Xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) hiện có tỷ lệ hộ nghèo khoảng 50%, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Để giúp người dân thoát nghèo, những năm gần đây, xã Phúc Yên đã tạo mọi điều kiện giúp hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như nguồn vốn Chương trình 30a, 135, cho vay vốn mua bò luân chuyển… Hiện tổng dư nợ các nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH trên địa bàn xã đạt hơn 15 tỷ đồng với 440 hộ vay.
Ông Triệu Kim Minh - Trưởng thôn Phiêng Mơ, xã Phúc Yên cho biết: Thôn có 121 hộ, 540 nhân khẩu chủ yếu dân tộc Dao. Hiện nay, thôn Phiêng Mơ còn 90 hộ nghèo. Hàng năm, thôn đều nhận được hỗ trợ từ các chương trình, dự án phát triển sản xuất, giảm nghèo. Trong đó, với nguồn vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH, nhiều hộ nghèo đã đầu tư chăn nuôi bước đầu có hiệu quả.
Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang sẽ tham mưu các huyện phân bổ vốn theo hướng ưu tiên cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao chưa được vay vốn, đặc biệt là các địa phương có nhu cầu vay vốn để phục hồi kinh tế bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Điển hình như gia đình ông Lý Giào Hin nuôi 12 con trâu, bò; hộ ông Lý Văn Lụ chăn nuôi 14 con trâu, bò. Hiện, thôn có gần 300 con trâu, bò. Đây là hướng đi phù hợp, mở hướng thoát nghèo cho người dân trong thôn thời gian tới.
Cùng với chương trình cho vay hộ nghèo, Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang còn thực hiện 16 chương trình vay vốn khác, tạo điều kiện cho nông dân có vốn phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình hiệu quả.
Đơn cử như anh Vũ Đức Anh (thôn Tân Thắng, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương) được Ngân hàng CSXH Tuyên Quang cho vay 200 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm. Cùng với nguồn vốn của gia đình, anh đầu tư mở trang trại chăn nuôi gà, vịt, cung ứng giống gia cầm và cải tạo ao thả cá. Mô hình này giúp anh Đức Anh thu 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang: Đến 31/7, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đạt hơn 3.212 tỷ đồng, thực hiện 17 chương trình vay với 76.571 hộ vay còn dư nợ.
Trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có 147.573 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 54.000 hộ thoát nghèo.
Ông Nguyễn Phan Vỹ - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang khẳng định: Vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đã thật sự trở thành "chìa khóa" cho người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đơn vị tăng cường thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để tạo lập nguồn vốn vay quay vòng. Đồng thời, rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng và giải ngân kịp thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc vay vốn. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Qua đánh giá rà soát, hầu hết các hộ vay vốn của Ngân hàng CSXH đều sử dụng vốn đúng mục đích. Việc phối hợp giữa cán bộ ngân hàng và các tổ vay vốn rất chặt chẽ, các hộ dân có nhu cầu đăng ký vay đều được thẩm định nhu cầu, mục đích và quá trình triển khai thực hiện nguồn vốn vay được triển khai nhanh chóng.
"Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị các huyện phân bổ vốn theo hướng ưu tiên cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao chưa được vay vốn, đặc biệt là các địa phương có nhu cầu vay vốn để phục hồi kinh tế bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương".