Dịch bệnh kéo dài khiến cho cuộc sống người dân bị ảnh hưởng lớn, đến nay, sau nhiều lần gia hạn giãn cách, Đồng Nai đã có những phương án gì để hỗ trợ, đồng hành cùng người khó khăn?
- Đồng Nai có 1,2 triệu lao động, trong đó gồm 630.000 công nhân trong khu công nghiệp (KCN), hơn 300.000 công nhân ngoài KCN và một số lao động tự do. Hiện nay, đa số công nhân, lao động tự do đang bị mất thu nhập vì dịch bệnh kéo dài nên tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ.
Thứ nhất, đối với 11 đối tượng thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị quyết 68, chúng tôi yêu cầu triển khai nhanh nhất, thần tốc nhất để trao hỗ trợ sớm nhất cho người khó khăn.
Thứ 2, với những đối tượng không thuộc diện được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Đồng Nai ra sức vận động mọi nguồn lực xã hội để giúp người dân.
Thưa ông, tỉnh Đồng Nai gặp khó khăn gì trong việc điều trị bệnh nhân? Tình hình máy móc thiết bị và nhân lực hiện tại như thế nào?
- Đồng Nai có gần 21.000 ca dương tính với SARS-CoV-2, nhưng đã có khoảng 8.000 ca được xuất viện. Do số lượng bệnh nhân lớn, nhiều công tác như tầm soát, sàng lọc, tiêm chủng nên nhân lực ngành y tế cũng bị thiếu.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các y bác sĩ, hiện nay, cơ bản Đồng Nai vẫn đang đáp ứng được nhu cầu điều trị các F0. Vì vậy, chúng tôi chưa xác lập các cơ sở điều trị F0 tại các xã phường như một số tỉnh thành khác. Nếu số ca nhiễm tăng lên 30.000 hoặc 40.000, tỉnh sẽ lên phương án điều trị F0 diễn tiến bệnh nhẹ tại nhà và tại các cơ sở y tế xã, phường. Đó là phương án xấu nhất phải làm.
Chúng tôi cố kiềm chế và giảm số ca nhiễm mới để không bị quá tải. Chúng tôi đã đưa thuốc điều trị F0 vào các cơ sở điều trị. Tôi hy vọng rằng có thuốc thì số bệnh nhân hồi phục sức khỏe sẽ nhiều hơn. Bệnh nhân phục hồi nhiều thì xuất viện nhiều, bệnh viện giảm tải thì nhân lực sẽ tập trung chăm sóc các bệnh nhân còn lại tốt hơn.
Hiện nay, Đồng Nai thực hiện công tác chuyển hóa từ vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng sang vùng xanh như thế nào?
- Ngành y tế cùng các địa phương phải tập trung sàng lọc vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng để bóc F0 ra khỏi các vùng này. Nếu hết F0, nghiễm nhiên những vùng này sẽ thành vùng xanh. Đã là vùng xanh thì phải giữ không để F0 xâm nhập vào thì mới xây dựng được không gian bền vững. Mục tiêu sàng lọc là biến vùng đỏ thành vùng xanh, quan trọng phải sàng lọc dần để chuyển hóa.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai ngày 25/8, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu phải lên phương án cho các các doanh nghiệp hoạt động lại sau dịch, vậy tỉnh Đồng Nai đã có những chuẩn bị gì trước yêu cầu này?
- Đồng nai hiện nay vẫn đang giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 nên yếu tố quan trọng nhất vẫn là an toàn. Các cơ sở tạm ngừng hoạt động vẫn phải chờ. Còn các cơ sở đang thực hiện 3 tại chỗ an toàn phải giữ vững được an toàn, nếu không còn an toàn thì phải dừng hoạt động ngay. Do đó, các doanh nghiệp cần cố gắng chăm lo cho công nhân, động viên công nhân sản xuất, cách ly với bên ngoài nghiêm ngặt.
