Hiện nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VRN) đã tạm dừng toàn bộ các đoàn tàu chạy Bắc – Nam, do không có khách và đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, những đoàn tàu chạy hàng liên vận quốc tế, tàu hàng tới các tỉnh vùng biên và tàu hàng nội địa vẫn được duy trì hoạt động để chuỗi cung ứng hàng hoá không bị đứt gãy.
Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng đường sắt trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với vận tải hàng hóa, Bộ GTVT yêu cầu tại ga xếp dỡ, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt đăng ký điểm kiểm soát dịch tại các địa điểm giao dịch vận chuyển hàng hóa trên hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế tại website http://tokhaiyte.vn, in mã QR code từ hệ thống; yêu cầu khách hàng khai báo y tế trên ứng dụng Bluezone hoặc Ncovi để khách hàng quét mã QR code tại điểm kiểm soát dịch khi đến làm việc.
Nhân viên đường sắt và công nhân bốc xếp tại các ga thuộc địa phương áp dụng Chỉ thị số 16 khi đến nơi làm việc phải có giấy xét nghiệm theo quy định. Sau khi dỡ hàng hóa xong, doanh nghiệp đường sắt phải khử khuẩn toa xe hàng nếu thấy cần thiết, để đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, tại các ga tàu dừng, đỗ tác nghiệp kỹ thuật, trưởng tàu hàng, lái tàu, phụ lái tàu và các nhân viên làm việc trên tàu hàng chỉ được tiếp xúc với nhân viên liên quan khi thực hiện nhiệm vụ, không vào ga khi không cần thiết. Mọi giao nhận thực hiện ngoài hiện trường và khi giao nhận phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.
Tại nhà ga cuối hành trình, trưởng tàu, lái tàu, phụ lái tàu và các nhân viên làm việc trên tàu hàng sau khi giao nhận vận đơn, giấy tờ liên quan với các đơn vị phải về ngay nhà lưu trú, không tiếp xúc với người lạ và đi ra ngoài khu vực ga.
Bộ GTVT yêu cầu khi kết thúc hành trình, tàu về đến ga xuất phát, nhân viên làm việc trên đoàn tàu hàng phải thực hiện công tác vệ sinh toa xe, thực hiện nghiêm phòng chống dịch trong công tác giao nhận, báo cáo thực hiện nhiệm vụ sản xuất đối với đơn vị, khai báo y tế và nộp nhật ký tiếp xúc với các nhân viên của các đơn vị khác trong quá trình chạy tàu.
Với tàu khách, Bộ GTVT quy định chỉ mở bán 50% số chỗ trên các toa xe ghế ngồi, giường nằm để đảm bảo hành khách ngồi, nằm giãn cách nhau một hàng ghế hoặc đảm bảo khoảng cách 1m.
Nhân viên bán vé phải yêu cầu hành khách đến mua vé tàu cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân của người đi tàu bao gồm: Họ và tên, số chứng minh nhân dân (căn cước công dân hoặc hộ chiếu), số điện thoại và nhập lên hệ thống bán vé tàu điện tử. Khi mua vé tàu online, hành khách phải cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân như mua tại cửa vé…
Tại ga hành khách lên tàu, các đơn vị phải kiểm tra, hướng dẫn hành khách thực hiện việc khai báo y tế bắt buộc, đảm bảo toàn bộ hành khách phải được khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, giấy xét nghiệm của tất cả hành khách trước khi vào ga, lên tàu. Trường hợp phát hiện hành khách có các biểu hiện ho, sốt, khó thở phải kịp thông báo cho cơ quan y tế địa phương.
Bộ GTVT yêu cầu tại các ga tàu có tác nghiệp đón trả khách, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt bàn giao số lượng hành khách, danh sách hành khách xuống tàu với cơ quan được chính quyền địa phương ủy quyền để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Trước đó, trao đổi với PV Dân Việt, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh cho biết: "Hiện nay, toàn bộ tàu chở khách đã tạm dừng hoạt động, chỉ còn những đôi tàu vận chuyển hàng hoá vẫn đang hoạt động ổn định. Thực tế, chúng tôi không muốn dừng tàu khách, nhưng do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ nên không có khách đi tàu, buộc phải dừng tuyến đường sắt Bắc – Nam".
Thông tin về số lao động bị ảnh hưởng, ông Minh cho biết: "Trong 6 tháng đầu năm có khoảng 1.725 người bị ảnh hưởng, trong đó có trên 1.700 người nghỉ luôn phiên, tạm hoãn HĐLĐ là gần 1.300 người, người chấm dứt HĐLĐ thì đang tổng hợp".
Ông Minh ví von: "Hiện nay, 100% tàu khách đã dừng hoạt động coi như "đóng băng" đường sắt vận tải hành khách dẫn sản lượng kinh doanh bị sụt giảm 50% trên tổng doanh thu của Tổng công ty. "Hiện nay, đường sắt tăng trưởng được 20% vận tải hàng hoá so với năm 2019. Thiệt hại vận tải hành khách là 100%", ông Minh chia sẻ.