Thời kỳ Tam Quốc, người ta thường nhắc nhiều đến những điển tích lẫy lừng về các nhân vật, chẳng hạn như đại chiến Hổ Lao Quan giữa ba anh em Lưu, Quan, Trương chống lại Lữ Bố; Quan Vũ qua 5 ải chém 6 tướng; Gia Cát Lượng "thuyền cỏ mượn tên"; Triệu Tử Long cứu ấu chúa; Hạ Hầu Đôn nuốt con ngươi mắt... Đấy đều là những câu chuyện in sâu vào trí nhớ của người hâm mộ. Tuy nhiên trên thực tế, còn rất nhiều anh hùng chưa được chúng ta chú ý, ví dụ như "Ngũ hổ tướng" của Viên Thiệu, thực lực của họ có lẽ không thua gì "Ngũ hổ tướng" nhà Thục Hán, nhưng chưa gặp được vị tướng quân phù hợp để thể hiện tài năng.
Khúc Nghĩa là người ở Lương châu, sau theo Viên Thiệu làm tướng. Ông nổi tiếng trong trận Giới Kiều, là chỉ huy quân đội của Viên Thiệu trong trận này.
Năm 191, Viên Thiệu tiến đánh Công Tôn Toản, 2 bên gặp nhau ở phía nam Giới Kiều, cách cầu 20 dặm. Viên Thiệu sai Khúc Nghĩa đem 800 quân làm tiền phong, cùng 1000 quân cung nỏ đi theo, Thiệu tự dẫn mấy vạn quân bộ bày trận ở sau.
Toản thấy quân của Khúc Nghĩa ít, liền phái Thứ sử Ký châu Nghiêm Cương dẫn kỵ binh xông lên. Quân của Nghĩa nép dưới khiên, khi địch đến cách mấy chục bước thì đồng loạt đứng dậy, tung bụi hô to, dùng nỏ lớn bắn. Nghiêm Cương tử trận, quân của Toản tan vỡ, chết hơn nghìn người, bỏ chạy.
Viên Thiệu ở phía sau, cách cầu mấy chục dặm, thấy Toản đã vỡ trận thì không thèm phòng bị, xuống ngựa cởi yên, chỉ đặt mấy chục cây nỏ cứng ở dưới trướng, hơn 100 quân cầm kích lớn đi theo. Lúc đó có hơn 2000 quân kỵ của Công Tôn Toản bất thần xông đến, vây Thiệu mấy vòng, tên bắn như mưa. Khúc Nghĩa quay lại cứu Thiệu, quân của Toản tan chạy.
Theo những ghi chép của sử gia Trần Thọ trong Tam quốc chí, Khúc Nghĩa sau đó cậy mình có công, tỏ ra kiêu ngạo, rồi bị Viên Thiệu giết.
Nhan Lương (? – 200) là một danh tướng dưới trướng Viên Thiệu trong thời Đông Hán và Tam Quốc của lịch sử Trung Hoa.
Năm 200, Viên Thiệu mang quân nam tiến đánh Hứa Xương, trung tâm chính trị do Tào Tháo đang nắm vua Hiến Đế. Để có đường vượt Hoàng Hà an toàn, Viên Thiệu phái Nhan Lương tấn công thành Bạch Mã - nằm về phía đông bắc của Hứa Xương (Hà Nam ngày nay).
Tào Tháo bày nghi binh giữ chân Viên Thiệu, còn quân chủ lực cấp tốc sang thành Bạch Mã để giải vây, Nhan Lương bị Quan Vũ chém chết tại trận.
Sử sách ghi chép thông qua Tam Quốc chí của Trần Thọ cho một số thông tin về thân thế và sự nghiệp của ông. Theo đó, Nhan Lương là tướng có chức vụ cao nhất và nổi bật nhất dưới trướng của Viên Thiệu.
Văn Xú (? – 200), không rõ tên tự, là tướng lĩnh dưới quyền Ký Châu mục Viên Thiệu, có uy danh, dũng quán tam quân.