Qua báo cáo của ngành y tế, đến nay, việc xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng chưa đạt yêu cầu. Như vậy, theo ông, đến ngày 31/8, tỉnh có thể kiểm soát được dịch hay chưa?
- Chính phủ giao tỉnh Đồng Nai đến ngày 31/8 phải thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, mục tiêu đó đạt được hay không, đến ngày 30/8 mới có thể đánh giá.
Nếu đến khi đó, dịch đã được kiểm soát, mục tiêu đã đạt được, tỉnh sẽ quyết định kết thúc giãn cách xã hội, ổn định cuộc sống. Còn nếu không đạt được mục tiêu, tỉnh buộc phải tiếp tục giãn cách để tiếp tục làm sạch F0 trong cộng đồng.
Lực lượng y tế Đồng Nai quá mỏng nhưng vừa phải xét nghiệm sàng lọc, vừa tiêm vaccine, vừa phục vụ cho các khu cách ly, vừa phục vụ cho các bệnh viện.
Vừa qua, tỉnh có 800 y bác sĩ của các tỉnh về hỗ trợ cho Đồng Nai, nhưng so với 3,7 triệu dân, số nhân lực này vẫn là một con số khiêm tốn.
Địa phương đang phải huy động lực lượng giáo viên, đoàn viên,… cùng tham với lực lượng y tế, mong đủ lực để xử lý nhiều nhiệm vụ.
Thưa ông, đối với vấn đề an sinh xã hội, tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện như thế nào trong thời gian sắp tới?
- Chúng tôi lấy xã phường làm pháo đài và mọi nguồn lực hỗ trợ cho người dân trong tỉnh sẽ được đưa về cho xã phường, thị trấn. Mọi thông tin về địa chỉ người nghèo, hộ khó khăn được tỉnh, huyện, thành phố tiếp nhận cũng chuyển về cho xã phường, thị trấn để đến thực hiện ngay hỗ trợ.
Ông có suy nghĩ đến các phương án xử lý khi thực hiện an sinh xã hội sẽ xảy ra tiêu cực hay không? Giải pháp của lãnh đạo tỉnh là gì?
- Địa phương cử nhiều cán bộ giám sát việc hỗ trợ nhân dân để tránh xảy ra tiêu cực. Tỉnh phải làm sao để nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của xã hội đến tay người nghèo một cách đúng đắn nhất, đàng hoàng nhất và không có tiêu cực xảy ra. Cán bộ nào có tiêu cực thì Đảng, chính quyền sẽ xử lý kịp thời và chấn chỉnh ngay.
Ông có thông điệp gì muốn nhắn gửi để vận động cá nhân, cơ quan doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng người khó khăn hay không?
- Suốt 3 tháng qua, chương trình Tiếp sức vì người nghèo của Đồng Nai nhận được hơn 60 tỷ đồng tiền mặt và hiện vật. Tính ra, Đồng Nai có khoảng hơn 1 triệu lao động nghèo, mỗi người chỉ nhận được khoảng 60.000 đồng. Con số này là quá ít nên lãnh đạo tỉnh tiếp tục vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp ủng độ cho Đồng Nai để chăm lo cho người nghèo.
Nếu tiếp tục giãn cách và thực hiện thông điệp
"ai ở đâu ở yên đó", Đồng Nai phải làm gì để hỗ trợ người dân, giúp dân an tâm?
- Hôm qua, tôi đã trình bày với Phó Thủ tướng rằng tôi lo nhất là giãn cách kéo dài, vì ai cũng sẽ mệt mỏi (cơ quan chức năng, nhân viên y tế, nhân dân, doanh nghiệp). Vì vậy Đồng Nai đang cố gắng nỗ lực để ngăn chặn dịch sớm nhất, không dây dưa kéo dài. Nếu phải giãn cách tiếp, tỉnh cần đưa ra các phương án hỗ trợ người dân đủ ăn để họ có sức ở yên tại chỗ.