Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 8/2021, xuất khẩu điều của Việt Nam đạt 20.400 tấn, trị giá 137,44 triệu USD, giảm 21,6% về lượng và giảm 18,5% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 7/2021; giảm 1,2% về lượng, nhưng tăng 14,5% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 8/2020.
Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2021, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 348.700 tấn, trị giá 2,14 tỷ USD, tăng 21,5% về lượng và tăng 15,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Những tác động của dịch Covid-19 ở các tỉnh phía Nam đã khiến hoạt động xuất khẩu điều bị ảnh hưởng.
Thực tế, cho đến hết tháng 7/2021, xuất khẩu điều của Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể.
Cụ thể, xuất khẩu điều của Việt Nam trong tháng 7/2021 đạt 54.260 tấn, trị giá 350,35 triệu USD, so với tháng 7/2020 tăng mạnh 29,8% về lượng và tăng 44,3% về trị giá.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 328.520 tấn, trị giá trên 2 tỷ USD, tăng 23,3% về lượng và tăng 15,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu điều chỉ giảm tốc bắt đầu từ đầu tháng 8/2021.
Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ đạt 6.095 USD/tấn.
Hiện, Mỹ là thị trường xuất khẩu điều lớn nhất của Việt Nam. Trong 7 tháng năm 2021, Mỹ chi 572,9 triệu USD để nhập 101.247 tấn điều của Việt Nam; Trung Quốc xếp vị trí thứ 2 với 45.414 tấn và 336,9 triệu USD.
Dự báo xuất khẩu điều của Việt Nam sẽ thuận lợi trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ hạt điều của châu Âu, Mỹ tăng theo yếu tố chu kỳ. Nhiều doanh nghiệp lớn đã có đơn hàng giao năm 2022.
Chính vì vậy, khi dịch Covid-19 bùng phát ở các tỉnh phía Nam, nguy cơ chuỗi cung ứng ngành điều bị ảnh hưởng, Hiệp hội Công nghiệp thực phẩm Mỹ đề nghị Chính phủ Việt Nam ưu tiên phân phối vaccine ngừa Covid-19 tới lực lượng lao động, công nhân sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm ở Việt Nam, đặc biệt là ngành điều.
Lý do là bởi thị trường Mỹ chiếm gần 1/3 trong tổng giá trị 3,5 tỉ USD xuất khẩu hạt điều hằng năm của Việt Nam và việc giữ ổn định nguồn cung chính là chìa khóa để đảm bảo cho việc tiếp tục tăng trưởng.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm thương mại Quốc tế, nhập khẩu hạt điều của Thụy Sĩ giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 13,6%/năm (tính theo lượng) và tăng 12,9%/năm (tính theo trị giá), từ 1.900 tấn, trị giá 18,98 triệu USD năm 2016 tăng lên 3.120 tấn, trị giá 28,24 triệu USD năm 2020.
Trong đó, tốc độ nhập khẩu hạt điều của Thụy Sĩ từ Việt Nam tăng trưởng bình quân 20,4% (tính theo lượng) và tăng 19,8%/năm (tính theo trị giá), từ 742 tấn, trị giá 7 triệu USD năm 2016 tăng lên xấp xỉ 1.500 tấn, trị giá 12,33 triệu USD năm 2020.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Thụy Sĩ nhập khẩu 1.460 tấn hạt điều, trị giá 13,37 triệu USD, tăng 1,9% về lượng và tăng 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
6 tháng đầu năm 2021, Thụy Sĩ tăng nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam, nhưng giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Hà Lan. Số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu hạt điều của Thụy Sĩ từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 777 tấn, trị giá 6,52 triệu USD, tăng 40,4% về lượng và tăng 35,6% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020.
Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Thụy Sĩ tăng từ 38,58% trong 6 tháng đầu năm 2020 lên 53,16% trong 6 tháng đầu năm 2021.
Qua số liệu thống kê cho thấy, hạt điều Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh lớn tại thị trường Thụy Sĩ.