Năm 196, Khổng Dung bị Viên Đàm đánh đuổi, bỏ chạy về triều đình Hứa Đô, nhắc nhở Tào Tháo cẩn thận hai mãnh tướng Nhan Lương, Văn Xú của Thiệu.
Năm 200, Viên Thiệu xuất quân tấn công Tào Tháo, phái Nhan Lương, Thuần Vu Quỳnh, Quách Đồ tấn công, bao vây thành Bạch Mã. Tào Tháo nghe theo kế sách của Tuân Du, giả bộ vượt sông ở bến Diên Tân, khiến Thiệu chia quân, Nhan Lương bị cô lập, rồi tập trung đánh úp Bạch Mã.
Tào Tháo cho rằng Bạch Mã không thích hợp phòng ngự, cho quân đội men bờ sông rút lui. Viên Thiệu cho quân truy kích. Tào Tháo biết có truy binh nhưng vẫn tiếp tục hành quân. Đến Diên Tân, đóng trại ở Nam Phản (Nam Pha), đem xe vật tư để lại. Viên Thiệu phái Văn Xú, Lưu Bị tiến công. Quân của Xú khi vào trại liền phân tán cướp bóc vật tư. Tào Tháo tập hợp toàn bộ lực lượng tập kích, đánh bại Viên Thiệu, chém Văn Xú.
Trương Tú (?-207) sinh tại Tổ Lệ, là cháu gọi Phiêu kỵ tướng quân Trương Tế bằng chú. Trương Tế là bộ tướng của quyền thần Đổng Trác thời Hán Thiếu Đế và Hán Hiến Đế.
Sau thời gian làm quan cho Viên Thiệu, năm 199, Viên Thiệu và Tào Tháo bắt đầu giao tranh để giành quyền bá chủ phương bắc. Gặp thế quân Tào quá mạnh, Trương Tú phân vân bèn hỏi Giả Hủ.
Giả Hủ phân tích tình thế: Tào Tháo có danh nghĩa vua Hiến Đế, và đang ở thế yếu hơn nên quý trọng người hàng, còn Viên Thiệu không có danh chính lại mạnh nên không coi trọng người đến quy phục. Trương Tú nghe theo Giả Hủ, mang quân đến xin quy phục Tào Tháo. Tào Tháo không nhắc tới chuyện xung đột trước đây, thu nhận ông đầu hàng, đúng như dự liệu của Giả Hủ.
Trương Tú được Tào Tháo ban chức Dương Vũ tướng quân, phong là Liệt hầu. Sau đó Tào Tháo còn kết thông gia với ông, cho con trai là Tào Quân lấy con gái ông.
Cao Lãm, không rõ tên tự, là một tướng lĩnh dưới trướng quân phiệt Viên Thiệu cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc.
Năm 200, trong trận Quan Độ, khi kho lương Ô Sào bị tấn công, mưu sĩ Quách Đồ kiến nghị với Viên Thiệu cho quân đánh lén trại Tào Tháo. Viên Thiệu nghe theo, phái Cao Lãm cùng Trương Cáp dẫn kỵ binh tấn công nhưng thua trận.
Khi hai tướng dẫn quân về, Quách Đồ lại đổ trách nhiệm cho Cao Lãm, Trương Cáp không tận lực, xử phạt, trách mắng họ.
Được biết, Cao Lãm được nhận xét là mãnh tướng dưới trướng Viên Thiệu, theo Thiệu ra trận, chiến đấu dũng cảm, từng đánh ngang tay với Hứa Chử, Từ Hoảng. Tuy nhiên về sau, Viên Thiệu thất bại, Cao Lãm quy hàng Tào Tháo.
Khi Lưu Bị khởi binh ở Nhữ Nam, Cao Lãm theo Hạ Hầu Uyên trấn áp. Cao Lãm chiếm được thành, truy sát Lưu Bị. Lưu Tích liều mình cứu giúp, bị Cao Lãm đâm chết. Khi Cao Lãm sắp đuổi kịp Lưu Bị thì Triệu Vân xuất hiện, đâm chết Cao Lãm.