Dân Việt

Sinh viên bị kẹt lại Hà Nội xoay sở vượt qua dịch Covid-19

NHÓM PHÓNG VIÊN 27/08/2021 13:32 GMT+7
Hà Nội giãn cách để chống dịch, nhiều sinh viên mắc kẹt, không thể về quê cũng không thể đi làm thêm. Các nhà hảo tâm đã đồng hành cùng Báo NTNN/Dân Việt trao những phần quà thiết thực đến các bạn sinh viên gặp khó khăn.


Báo NTNN trao quà tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Phạm Hưng - Viết Niệm.

Thực phẩm chính những ngày qua là mỳ tôm 

Chậm rãi đếm từng gói mỳ trong thùng, Tùng Lâm (19 tuổi, sinh viên một trường Đại học tại Thanh Xuân, Hà Nội) nhẩm tỉnh với 16 gói còn lại, chia ra Lâm có thể ăn trong khoảng 1 tuần nữa.

Lớn lên ở vùng quê nghèo, một huyện miền núi tại Nghệ An, bố mẹ đã nhiều tuổi, Tùng Lâm với niềm khao khát vẫn quyết chí học đại học để hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Sinh viên tại Hà Nội vật lộn sống qua dịch Covid-19 - Ảnh 1.

TP Hà Nội tiến hành giãn cách để chống dịch, nhiều sinh viên mắc kẹt tại Hà Nội, mất nguồn thu nhập vì không thể đi làm. Ảnh: NC.

Hoàn cảnh khó khăn, từ khi đặt chân ra Thủ đô, Lâm bươn chải bằng nhiều nghề khác nhau để vừa có tiền đóng học phí, vừa có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.

Khi mới nhập học, Lâm làm quán ăn để kiếm tiền đỡ chí phí ăn uống. Nhưng thời gian gần đây, do dịch diễn biến phức tạp không thể đi làm thêm, mất thu nhập, Lâm chật vật sống giữa Hà Nội.

"Em không dám xin bố mẹ tiền vì biết bố mẹ không có, ngoài này em dành dụm được ít tiền, nhưng chỉ ăn dè xẻn, không biết khi nào mới hết dịch để đi làm. Quanh quẩn chỉ mỳ tôm, tý rau thôi anh ạ", Lâm kể.

Để no bụng, Lâm chỉ chúng tôi cách pha mì ăn được nhiều nhất. 

"Em hay bóp nát gói mì xong thả vào tô, đổ nước vào, lúc ấy húp một phát, vừa nhanh mà vừa no", Lâm cười và kể.

f34e8701ec5c1a02434d.jpg

T.T ( 20 tuổi, sinh viên một trường đại học tại quận Cầu Giấy) nhận quà hỗ trợ từ Báo NTNN trong ngày 26/8. Ảnh: HN.

Cũng như Lâm, T.T (20 tuổi, sinh viên một trường đại học tại quận Cầu Giấy) cũng loay hoay thích nghi với cuộc sống giữa dịch Covid-19.

T.T nói: "Bố mẹ ở quê trước cũng có gửi em ít đồ ăn, nhưng giờ ở nhà cũng bị giãn cách nên không gửi được, bố mẹ cũng không có tiền nhiều nên em cũng sống chắt chiu, hy vọng 6/9 là hết giãn cách.

Nếu giãn cách thêm, hiện tại em cũng không biết phải làm thế nào bởi gạo đã hết, chợ thì cũng không đi được vì không có phiếu".

Báo Nông thôn Ngày nay trao quà của bạn đọc đến tay sinh viên gặp khó do dịch Covid-19 tại Hà Nội

Nhận thấy khó khăn của nhiều sinh viên tại Hà Nội, ngày 26/8, và 27/8, nhiều nhà hảo tâm, bạn đọc đã đồng hành cùng Báo NTNN/Dân Việt trao tặng 210 suất quà của các nhà hảo tâm ủng hộ đến sinh viên gặp khó khăn do dịch Covid-19 của 3 trường Đại học, Học viện trên địa bàn Thủ đô.

Em Nguyễn Phương Thảo - sinh viên năm 4  Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nửa năm nay không thể về nhà. Thảo quê ở Bắc Giang.

Sinh viên tại Hà Nội vật lộn sống qua dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Nhà báo Nguyễn Văn Hoài - Phó Tổng biên tập Báo NTNN/Điện tử Dân Việt trao quà cho Phương Thảo - sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Những tháng đầu năm 2021 Bắc Giang trở thành tâm dịch nên Thảo không về quê và giờ khi kết thúc chương trình học em lại tiếp tục mắc kẹt vì dịch bùng phát tại Hà Nội.

Nhận phần quà trên tay (gồm: 5 kg gạo, 1 chai dầu ăn, 10 quả trứng) Thảo nghẹn ngào: "Người nhà muốn gửi đồ xuống tiếp tế nhưng cũng không gửi được xe. Mấy bữa nay em hết gạo rồi nên bọn em ăn mỳ tôm. Giờ được tặng cả gạo và trứng thế này bọn em dè xẻn cũng được 2 tuần. Hi vọng lúc đó hết dịch".

Cũng như Thảo, T.T, nhiều bạn sinh viên khó khăn trong dịch cũng được nhận hỗ trợ từ bạn đọc, các nhà hảo tâm đồng hành cùng Báo Nông thôn Ngày nay.

e1308ee9e4b412ea4ba5.jpg

Giảng viên Bùi Đức Anh Linh - Học Viện Báo chí và Tuyên truyền trao quà hỗ trợ của Báo NTNN (trái) tới sinh viên. Ảnh: HN.

Sau khi nhận quà hỗ trợ, các bạn đều bày tỏ niềm cảm ơn sâu sắc tới Qúy Báo, các nhà hảo tâm, đã nhanh chóng hỗ trợ các bạn trong lúc khó khăn.

base64-16299558352381088614256.png

Em Vũ Thị Tuyết (sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam - phải ảnh) chia sẻ cảm xúc: "Em đang làm khóa luận tốt nghiệp tại trường, vì điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không thể về quê, cũng may có nhà trường và các tổ chức hỗ trợ nên em mới có thể yên tâm sống qua đợt dịch này".