Bạch Dương
Thứ tư, ngày 01/09/2021 15:03 PM (GMT+7)
Đại dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống của toàn bộ người dân bị đảo lộn, những chuyện tưởng chừng như không thể xảy ra cũng đã xảy ra, mỗi người đều phải thích ứng với trạng thái "bình thường mới". "Đi chợ hộ dân", dùng "tem phiếu" (thẻ) đi chợ là những hình ảnh "bình thường mới" giữa tâm dịch Covid-19.
Cầm trên tay tập phiếu mua hàng được phân chia theo ngày, khu vực, chị Mai Hoa (quận 3) chia sẻ: "Tôi vẫn thường nghe bà, nghe mẹ kể về thời bao cấp tem phiếu, xếp hàng từ đêm để mua thực phẩm của những ngày xưa, không nghĩ rằng bây giờ cũng có lúc mình cầm "tem phiếu" như ông bà trước đây. Số phiếu này tôi chưa kịp sử dụng thì thành phố tăng cường giãn cách, ai ở đâu ở yên đó, tổ dân phố đi chợ giúp dân".
Chị Hoa cho biết, bình thường chị chủ động thời gian đi chợ tùy thuộc vào công việc và nhu cầu, khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội ở thành phố, giãn cách chồng giãn cách, người dân hạn chế ra ngoài thì việc mua đồ cũng khó khăn hơn.
Lúc đầu khu phố nhà chị phát phiếu cho dân đi mua hàng 3 lần/tuần, sau đó rút xuống còn 1 lần/tuần, quy định ngày cụ thể được phép đi. "Hồi đầu cũng thấy hơi bối rối nhưng rồi cũng quen, thay vì đi chợ như trước thì tôi phải mua hàng trong siêu thị.
Trước đi lại thoải mái, nay phải xếp hàng mới được mua đồ, cũng có lúc bất tiện nhưng mỗi người có ý thức một chút thì dịch mới chóng qua".
Cũng thích ứng nhanh chóng với cuộc sống "bình thường mới", Thúy Hòa, một cô giáo tại quận Gò Vấp cho biết, thay vì tạt vào chợ mỗi chiều đi làm về, gia đình cô chuyển sang mỗi tháng một lần mua gà vịt, trứng tại trang trại ở Long An hoặc vào siêu thị mua nhu yếu phẩm, đặt hàng online thanh toán qua thẻ hoặc ví điện tử, hạn chế tiếp xúc, tránh sử dụng tiền mặt.
"Những xu hướng này trước đây tôi không quen nhưng giờ cũng phải cố gắng cập nhật. Mọi thứ đã thay đổi mà mình vẫn bám vào nếp cũ, những thói quen mua bán cũ thì chỉ mình thiệt. Trong nhà, tôi là người cuối cùng làm quen với các giao dịch điện tử và thanh toán trực tuyến, chứ các con tôi đều đã thành thạo và sử dụng phương thức mua bán này từ lâu. Nghe giãn cách là chúng nó lo đi cắt tóc, mua bán tính sau vì người bán mùa dịch có khi nhiều hơn người mua", chị Hòa nói vui.
Đi chợ tem phiếu
Trước khi TP.HCM siết chặt giãn cách, chợ Bình Thới (quận 11) là chợ đầu tiên triển khai mô hình đi chợ bằng tem phiếu để kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân và tiểu thương khi đến chợ.
Ông Nguyễn Bá Tùng - Trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ban quản lý chợ đã đăng ký để chợ Bình Thới thành điểm khai báo y tế cộng đồng từ ngày 27/4.
Trên cơ sở đó bắt buộc toàn bộ tiểu thương, người đi chợ, cán bộ ban quản lý chợ đều phải khai báo y tế điện tử hằng ngày khi đến chợ. "Để việc khai báo y tế được thuận tiện, chúng tôi cấp thẻ (tem phiếu) ra vào chợ. Trên thẻ có ghi toàn bộ thông tin cá nhân và mã QR định danh từng cá nhân. Mỗi người dân được cấp 1 thẻ và có thể đi xuyên suốt đến khi có thông báo mới của ban quản lý chợ", ông Tùng thông tin.
Theo ông Tùng, người dân đến đây lần đầu sẽ được khai báo thông tin y tế và xuất cấp thẻ này. Những lần tiếp theo người dân đi chợ chỉ cần xuất trình thẻ để nhân viên ban quản lý quét mã QR (được in trên mặt sau thẻ) để xác định chính xác thời gian vào và ra chợ. Nếu có ca bệnh thì rất dễ cho cơ quan Y tế điều tra truy vết dịch tễ.
Ban đầu khi mới triển khai gặp nhiều khó khăn vì chưa được sự đồng thuận của bà con đi chợ do chưa quen với sự kiểm soát. Sau đó ban quản lý chợ đã tuyên truyền vận động, giải thích cho bà con hiểu rằng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên việc triển khai phát thẻ là để bảo vệ sức khoẻ cho bà con.
Bà Yến (người dân đi chợ Bình Thới) chia sẻ: "Phát phiếu đi chợ như thế này rất tốt và an toàn trong mùa dịch này. Tôi thấy đi chợ có phiếu như thế này không có gì bất tiện. Một tuần tôi đi chợ vài lần nếu chợ quá đông người thì tôi không đi nữa, chờ vắng mới đi. Do dịch bệnh nên tôi cũng trang bị các biện pháp bảo vệ an toàn cho bản thân như rửa tay, khẩu trang và kính chắn ngăn giọt bắn".
TP.HCM hiện đang tăng cường giãn cách xã hội, người dân kể cả ở khu vực an toàn cũng không được tự đi chợ khiến một lần nữa cuộc sống lại bị đảo lộn. Các nhu cầu bình thường của mỗi người đều phải hạn chế lại, chỉ tập trung cho những thực phẩm, hàng hóa thật thiết yếu thông qua các tổ đi chợ giúp dân.
"Mọi người ai cũng khó khăn, ai cũng vất vả, giờ tôi chỉ mong thành phố hết tăng cường giãn cách, được phát phiếu đi chợ, đi mua hàng như tháng trước là thấy hạnh phúc rồi", chị Thanh Bình (quận Bình Thạnh) tâm sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.