Dân Việt

“Rảnh việc nước, tôi về nhà” (bài cuối): Những lời căn dặn vượt tầm thời đại…

Phan Phương 26/08/2021 06:00 GMT+7
Không thể biết có bao nhiêu người Quảng Bình, từ lãnh đạo tỉnh đến người dân bình thường đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 Chỉ biết rằng, mỗi lần gặp Đại tướng, cán bộ và người dân Quảng Bình được ông căn dặn rất nhiều điều bổ ích, trong đó có những điều đã vượt tầm thời đại…

Môi trường là của cải

Ông Phạm Phước - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình kể rằng, trong những lần về thăm quê, hoặc tiếp các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lần nào Đại tướng cũng hỏi thăm tình hình đời sống, việc chữa bệnh, học hành của người dân quê nhà. Trong những lần như thế, ông căn dặn rất nhiều điều, trong đó có những điều theo ông Phước là vượt tầm thời đại…

Với Quảng Bình, Đại tướng luôn mong muốn truyền đạt tới mọi người nguyện vọng giữ gìn môi trường thiên nhiên để có thể phát triển bền vững. Ông căn dặn: "Nên tôn trọng môi trường sinh thái, coi đó là của cải để giáo dục con em mình thế hệ hôm nay và mai sau biết giữ gìn môi trường thiên nhiên".

Chính vì vậy mà mỗi lần trở về quê hương, dù là vì việc công hay việc tư, Đại tướng cũng dành nhiều thời gian để nói chuyện, căn dặn cán bộ, nhân dân toàn tỉnh phải hết sức coi trọng bảo vệ môi trường, bảo vệ "của cải xanh", "lá phổi xanh" cho quê hương.

“Rảnh việc nước, tôi về nhà” (bài cuối): Những lời căn dặn vượt tầm thời đại… - Ảnh 1.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần thăm quê cuối cùng vào năm 2004. Ảnh: T.L

"Nghiên cứu hang Karst phục vụ du lịch và các ngành kinh tế và khoa học là một công tác quan trọng, cần làm cho thật tốt. Luôn luôn chú trọng bảo vệ môi trường".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ông Howard Limbert, một chuyên gia hang động Hoàng gia Anh đã gắn bó với Phong Nha-Kẻ Bàng hơn 30 năm nay, khi nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông đã nói: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nguồn cảm hứng vô tận, giúp ông và các cộng sự miệt mài tìm kiếm hang động cho Quảng Bình với thù lao 0 đồng và xem Việt Nam là quê hương thứ hai của mình".

Theo ông Howard Limbert, cách đây gần 30 năm, khi mà Việt Nam còn thiếu ăn, thiếu mặc thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghĩ đến việc bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế. Chỉ trong một lần ngắn ngủi được gặp và nghe Đại tướng nói chuyện, ông đã "vỡ" ra nhiều điều, luôn xem đó như kim chỉ nam để sống và hành động cho những đam mê của cuộc đời mình.

Ông Howard Limbert kể: Năm 1992, khi vừa từ rừng ra, sau chuyến thám hiểm tìm kiếm hang động tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, ông được thông báo có Đại tướng Võ Nguyên Giáp muốn gặp. Khi xem bản đồ hang động của Phong Nha - Kẻ Bàng do đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh thực hiện, Đại tướng rất chăm chú và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng trong kỹ thuật vẽ bản đồ.

"Đại tướng rất am tường về hệ núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng cũng như sự hình thành của hang động. Ông cũng kể về nhiều hang động trên dãy Trường Sơn mà ông đã gặp trong thời kỳ chiến tranh. Chính ý kiến của ông đã giúp đoàn thám hiểm của chúng tôi hoàn thiện hơn bản đồ về hang động của Phong Nha- Kẻ Bàng như ngày hôm nay" - ông Howard Limbert chia sẻ.

"Nghiên cứu hang Karst phục vụ du lịch và các ngành kinh tế và khoa học là một công tác quan trọng, cần làm cho thật tốt. Luôn luôn chú trọng bảo vệ môi trường", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết cho ông Howard Limbert và đoàn thám hiểm, sau khi kết thúc buổi làm việc.

