Dân Việt

Hai đại gia lan đột biến vừa bị bắt vì thu lợi trăm tỷ đồng từ than lậu đối mặt hình phạt nào?

Đ.Việt 29/08/2021 12:04 GMT+7
Luật sư đã đưa ra quan điểm pháp lý xung quanh vụ việc Bộ Công an triệt phá đường dây khai thác than lậu ở các tỉnh phía Bắc với quy mô hàng triệu tấn.

Liên quan đến đường dây khai thác than lậu 2,5 triệu tấn, những nhân vật cầm đầu đường dây được công an xác định gồm: Châu Thị Mỹ Linh (ngụ Q.12, TP HCM, là Giám đốc Công ty CP Yên Phước) và anh em đại gia lan đột biến rất nổi tiểng là Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang tại Quảng Ninh.

Hai đại gia lan đột biến vừa bị bắt vì thu lợi trăm tỷ đồng từ than lậu đối mặt hình phạt nào? - Ảnh 1.

Nhà chức trách kiểm tra bãi than ở Hải Dương. Ảnh: Tổng cục quản lý thị trường.

Trước đó, ngày 27/8, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế, buôn lậu, tham nhũng (C03) - Bộ Công an đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 12 bị can để điều tra về tội "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên".

Bước đầu, CSĐT xác định bị can Châu Thị Mỹ Linh đã cấu kết với hai anh em đại gia lan đột biến hình thành một đường dây khai thác, mua bán và vận chuyển than trái phép có quy mô cực lớn.

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, than đá là loại tài nguyên thiên nhiên đặc biệt, có sự quản lý của nhà nước. Việc tổ chức khai thác than đá của tổ chức, cá nhân phải được nhà nước cho phép và quản lý chặt chẽ.

Theo quy định tại Luật khoáng sản năm 2010, để khai thác than hay các loại khoáng sản khác, tổ chức phải là doanh nghiệp, có đăng ký kinh doanh, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.

Khi cơ quan chức năng phát hiện ra có tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác, không đủ điều kiện khai thác hoặc khai thác vượt mức so với giấy phép thì tổ chức cá nhân có sai phạm sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp doanh nghiệp, cá nhân thông đồng với một số cán bộ lợi dụng danh nghĩa thực hiện hợp đồng bốc xúc đất đá để khai thác trái phép với quy mô lớn, chiếm đoạt than một cách công khai nhằm thu lợi bất chính với số tiền đặc biệt lớn, đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vi phạm Luật khoáng sản và có dấu hiệu tội phạm hình sự.

Quay lại vụ việc, theo luật sư Cường, với kết quả xác minh làm rõ các sai phạm như trên, cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" theo quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự 2015 là có căn cứ.

Hai đại gia lan đột biến vừa bị bắt vì thu lợi trăm tỷ đồng từ than lậu đối mặt hình phạt nào? - Ảnh 3.

Anh em Bùi Hữu Giang, Bùi Hữu Thanh (áo trắng) trong thương vụ giao dịch lan đột biến đình đám hồi tháng 3. Ảnh: CAFEBIZ

Theo điều luật trên, trường hợp hành vi của các đối tượng được xác định là: Có tổ chức hoặc gây ra sự cố môi trường hoặc làm chết người hoặc thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên...các đối tượng này sẽ bị đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Ngoài hình phạt chính có thể đến 7 năm tù nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

Ngoài ra, tội danh này còn xử lý đối với pháp nhân thương mại, sẽ bị áp dụng mức xử phạt theo quy định tại khoản 4 Điều 227 Bộ luật hình sự, mức phạt có thể bị phạt tiền cao nhất đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động đến 3 năm.

Toàn bộ tài sản do phạm tội mà có trong vụ án này sẽ bị tịch thu, xung công quĩ nhà nước. 

Số lượng than mà cơ quan điều tra xác định là khai thác trái phép sẽ bị thu hồi, ngoài ra những người phạm tội sẽ bị xử lý bằng chế tài hình sự là phạt tù và có thể hình phạt bổ sung là phạt tiền theo quy định tại điều 227 Bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên.

"Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội, làm rõ hành vi của từng đối tượng có liên quan để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Trong quá trình điều tra nếu phát hiện có thêm hành vi rửa tiền, đưa hối lộ, chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cũng sẽ tiếp tục khởi tố và xử lý theo quy định của pháp luật" – vị luật sư nêu quan điểm.

Trước khi bị bắt giữ trong vụ án này, cặp anh em song sinh Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh được biết đến là những chủ nhân của "vườn lan var đất mỏ", có trong tay hàng ngàn tỉ đồng từ việc nuôi trồng, kinh doanh lan var; xây biệt thự hoành tráng và mua sắm xe siêu sang đắt tiền.

Từ ngày 19/8, 135 cán bộ thuộc lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, cơ động đã khám xét các cơ sở kinh doanh than lậu tại Thái Nguyên và Hải Dương. Nhà chức trách phát hiện phần lớn các bãi than có khối lượng chênh lệch so với hóa đơn nhập hàng. Có bãi than lực lượng chức năng phát hiện hàng chục nghìn tấn không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn.

12 bị can trong vụ án gồm: Châu Thị Mỹ Linh; Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh; Hà Anh Tuấn, nguyên giám đốc Công ty Đông Bắc Hải Dương; Bùi Mạnh Cường, nguyên giám đốc Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương; Ngô Đăng Hải, nguyên Phó giám đốc Công ty Đông Bắc Hải Dương; Nguỵ Quang Thuyên, Doãn Thị Định, Đỗ Thị Luyến, nhân viên Công ty Yên Phước; Bùi Hữu Khoa, nhân viên quản lý khai thác than; Nguyễn Tuấn Anh, kinh doanh vận tải.