Vượt khó, không để nợ đọng
Là địa phương cuối cùng của thị xã Sơn Tây được UBND TP.Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM nhưng Kim Sơn lại là xã đầu tiên đủ điều kiện về đích NTM nâng cao. Bà Lê Thị Chính - Chủ tịch UBND xã Kim Sơn cho hay: Năm 2018, xã Kim Sơn về đích NTM. Từ tiền đề trên, địa phương tiếp tục được thị xã Sơn Tây lựa chọn làm điểm xây dựng NTM nâng cao.
Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng Kim Sơn cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, việc huy động nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng NTM mới nâng cao được xem là bài toán nan giải nhất. Theo bà Chính, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước cấp để xây dựng NTM, Kim Sơn đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng NTM nâng cao. Nhờ có nhiều cách làm hay, chỉ trong hai năm 2019 - 2020, xã Kim Sơn đã huy động được gần 3,4 tỷ đồng nguồn kinh phí xã hội hóa để hiện thực mục tiêu NTM nâng cao.
"Trong quá trình thực hiện, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để cân đối sử dụng nguồn vốn hợp lý, bảo đảm không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản" - bà Chính chia sẻ.
Cùng với việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm đồng bộ, hiện đại, Kim Sơn còn chú trọng nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân thông qua các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi.
Trong đó, xã tập trung vào nhóm sản phẩm mật ong, sữa bò, chè, hoa cây cảnh… Đến nay, thu nhập bình quân đầu của người dân trên địa bàn xã đã đạt hơn 60 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%.
"Với những kết quả đã đạt được, xã Kim Sơn vinh dự được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020.
Đến giờ cái được lớn nhất của xã là được niềm tin và khí thế của người dân, tạo động lực cho địa phương hoàn thành các mục tiêu lớn hơn trong tương lai" - Chủ tịch UBND xã Kim Sơn nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, trong năm 2021, các huyện: Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa phấn đấu đạt chuẩn NTM. Định hướng 2 huyện còn lại là Ba Vì, Mỹ Đức sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong năm 2022.
Coi trọng giá trị cốt lõi
Nói về kinh nghiệm trong xây dựng NTM của Hà Nội, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí khẳng định: Sở dĩ Bộ NNPTNT đánh giá cao cách làm bài bản của Hà Nội đó là bởi các xã NTM của thành phố không có tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ tiêu chí NTM.
Thậm chí, một số chỉ tiêu, tiêu chí NTM của Hà Nội đặt ra còn cao hơn so với Trung ương quy định. Đơn cử như tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM yêu cầu có chợ nông thôn, hoặc nơi mua bán trao đổi hàng hóa.
Tuy nhiên, Hà Nội yêu cầu xã NTM cần có chợ nông thôn trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đạt chuẩn, hoặc có siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp đạt chuẩn. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, ngoài 322 chợ nông thôn còn có các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và các cửa hàng kinh doanh tổng hợp, bảo đảm giao thương cho người dân khu vực nông thôn.
"Hà Nội luôn xác định xây dựng NTM là quá trình lâu dài, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó sau khi được công nhận, các xã vẫn tiếp tục đầu tư nguồn lực và huy động sự đóng góp của người dân để nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM" - Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội nhấn mạnh.
Cũng theo ông Chí, cùng với bảo đảm chất lượng các tiêu chí, việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM là một trong những điều kiện, thủ tục bắt buộc trong hồ sơ xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn NTM.
Việc đánh giá sự hài lòng của người dân nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đồng thời phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng NTM. Từ đó tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh".
"Đây còn là cách thức nhằm đánh giá khách quan kết quả xây dựng NTM, nâng cao trách nhiệm của Ủy ban MTTQ từ thành phố đến cơ sở trong việc vận động, giám sát xây dựng NTM. Sự hài lòng của người dân cũng chính là giá trị cốt lõi mà Chương trình xây dựng NTM của Hà Nội hướng đến"- ông Chí nói.