“Rảnh việc nước, tôi về nhà” (bài cuối): Những lời căn dặn vượt tầm thời đại… - Ảnh 3.

Vâng lời Đại tướng, người dân Quảng Bình tích cực trồng rừng bảo vệ môi trường. Ảnh: P.P

Ông Võ Đại Hàm, người chăm sóc nhà lưu niệm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể câu chuyện khác: Năm 2003, phái 2 dòng họ Võ bàn chuyện xây dựng nhà thờ họ. Lúc đầu các cụ cao niên trong phái thống nhất mua gỗ lim để làm và đã được Công ty Lâm công nghiệp Long Đại đồng ý bán gỗ lim với giá ưu đãi.

Tuy nhiên, khi mọi người hỏi ý kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông đã không đồng ý việc dùng gỗ rừng để làm nhà thờ. Đại tướng nói: "Nếu dùng gỗ lim để làm nhà thờ thì thì chắc chắn, nhưng cả nước này có hàng nghìn, hàng vạn dòng họ cần làm nhà thờ, ai cũng như mình mua gỗ rừng để làm thì rừng đâu còn gỗ mà lấy...".

Không đồng ý để dòng họ Võ của mình làm nhà thờ bằng gỗ lim, đích thân Đại tướng và gia đình đã nhờ người ra tận Hương Sơn (Hà Tĩnh) tìm mua gỗ mít về dựng nhà thờ họ, thay cho gỗ lim như ý định ban đầu của các cụ cao niên trong phái…

Lần thăm quê cuối cùng của Đại tướng

Nhà báo Đỗ Trọng Thái- nguyên phóng viên Báo Quảng Bình, kể: Tháng 11/2004, Đại tướng về thăm quê, không ngờ đây là lần thăm quê cuối cùng, nhưng ông đã để lại trong lòng người dân Quảng Bình những tình cảm thân thương, sâu nặng.

"Lần đó, Đại tướng về quê bằng tàu hỏa. Tàu đến ga Đồng Hới lúc 5 giờ 15 phút khi trời mờ sáng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã đến tận bậc cầu thang của toa tàu đón Đại tướng. Vừa xuống sân ga, Đại tướng nói: "Lần nào về quê cũng vui mừng, tình cảm quê hương thiêng liêng quý giá, được bà con dành tình cảm đặc biệt nên trong người thấy khỏe ra"-nhà báo Đỗ Trọng Thái nhớ lại.

Cũng theo nhà báo Đỗ Trọng Thái, lần vào thăm này, mặc dù sức khỏe không được tốt, nhưng Đại tướng đã dành nhiều thời gian đến thăm một số địa phương, đơn vị, tiếp và nói chuyện với các đoàn đại biểu trong tỉnh đến thăm. Và trong các cuộc nói chuyện với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, huyện Lệ Thủy, xã Lộc Thủy, ông vẫn căn dặn phải thường xuyên quan tâm và bảo vệ môi trường. Khi biết cửa biển Nhật Lệ bị bồi lắng, có hiện tượng khai thác đá làm ảnh hưởng đến di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, Đại tướng đã nhắc nhở lãnh đạo tỉnh Quảng Bình nghiên cứu, có giải pháp khắc phục để nhân dân tiện ra khơi đánh bắt cá; Vườn quốc gia phải có quy hoạch tổng thể không để các hoạt động kinh tế khác tác động, ảnh hưởng. Ông cũng trực tiếp trồng cây trong vườn nhà lưu niệm của mình.

"Khi trồng cây xong, tôi thấy ông như khỏe ra, rồi ông lại cùng mọi người ra thăm nhà thờ. Thấy Đại tướng đi khoan thai, khỏe khoắn, những người đi cùng và bà con vỗ tay ào ào"- nhà báo Đỗ Trọng Thái nhớ lại.

Năm 2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với cõi tiên và ông cũng đã trở về yên nghỉ trên mảnh đất quê hương. Quê hương Quảng Bình hôm nay tự hào vì người con ưu tú, đang nỗ lực vươn lên, hiện thực hóa ước nguyện của Đại tướng thường xuyên chăm lo phát triển kinh tế, đi đôi với bảo vệ môi trường, xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu mạnh.