TP.HCM và Bình Dương không lo thiếu rau, gạo, thịt
Báo cáo của Tổ công tác 970 cho thấy, khu vực Đông Nam Bộ thiếu hơn 1 tiệu tấn gạo trong khi ĐBSCL thừa hơn 4,16 tấn gạo.
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu lương thực cho Đông Nam Bộ, vùng ĐBSCL vẫn còn thừa khoảng 3 triệu tấn gạo đảm bảo yêu cầu an ninh lương thực và xuất khẩu.
Với rau màu, Đông Nam Bộ thiếu 158.000 tấn rau, tuy nhiên ĐBSCL thừa hơn 1,65 triệu tấn.
Ngoài việc cung ứng cho vùng Đông Nam Bộ, ĐBSCL vẫn còn gần 1,5 triệu tấn rau củ các loại cần được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Theo báo cáo của Tổ Công tác 970, nguồn cung sản phẩm chăn nuôi hiện vẫn duy trì đa dạng và không có biến động.
Trong đó nguồn cung thịt heo và trứng gia cầm vẫn tốt; đảm bảo cung ứng đủ cho hệ thống siêu thị.
Các mặt hàng thịt đông lạnh vẫn được các doanh nghiệp nhập khẩu nhập về theo nhu cầu thị trường.
Riêng thịt heo, tổng sản lượng của cả khu vực Nam Bộ khoảng 4.200 tấn/ngày.
Sau khi cân đối nhu cầu nội tỉnh, các địa phương có nguồn cung lớn, ổn định là Đồng Nai (1.000 tấn/ngày), Bình Dương (415,5 tấn/ngày), Bình Phước (386,4 tấn/ngày).
Về tình hình giết mổ gia súc, gia cầm; lượng heo cung cấp cho TP.HCM hiện nay trung bình khoảng 6.300/10.000 con/ngày; giảm 37% so với trước dịch Covid-19.
Tại TP.HCM có 9/13 cơ sở giết mổ còn hoạt động, có công suất giết mổ khoảng 3.700/6.500 con/ngày; giảm 43% so với trước giãn cách.
Còn lại khoảng 2.600/3.500 con được giết mổ tại các cơ sở ở các tỉnh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương…
Như vậy, hiện nay lượng thịt heo cung cấp cho TP.HCM giảm khoảng 37%, lượng thịt gà giảm khoảng 28% so với trước giãn cách.
Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ của người dân trong giai đoạn giãn cách giảm nhiều so với giai đoạn chưa có dịch xảy ra. Vì thế với lượng thịt heo, gà được giết mổ hiện nay vẫn đủ để cung cấp cho người dân.
Tổ công tác 970 hiện đang thí điểm gói combo 10kg/túi nông sản.
Mô hình này được nhiều tỉnh, thành tham gia nhằm giúp nông dân tiêu thụ được nông sản đang ùn ứ tại tỉnh. Đồng thời giúp người tiêu dùng tại các khu cách ly, khu nhà trọ công nhân tiếp cận được nông sản tươi giá rẻ bình quân 10.000 đồng/kg.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, chương trình này tạo ra nền kinh tế tuần hoàn (lấy thu bù chi) nhằm tận dụng nguồn vốn của xã hội để thích ứng lâu dài với dịch Covid-19.
Ngoài ra còn giúp nâng cao tính bền vững các siêu thị 0 đồng hay quà từ thiện vì không cần tìm nhà tài trợ lâu dài.
Theo số liệu đăng ký từ các tỉnh, khả năng cung cấp về TP.HCM khoảng 80.000 túi/tuần; tương đương 800 tấn/tuần.
Tính đến ngày 20/8, đã có 1.218 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ Công tác 970.
Nếu nhận thêm được sự hỗ trợ vận chuyển, 1.218 đầu mối cung cấp nông sản theo hình thức combo có khả năng nâng tổng lượng hàng lên 120.000-150.000 túi/tuần. Con số này tương đương 1.200 - 1.500 tấn/tuần.
Bộ NNPTNT cũng cho biết, ngày 21/8 vừa qua, Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM về việc đảm bảo cung ứng và phân phối cho người dân thành phố.
Lãnh đạo UBND TP.HCM đã cam kết đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân.
Tuy nhiên, Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT phối hợp với Tổng cục Hậu cần của Bộ Quốc phòng vẫn xây dựng phương án 2.
"Phương án này nhằm đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho các tỉnh miền Đông trong 15 ngày thực hiện nghiêm giãn cách xã hội khi có chỉ đạo của Chính phủ và Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ", Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.