Dân Việt

Cao Bằng: Đặc sản bún khô ngũ sắc hút du khách ngày bán 7 tạ, thu về gần 20 triệu đồng

Hoàng Hoài 28/08/2021 07:44 GMT+7
Du khách thập phương khi đến với Cao Bằng đều thích thú khi chiêm ngưỡng và thưởng thức loại bún khô đặc sản tại nơi đây.

Nổi tiếng với nhiều loại đặc sản trứ danh, trong đó phải kể đến bún khô ngũ sắc

Cao Bằng là nơi có núi sông hùng vĩ, thiên nhiên hoang sơ, bao la với thác Bản Giốc đẹp nhất Việt Nam, động Ngườm Ngao-thế giới của nhũ đá thiên nhiên. Cao Bằng cũng là vùng đất của truyền thống cách mạng với những di tích danh tiếng như hang Pác Bó, mộ anh Kim Đồng, nơi thành lập tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Cao Bằng: Đặc sản bún khô ngũ sắc khiến khách du lịch thích mê - Ảnh 1.

Nơi đây được thiên nhiên ưu ái cho những phong cảnh tưởng chừng chỉ có trong tranh vẽ. Ảnh: baolau

Ngoài những cảnh quan làm say đắm du khách, Cao Bằng còn nổi tiếng với nhiều loại đặc sản trứ danh, trong đó phải kể đến bún khô ngũ sắc (hay còn là bún khô 8 màu) khiến ai nấy cũng muốn rinh về làm quà.

Cao Bằng: Đặc sản bún khô ngũ sắc khiến khách du lịch thích mê - Ảnh 2.

Đặc sản bún khô ngũ sắc tại Cao Bằng. Ảnh: Vũ Khắc Chung

Xóm Hồng Quang 2 được sáp nhập từ xóm Hồng Quang 5 và 6 từ năm 2019, có nghề truyền thống làm bún khô. Ấn tượng đầu tiên với du khách đến nơi đây là có hàng trăm sào bún khô rực rỡ sắc màu. "Nghe mọi người bảo xóm bún nơi đây làm bún khô nổi tiếng, mục sở thị hóa ra có đến tám màu khác nhau, thật độc đáo", anh Hà Cương, khách ở TP Cao Bằng đến quay video ngày 21/8, cho biết.

Theo chị Toan-chủ một cơ sở làm bún khô tại Cao Bằng cho biết, mỗi loại bún khô được chế biến từ một nguyên liệu có màu đặc trưng, ví dụ bún ngô làm nguyên liệu ngô tẻ có màu vàng. Ngoài ra còn có bún làm từ gạo lứt đỏ, lá chùm ngây màu xanh lá, hoa đậu biếc màu xanh trời, lá cẩm màu tím, khoai lang tím, hay quả gấc hoặc bún trộn từ các màu trên.

Cao Bằng: Đặc sản bún khô ngũ sắc khiến khách du lịch thích mê - Ảnh 3.

Cơ sở làm bún khô 8 màu của chị Toan mỗi ngày làm 7 tạ bún. Ảnh: Vũ Khắc Chung

Ở món bún cẩm, người thợ đun lá cẩm tím, lọc lấy nước rồi trộn với gạo ngâm qua đêm, tiếp đến đem gạo xát thành bột, trộn thêm nước lá cẩm để tạo màu. Với bún ngô, ngô sau khi phơi khô được đem đi xay nhỏ rồi ngâm qua đêm, tiếp đó đem ngô xát mịn rồi trộn thêm bột gạo, cho vào máy trộn, pha thêm nước.

Các công đoạn kế kiếp khi chế biến các loại bún khô là giống nhau, như đem hỗn hợp bột gạo vừa trộn cho vào máy ép, cắt bó sợi bún đều từ 70 đến 80 cm, phơi lên sào. Công đoạn cuối là ủ bún qua đêm để sợi tơi rồi phơi râm có nắng, gió thông thoáng 3-5 ngày. Tuy nhiên phơi bún phải tránh nắng gắt, nhiều gió nếu không bún sẽ giòn, dễ vụn khi vận chuyển xa.

Cao Bằng: Đặc sản bún khô ngũ sắc khiến khách du lịch thích mê - Ảnh 4.

Bún khô 8 màu chuẩn bị đóng gói. Ảnh: Vũ Khắc Chung

Đặc sản bún khô ngũ sắc hút du khách ngày bán 7 tạ, thu về gần 21 triệu đồng

Bún khô Cao Bằng được làm theo bí quyết gia truyền nên sợi bún khi luộc lên mềm như bún tươi, không gãy, ăn không ngán, có thể chế biến nhiều món như kèm với canh xương, bún xào, bún ốc và ngon nhất là bún trộn với các nguyên liệu hành, giò, rau củ.

Quá trình luộc bún, người sử dụng chú ý ngâm với nước 10 phút, sau đó thả vào nước đun sôi khoảng 5 phút, rồi tắt lửa cho bún đạt độ mềm mong muốn, rửa sạch lại với nước và bắt đầu chế biến các món ăn ưa thích.

Cao Bằng: Đặc sản bún khô ngũ sắc khiến khách du lịch thích mê - Ảnh 5.

Sợi bún dẻo dai luôn là điểm nhấn cho loại đặc sản đầy sắc màu này. Ảnh: caobang

Được biết cơ sở bún của chị Toan sử dụng 6 nhân công cho các quy trình sản xuất khoảng 7 tạ bún khô/ngày. Giá các loại bún khô tùy loại khác nhau ví dụ như bún trắng chỉ 20.000 đồng/kg và bún gạo lứt đỏ giá cao nhất 30.000 đồng/kg.

Hiện nay, Cao Bằng không chỉ có bún khô ngũ sắc mà còn được chế biến thêm thành 8 màu với hương vị độc đáo tạo được sức hút riêng, tiếng đồn vang xa với khách hàng ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.