Đánh bom tự sát ở sân bay : Kịch bản xấu nhất đã diễn ra
Bài điểm báo của RFI cho biết, báo Le Monde nhận xét, dù đã dự báo trước nhưng vẫn không tránh được. Từ nhiều ngày qua Washington đã cảnh báo về nguy cơ khủng bố ở khu vực phi trường Kabul. Ngày 26/8, mối đe dọa đã thành sự thực, khi hai quả bom nổ ở gần sân bay, nơi những người Afghanistan chen chúc chờ ra đi. Theo hãng tin AP, trên 100 người thiệt mạng trong đó có 13 quân nhân Mỹ. Nhánh Afghanistan của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS, Daech) nhanh chóng nhận trách nhiệm.
Đã bị tai tiếng vì cái chết của một số người Afghanistan di tản ở sân bay, vụ rút lui khỏi Kabul lại trở thành thảm họa. Mỹ và các đồng minh đã cố gắng đưa được trên 100.000 ra đi trong 10 ngày qua, nhờ các cầu không vận, trong điều kiện đặc biệt khó khăn. Tổng thống Biden tối qua cam đoan chiến dịch di tản sẽ kết thúc ngày 31/08. Nhưng ngoài thiệt hại nhân mạng, các vụ khủng bố này gây tác động nặng nề cho Washington và các đồng minh.
"Chúng tôi sẽ không tha thứ, sẽ không quên. Chúng tôi sẽ truy lùng và buộc các người phải trả giá". Lời hứa trả thù do một Joe Biden đang bị chấn động thốt lên từ Nhà Trắng, có nghĩa là tuy ông muốn quay lưng hẳn với khu vực, Mỹ trên thực tế vẫn chưa thể chấm dứt cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo.
Mỹ khó làm ngơ trước khủng bố Hồi giáo
Gần đến dịp kỷ niệm lần thứ 20 các vụ khủng bố ngày 11/09/2001 đã khiến Mỹ phải can thiệp vào Afghanistan ngay tháng sau, lực lượng Mỹ lại đứng trước sự phát triển vượt bậc của Al Qaida, tổ chức khủng bố đã bị người Mỹ đuổi chạy khỏi Afghanistan. Khi nêu ra các "di căn" của khủng bố Hồi giáo tối qua, tổng thống Biden đã mặc nhiên nhìn nhận Mỹ không diệt được khối u này. Sau khi chiến đấu chống Al Qaida, Hoa Kỳ và đồng minh lại chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Irak, Syria và Sahel, hiện diện tại châu Phi, các di căn cũng lan ra châu Á.
Một bài học khác từ hai vụ tấn công ở Kabul là phe Taliban, những ông chủ mới của Afghanistan, không kiểm soát được các nhóm khủng bố này. Theo thỏa thuận Doha hồi tháng 2/2020 với chính quyền Donald Trump, phần nào là nguyên nhân của sự hỗn loạn hiện nay, Taliban cam kết sẽ không có việc tấn công vào quân của liên minh cho đến khi rút đi toàn bộ. Họ đã cho thấy không thể ngăn trở các nhóm khác hành động.
Cuộc chiến chống IS thậm chí còn dẫn đến sự hợp tác đầy nghịch lý giữa Mỹ và Taliban trong những ngày gần đây để cố gắng giữ an ninh cho phi trường, "mục tiêu chung".
Thảm kịch ở sân bay Kabul nhắc nhở các thất bại đáng buồn khác, như toan tính giải cứu các con tin ở Iran năm 1980 dưới thời Jimmy Carter, hay vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi (Libya) ngày 11/09/2012. Điểm lại các sai lầm trong 20 năm qua là cần thiết, nhưng tuy muốn thu mình lại, Mỹ không có chọn lựa nào khác là tiếp tục các cam kết chống khủng bố. Thánh chiến ngày nay mang tính toàn cầu, và nước Mỹ cùng các đồng minh luôn là mục tiêu trước tiên.
"Sẽ có thêm các cuộc tấn công khác"
Người Phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết hôm thứ Sáu rằng, Mỹ dự đoán sẽ có thêm các cuộc tấn công vào sân bay Kabul trong tương lai.
"Tôi chắc chắn có thể nói rằng chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho những cuộc tấn công lặp lại trong tương lai", Kirby trả lời một câu hỏi liên quan.
Ông nhấn mạnh, dựa trên thông tin tình báo hiện tại, Mỹ biết cụ thể lực lượng nào đe dọa an ninh của cảng hàng không Kabul.
Kirby cũng được hỏi về khả năng lặp lại các cuộc tấn công khủng bố ở Hoa Kỳ sau khi các lực lượng Mỹ hoàn tất việc rút khỏi Afghanistan.
"Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng (Lloyd Austin) đã nói rõ: chúng tôi sẽ không cho phép các cuộc tấn công vào lãnh thổ Mỹ từ Afghanistan lặp lại một lần nữa - như đã xảy ra 20 năm trước", đại diện Lầu Năm Góc cho biết.
Theo ông, Mỹ có đủ khả năng để ngăn chặn một kịch bản như vậy, thậm chí không cần duy trì sự hiện diện quân sự ở Afghanistan.
Người phát ngôn William Taylor cho biết Lầu Năm Góc không thể xác nhận thông tin về một vụ nổ thứ hai gần sân bay Kabul. "Tôi có thể xác nhận chúng tôi tin không có vụ nổ thứ hai tại khách sạn Baron. Đã có một vụ đánh bom liều chết (ở cổng sân bay)", đại diện quân đội cho biết tại một cuộc họp báo của Lầu Năm Góc.
Theo ông, việc tiếp nhận thông tin không chính xác là có thể xảy ra trong điều kiện khó khăn, khi các sự kiện đang phát triển nhanh chóng, nhưng nhấn mạnh Lầu Năm Góc cho rằng cần phải chỉnh sửa và làm rõ các chi tiết.
Hai vụ nổ xảy ra hôm thứ Năm gần sân bay Kabul, một trong số đó - gần khách sạn Baron, nơi, theo mà báo chí truyền thông đang có người nước ngoài, bao gồm cả công dân Anh và Mỹ tụ tập. Vụ đầu tiên do một kẻ đánh bom liều chết thực hiện, sau đó là xe hơi phát nổ.
Các phương tiện truyền thông dẫn tuyên bố của Nhà nước Hồi giáo đưa tin nhóm này đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công sân bay. Washington tin rằng Vilayat Khorasan, một thành viên của IS, đã tham gia vào các cuộc tấn công. Sau đó ở Kabul lại xuất hiện vài vụ nổ nữa, song quân đội Mỹ giải thích đã kiểm soát được.