Ngày 24/8, theo tin từ Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên Huế, cơ quan này vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc giải quyết các kiến nghị của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh về nguồn cung cấp vật liệu dự án cao tốc Cam Lộ- La Sơn (thuộc dự án đường cao tốc Bắc –Nam) đoạn qua địa bàn tỉnh.
Theo Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên Huế, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở vừa phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương giải quyết các kiến nghị của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh để xử lý dứt điểm các thủ tục, đảm bảo nguồn cung vật liệu phục vụ dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, hiện các gói thầu XL7, XLS, XLS, XL10 và XL11 của cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã đủ nguồn vật liệu xây dựng. Đối với các gói thầu XL5 và gói XL6 nằm trên địa bàn huyện Phong Điền vẫn còn thiếu nguồn đất đắp. Cụ thể, gói thầu XL 5 còn thiếu khoảng 330.000 m3 đất, gói thầu XL 6 còn thiếu khoảng 627.400 m3 đất.
Qua thảo luận các kiến nghị Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và rà soát các quy định liên quan, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu đất đắp gói thầu XL 5 và XL6 của dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, các sở ngành, chính quyền địa phương thống nhất đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên Huế các phương án xử lý cụ thể.
Theo đó, các cơ quan đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có văn bản đề nghị Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Lâm khẩn trương hoàn thiện các thủ tục về sử dụng đất tầng phủ của mỏ đá vôi Phong Xuân để cung cấp đất san lấp cho công trình cao tốc Cam Lộ - La Sơn. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng được đề nghị sớm chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Trường An khai thác đất tầng phủ mỏ đá sét Huỳnh Trúc (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) với khối lượng khai thác thêm là 30.722m3.
Đối với mỏ đất đồi Vũng Nhựa (thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) của Công ty TNHH Trường Thịnh hiện vẫn còn diện tích 1,6ha chưa giải phóng mặt bằng nên chưa khai thác được. Vì vậy, các cơ quan liên quan đề nghị UBND huyện Phong Điền hỗ trợ Công ty TNHH Trường Thịnh sớm hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng để đưa khu vực này vào khai thác, tăng nguồn cung đất san lấp cho công trình đcao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Đối với khu vực đang thăm dò đất làm vật liệu san lấp Động Đá (xã Phong Thu, huyện Phong Điền), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế được đề nghị chỉ đạo các sở ngành và chính quyền địa phương hỗ trợ Công ty Cổ phần Đầu tư SLINE đối với các thủ tục đền bù đất, chuyển mục đích đất rừng... để đẩy nhanh việc cấp phép khai thác.
Đối với việc tận dụng đất dôi dư trong quá trình nạo vét hồ Khe Tăm (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền), hiện nay Sở TNMT đã tham mưu UBND tỉnh đấu giá đất dôi dư trong quá trình nạo vét lòng hồ, nếu UBND tỉnh đồng ý chủ trương đấu giá thì Sở TNMT sẽ triển khai các bước tiếp theo để đấu giá đất dôi dư trong quá trình nạo vét lòng hồ Khe Tăm.
Ngoài ra, hiện nay mỏ đất Vùng Chòi (phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà) đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục liên quan để được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép khai thác. Sở TNMT đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ cho liên danh Công ty Cổ phần Thành An - Công ty TNHH Một thành viên Hải Quốc Toàn hoàn thành các thủ tục tiếp theo để được cấp phép khai thác khoáng sản.
Đối với diện tích còn lại của vị trí quy hoạch đất làm vật liệu san lấp tại đồi Kiền Kiền (xã Phong Thu) và khu vực đất san lấp tại Phường Hóp 2 (xã Phong An), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế được đề nghị đồng ý chủ trương cấp phép các khu vực này để phục vụ cho công trình đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Ngoài ra, Sở TNMT và các cơ quan liên quan đề nghị Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chỉ đạo các nhà thầu liên hệ Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5 để mua đất từ mỏ đất Phường Hóp (xã Phong An) để phục vụ công trình cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn có tổng chiều dài trên 98km đi qua các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Dự án được khởi công từ tháng 9/2019, tổng mức đầu tư khoảng 7.699 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 434 tỷ đồng…
Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, thời gian qua, việc thiếu nguồn đất đắp cho dự án cao tốc Cam Lộ- La Sơn đoạn qua địa phận Thừa Thiên Huế và việc giá đất vật liệu tại tỉnh quá cao là những nguyên nhân khiến một số gói thầu đã bị chậm tiến độ, gây ảnh hưởng chung đến tiến độ dự án.