụng thời gian vàng này để kiểm soát dịch không chỉ ở TP.Hồ Chí Minh mà trên cả nước.

Trước khi đưa ra phương án này, TP.HCM đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào và cũng đã đề nghị người dân không tập trung mua đồ, tích trữ hàng hóa. 

Với người dân ở các địa phương, hẻm, ngõ ngách đã có lực lượng quân đội, cơ quan đoàn thể, Mặt trận tổ Quốc Việt Nam, Hội phụ nữ ở địa phương đi chợ giúp, hoặc hỗ trợ về lương thực, nhu yếu phẩm. Như vậy, người dân ở trong khu vực này có thể yên tâm.

"Để thực hiện tốt được việc này, rất cần người dân đồng lòng, ai ở đâu, ở yên đó, thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng phải được tăng cường hơn đi địa bàn để hỗ trợ kịp thời những người dân gặp khó khăn, hoặc chưa mua được lương thực, thuốc men", ông Liên nói.