Vay mua nhà tại Agribank chi nhánh Bình Phước với lãi suất trong thời gian ưu đãi chỉ 7%/năm, chị Ngô Thị H. cho biết ngay sau khi các ngân hàng đồng loạt cam kết giảm lãi suất cho vay với dư nợ hiện tại, Agribank ngay lập tức gửi thông báo tới khách hàng giảm 10% lãi suất cho vay, tương đương với mức giảm 0,7 điểm %.
"Tôi cũng rất bất ngờ thì nghĩ rằng mình đang vay gói vay ưu đãi chỉ 7% sẽ không được ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Với mức giảm này, mỗi tháng cũng tiết kiệm được gần 500 nghìn đồng. Trong hoàn cảnh hiện nay như thế đã là tốt rôi", chị H nói.
Tương tự, chị Nguyễn Q. (TP.HCM) chia sẻ, khoản dư nợ vay mua nhà tại BIDV của chị cũng được ngân hàng điều chỉnh lãi suất, từ mức 11,3% xuống 10%/năm. Mặc dù so với mặt bằng lãi suất huy động hiện nay, 10% chưa phải là mức lãi suất tốt cho người mua nhà, nhưng đó cũng là sự chia sẻ của ngân hàng dành cho khách hàng
Không may mắn như các trường hợp kể trên, anh Nguyễn Hữu N. (Tân Phú, TP.HCM) cho biết, anh cũng phải vay ngân hàng hơn 800 triệu đồng để mua chung cư, với lãi suất 10%/năm. Mỗi tháng anh phải trả cho ngân hàng là 14 triệu đồng cả gốc lẫn lãi.
"Ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn thu không có nên tôi cũng có liên hệ với phía ngân hàng để xin giảm lãi vay giãn nợ, nhưng nhân viên ngân hàng cho biết đang xử lý rất nhiều đơn xin cơ cấu nợ, xin giảm lãi vay. Ngân hàng phải xem xét từng trường hợp cụ thể và không phải khoản vay nào cũng được ngân hàng hỗ trợ", anh N. nói.
Thậm chí như trường hợp chị Trần Thị Th. (TP.HCM) sau "năm lần bảy lượt" đề nghị ngân hàng hỗ trợ nhưng vẫn chưa có kết quả do khách hàng và ngân hàng chưa tìm được tiếng nói chung.
Chị Th. cho biết, chị vay gói ưu đãi lãi suất mua nhà tại Hong Leong Bank, gói ưu đãi lãi suất 7,75% trong 2 năm đầu tiên. Hết thời hạn 2 năm, ngân hàng điều chỉnh lãi suất lên gần 10%/năm. Điều đáng nói, tại thời điểm điều chỉnh lãi suất theo hợp đồng đã ký lại rơi vào thời điểm TP.HCM và nhiều tỉnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch.
"Từ đầu mùa dịch năm 2020 đến nay, thu nhập của tôi đã có 2 lần điều chỉnh và lần điều chỉnh gần nhất giảm 10%, tôi có đề nghị ngân hàng giảm lãi suất cho vay và ân hạn nợ gốc nhưng đến nay sau nhiều lần đề nghị, vẫn chưa có bất cứ sự thay đổi nào. Tháng gần nhất, cả gốc và lãi tôi phải đóng 27 triệu đồng", chị Th. thông tin.
Đề cập về quá trình "năm lần bảy lượt" xin hỗ trợ từ phía ngân hàng, chị Th. kể: Sau khi đề xuất ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất từ tháng 6/2021, chị có nhận được phản hồi từ 2 nhân viên ngân hàng. Cuộc gọi của nhân viên tên S đề xuất gói ân hạn gốc từ tháng 8 đến tháng 12/2021, trong khi đó một nhân viên khác đề xuất giảm 0,5% lãi suất trong vòng 3 tháng đối với khoản dư nợ hiện tại.
"Tôi đã trả lời đồng ý với 2 đề xuất trên gộp lại. Vì thực tế mà nói sự hỗ trợ như trên cũng chẳng thấm vào đâu. Do đó, đã hỗ trợ thì làm cho đàng hoàng, đừng làm cho có. Vì thực tế trên thị trường nhiều ngân hàng đã giảm để chia sẽ khó khăn với khách hàng. Không phải kiểu khách hàng đòi thì ngân hàng làm cho xong", chị Th. bày tỏ bức xúc.
Cũng theo vị khách hàng này, đến thời điểm này ngân hàng vẫn "im lặng" trước đề xuất của chị trong khi đó, hơn 2 năm qua, chị luôn trả gốc và lãi đầy đủ, không thiếu hay chậm ngày nào.
Thực tế không chỉ khách hàng, mà nhân viên ngân hàng cũng "đau đầu" khi giải quyết đề xuất, giải đáp thắc mắc cho khách hàng trong mùa dịch.
Chị Giang – chuyên viên quan hệ khách hàng tại một ngân hàng thương mại cổ phần lớn trên địa bàn Hà Nội cho biết, thời gian gần đây khách hàng dồn dập gọi điện, nộp đơn xin cơ cấu nợ, giảm lãi vay vì mất thu nhập không có tiền để trả. Tuy nhiên, nhiều khi "dở khóc dở cười" với yêu cầu của khách hàng.
Nhiều khách hàng yêu cầu phải ngay lập tức giảm lãi suất vì lý do "không trả đủ tiền".
Có những trường hợp, ngân hàng đồng ý giảm 0,5% lãi suất cho vay nhưng sau khi "suy đi tính lại" không đồng ý vì "ít quá" và đề nghị ngân hàng vừa giảm lãi suất cho vay vừa cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nếu chỉ giảm lãi suất, mức lãi suất phải giảm 2 - 3% mới hài lòng - theo chị Giang.
Bên cạnh đó, có không ít khách hàng xin cơ cấu nợ nhưng khi tư vấn xong, khách hàng từ chối vì "vậy còn mệt hơn".
Chẳng hạn, một khách hàng được cho phép cơ cấu nợ 4 tháng nhưng cũng từ chối vì sau 4 tháng được hoãn trả tiền gốc và lãi, số tiền trả nợ của 4 tháng này sẽ cộng dồn và chia đều, phải trả trong tối đa 8 tháng tiếp theo. Thay vào đó, khách hàng đòi lùi hợp đồng vay thêm nửa năm, từ 36 tháng lên 42 tháng.
Trong khi đó, những khách hàng đã được cơ cấu nợ cũng chưa thể yên tâm mà luôn nơm nớp lo sợ hết hạn cơ cấu nhưng thu nhập cũng chưa phục hồi đủ để trả nợ trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay.
"Tất cả mọi yêu cầu của khách hàng, nhân viên ngân hàng như chúng tôi đều phải lắng nghe, giải đáp và thực hiện các thủ tục liên quan để xin ý kiến mới có thể có quyết định xem khách hàng có được hỗ trợ hay không, hỗ trợ như thế nào. Các khách hàng khác nhau các chính sách hỗ trợ cũng khác nhau, vì vậy mỗi một lần khách hàng "lăn tăn" hay bất ngờ thay đổi đề xuất, nhân viên như chúng tôi cũng toát mồ hôi", chị Giang nói.
Hơn nữa, sau khi cơ cấu nợ, nhân viên ngân hàng cũng phải tiếp tục theo dõi sát sao các khoản nợ này. Dịch bệnh kéo dài, khách lo không trả được nợ mà nhân viên ngân hàng cũng lo bị giảm thành tích lại còn phải chịu trách nhiệm khi nợ biến thành nợ xấu.