Những người "bom" đơn hàng khi nhờ đi chợ hộ TP HCM sẽ bị xử lý thế nào?
"Bom đơn hàng" khi nhờ đi chợ hộ dân ở TP.HCM có bị xử phạt không?
Đ.Việt
Chủ nhật, ngày 29/08/2021 09:12 AM (GMT+7)
Luật sư cho biết, vì là quan hệ dân sự thuần tuý nên việc người dân "bom hàng" (đặt hàng nhưng không nhận - PV) khó có thể áp dụng chế tài cứng rắn. Trong khi đó, nhiều độc giả lại cho rằng phải xử lý nghiêm để làm gương.
Từ ngày 23/8, việc đi chợ cho người dân TP.HCM do phường, xã trực tiếp đảm nhận. Sau gần 1 tuần triển khai, trong khi nhiều người chật vật đặt hàng "đi chợ hộ" thì nhiều địa phương phản ánh tình trạng cán bộ đi chợ giúp nhưng khi giao lại không có người nhận, một số trường hợp trả lời "chỉ đặt thử".
Thậm chí, khi lực lượng bộ đội đi chợ hộ, cũng có tình trạng bị "bom hàng".
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch phường An Phú, TP Thủ Đức cho biết ngày 27/8 phường tiến hành giao hàng đợt đầu tiên cho người dân thì bị "bom hàng" (đặt hàng nhưng không nhận - PV) khoảng 100 đơn hàng. Trước đó một số nơi trên địa bàn thành phố cũng phản ánh có tình trạng tương tự.
Nói về vấn đề trên, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, khi UBND TP HCM tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở mức độ người dân "ai ở đâu phải ở yên đấy", người dân không được phép ra đường thì việc cung cấp lương thực thực phẩm là trách nhiệm của chính quyền địa phương để đảm bảo đời sống, tâm lý, sức khỏe của người dân trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp.
Việc cung cấp thực phẩm có thể bằng nhiều cách khác nhau như đi chợ hộ, bán hàng online có người vận chuyển, hỗ trợ miễn phí, bán hàng tại cửa nhà...
Áp dụng biện pháp nào bản chất vẫn là quan hệ dân sự mua và bán hàng hóa là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu thông qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp để đáp ứng nhu cầu về ăn, mặt, ở, tiêu dùng tối thiểu của người dân.
Trong các quan hệ dân sự này có thể có trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng, từ chối nhận hàng, tranh chấp về việc mua bán... Đó là quan hệ dân sự hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ khi nào, với bất cứ ai...
Bởi vậy, không thể vì một vài trường hợp hủy bỏ hợp đồng, không nhận hàng mà việc cung cấp thực phẩm bị ngưng trệ.
Theo luật sư Cường, việc người dân không nhận hàng, không thanh toán tiền cũng không phải là căn cứ để có thể áp dụng các chế tài hành chính hoặc các biện pháp cứng rắn bằng pháp luật bởi đây là quan hệ dân sự thuần tuý.
Đây là những rủi ro trong kinh doanh bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Đối với cơ quan chức năng thực hiện công việc đi chợ hộ người dân, việc một số trường hợp không nhận hàng, thậm chí không trả tiền là chuyện vẫn có thể xảy ra. Chính quyền địa phương cần lường trước các tình huống này để có những ứng phó phù hợp.
Theo vị luật sư, có một số giải pháp có thể đưa ra để hanh chế tình trạng này như yêu cầu thanh toán tiền trước; xác minh lại thông tin cụ thể về loại hàng, thời gian giao hàng, đặc điểm của hàng hóa và nghĩa vụ của người mua nếu như từ chối nhận hàng; tăng cường các hình thức mua bán trực tiếp bằng cách cho xe chở vào các ngõ xóm để người dân có cơ hội mua sắm trực tiếp nhưng vẫn đảm bảo gián cách xã hội, đảm bảo khoảng cách...
Đối với những trường hợp người dân do ốm đau, nhập viện hoặc do hết tiền mà không thể nhận hàng hoặc không thể trả tiền thì chính quyền địa phương có thể chuyển hàng đó cho người khác hoặc coi như một khoản từ thiện phải hỗ trợ cho người khó khăn.
Còn đối với những đối tượng có tư tưởng chống đối, cản trở chính sách, gây rối an ninh trật tự bằng cách đặt hàng nhiều lần, nhiều chỗ nhưng không nhận hàng, cố tình trốn tránh mà không có lý do chính đáng, chính quyền địa phương căn cứ vào các quy định của pháp luật để xử lý về hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, đưa tin sai sự thật…
Trong khi đó, trao đổi với Dân Việt, nhiều độc giả bày tỏ quan điểm rằng chính quyền phải xử lý thật nghiêm những trường hợp người dân nhờ đi chợ hộ mà không nhận hàng. Trước mắt phải xử lý điểm một vài trường hợp để làm gương.
"Theo dõi tin tức mấy ngày nay tôi thấy bức xúc khi tình xảy ra tình trạng này, chính quyền đã rất vả chống dịch, chăm lo cho đời sống của người dân mà nhiều người còn vô tâm thế này là quá thất vọng.
Tôi cho rằng, những người cố tình "bom" hàng phải bị xử phạt theo quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội" – anh Văn Lâm (TP Thủ Đức) bức xúc.
Chiều 28/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo TP HCM để bàn việc bổ sung thêm lực lượng tài xế sử dụng công nghệ (shipper) để giao hàng.
Toàn bộ ý kiến trong cuộc họp này đều đồng ý với việc phải bổ sung thêm shipper để phục vụ nhu cầu mua hàng của người dân trong thời gian TP HCM tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nhưng phải đảm bảo an toàn, không làm lây lan dịch bệnh.
Sau khi thảo luận, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thống nhất theo hướng sẽ đồng ý TP HCM tính toán bổ sung thêm lực lượng nhân viên làm việc tại các chuỗi cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP, với điều kiện TP phải chỉ đạo cơ quan y tế xét nghiệm hằng ngày đối với lực lượng này.
Tổ công tác đồng ý để TP HCM tổ chức cho shipper được phép hoạt động tại TP Thủ Đức và 7 quận huyện "vùng đỏ" để đáp ứng nhu cầu mua hàng của người dân.
Tuy nhiên, phải giao cho các phường (trạm y tế lưu động do quân y quản lý) tổ chức điểm xét nghiệm tại mỗi phường, ít nhất mỗi phường có một điểm.
Hằng ngày, từ 5h - 6h sáng, các shipper hoạt động tại TP Thủ Đức và 7 quận huyện "vùng đỏ" sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, nếu âm tính sẽ được hoạt động.
Riêng lực lượng shipper tại 14 quận, huyện thuộc "vùng xanh" vẫn tổ chức từ trước đến nay nhưng phải tăng cường xét nghiệm 2 lần/tuần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.