TS.BS Phạm Lê Duy - Trường ĐH Y Dược TP.HCM - nhận định: Mặc dù hiện nay đang giãn cách xã hội, mọi người hầu hết đều ở nhà nhưng thỉnh thoảng, vẫn có những nguy cơ dễ bị lây nhiễm như khi nhận hàng hóa từ shipper, mua thuốc men, đi tiêm vaccine hoặc khi tập trung lấy mẫu.
Theo BS Phạm Lê Duy, mặc dù chưa có bằng chứng về việc virus có thể lây truyền qua các bưu phẩm, hay vật phẩm giao nhận qua chuyển phát, nhưng nghiên cứu cho thấy, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại khoảng 1 ngày trên bề mặt giấy carton và khoảng 3 ngày trên bề mặt nhựa.
Lượng virus đó chưa biết có đủ để gây nhiễm cho người tiếp xúc hay không nhưng cũng chưa có bằng chứng chứng minh cho điều ngược lại.
Do đó, để giảm tối đa nguy cơ bị lây nhiễm qua các vật trung gian, bác sĩ Duy khuyên khi nhận vật phẩm từ nơi khác gửi đến, nên lau bề mặt bằng dung dịch sát khuẩn trước khi mang vào nhà, và rửa tay sạch.
Đối với thực phẩm, có thể rửa sạch dưới vòi nước chảy, hoặc ngâm vào dung dịch muối loãng và rửa sạch trước khi chế biến. Hạn chế mua thực phẩm chế biến sẵn trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó, điện thoại là một "vật trung gian" rất quan trọng vì nó vừa tiếp xúc với bàn tay, vừa tiếp xúc gần với vùng mắt, mũi, miệng. Do đó, bác sĩ Duy khuyên nếu phải đi đâu khi ra ngoài, nên bỏ điện thoại vào túi đựng, khi về đến nhà thì lau túi đựng bằng dung dịch sát khuẩn rồi mới lấy ra sử dụng.
Nếu không có túi đựng, có thể bọc điện thoại bằng màng bọc thực phẩm, và khi đi ra ngoài trở về thì sát khuẩn và vứt bỏ lớp màng bọc.
Trong lúc đi ra ngoài, nếu nhận cuộc điện thoại thì nên mở loa ngoài để nghe hoặc sử dụng tai nghe, hạn chế áp điện thoại lên mặt.
BS Phạm Lê Duy cũng hướng dẫn cách lau chùi các bề mặt trong nhà như nắm cửa, bàn, ghế, bằng dung dịch sát khuẩn mỗi ngày 1-2 lần, hoặc khi có nguy cơ bị tiếp xúc với nguồn lây nhiễm.
Mới đây nhất, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã cảnh báo người mắc Covid-19 và người cùng nhà đều không nên tiếp xúc với vật nuôi, cũng không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình. Bởi có bằng chứng cho việc Covid-19 có thể lây sang vật nuôi.
"Theo CDC Mỹ, đến nay, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ động vật là khá thấp. Tuy nhiên, con người có thể truyền virus trên sang động vật, đặc biệt là khi tiếp xúc gần.
Thế giới cũng đã ghi nhận các báo cáo về vật nuôi hoặc động vật nói chung mắc Covid-19. Hầu hết các con vật nhiễm bệnh sau khi ở gần chủ, người chăm sóc nhiễm SARS-CoV-2" - Bộ Y tế cảnh báo.