Dân Việt

Giới trẻ Trung Quốc tìm đến thiền định vì lịch làm việc "996"

Đinh Đang 02/09/2021 07:00 GMT+7
“Sau khi đắm mình trong thiền định, tôi nhận ra rằng vũ trụ đã giúp tôi nhận ra điều gì nên làm với cuộc sống của mình” - Huang Xinyi, người sáng lập ra Creative Shelter chia sẻ.

Góc nhỏ yên bình trong một trung tâm mua sắm tại Thượng Hải, tập hợp khoảng 20 nhân viên văn phòng đang dành thời gian nghỉ trưa để tìm kiếm sự đồng điệu, thư giãn về mặt tinh thần.

Một tấm màn nặng được kéo lên, cả nhóm bước vào một phòng thiền, cùng nhau nằm xuống một dãy đệm trên sàn. Phía trên tầm mắt, những sọc vải chàm gợn sóng từ trần nhà xuống như những con sóng. Không khí đặc quánh mùi thơm của hoa cỏ và thảo mộc.

Giới trẻ Trung Quốc tìm đến thiền định vì lịch làm việc "996" - Ảnh 1.

Người trẻ tìm tới thiền định để cân bằng cuộc sống. (Ảnh: The Sixth Tone).

Sau khi mọi người đã ổn định và đeo mặt nạ vào mắt, người điều hành buổi thiền sẽ đánh vào một cái chiêng lớn ở phía trước phòng để bắt đầu buổi học.

Người trẻ thích thiền định vì lịch làm việc "996"

Creative Shelter - Studio có trụ sở tại Thượng Hải là một trong nhiều doanh nghiệp đang nổi lên trong lĩnh vực kinh doanh hiện "gây sốt" tại Trung Quốc có tên "Thiền chánh niệm".

Chánh niệm - một loại thiền dạy người tham gia tập trung vào những gì họ cảm thấy trong khoảnh khắc hiện tại - đã được các Phật tử Trung Quốc thực hành trong nhiều thế kỷ. Nhưng hiện giờ nó đang trở thành một hoạt động ngoại khóa thời thượng dành cho tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc. 

Các trung tâm thiền đã mọc lên như nấm ở các thành phố lớn như Thượng Hải và một số vùng lân cận, các nhà cung cấp dịch vụ giúp khách hàng thực hành thiền định trong im lặng, tự chữa bệnh bằng cách sử dụng sóng rung hoặc thậm chí thiền với thú cưng của họ. Một số tính phí lên tới 18.000 NDT (65 triệu đồng) cho một năm sử dụng dịch vụ.

Giá không hề rẻ nhưng giới trẻ Trung Quốc đang đổ xô đăng ký ngày càng nhiều. Mặc dù dữ liệu cụ thể về hiệu quả của các hoạt động thiền không được công khai tuy nhiên đối với bộ môn yoga - một thị trường có liên quan cũng đang phát triển nhanh chóng. Số lượng phòng tập yoga ở Trung Quốc tăng hơn 9% vào năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Giới trẻ Trung Quốc tìm đến thiền định vì lịch làm việc "996" - Ảnh 2.

Một người tham gia thực hành thiền chánh niệm tại Studio Living Room (Thượng Hải). (Ảnh: The Sixth Tone).

Các lớp học đặc biệt thu hút người trẻ tuổi ở Trung Quốc, đây cũng là tầng lớp đang phải vật lộn để đối phó với lịch làm việc mệt mỏi "996" - 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần.

Sự trỗi dậy của văn hóa làm việc "996" của Trung Quốc đã khiến nhiều thế hệ người trẻ bỏ học, chọn cuộc sống "nằm vùng" phó mặc số phận trong thời gần đây. Tuy nhiên, các trung tâm thiền như Creative Shelter hứa hẹn sẽ giúp khách hàng tìm thấy sự bình yên trong nội tâm mà không phải bỏ công việc lương cao.

Trong các tài liệu tiếp thị của mình, Creative Shelter nhấn mạnh sự phổ biến của kỹ thuật chánh niệm giữa các CEO của Thung lũng Silicon và các chủ ngân hàng đầu tư ở Phố Wall. Kể từ khi mở cửa vào tháng 5, studio đã thu hút hơn 500 thành viên đóng tiền phí hàng năm.

Tôi không còn cảm giác cảm xúc lên xuống thất thường mỗi ngày.

Frankie Song, một người đam mê thiền định

Theo Huang Xinyi, người sáng lập Creative Shelter, hầu hết khách hàng là phụ nữ ở độ tuổi 30 và 40 làm việc trong các ngành công nghiệp sáng tạo như truyền thông và quảng cáo. Doanh nghiệp thu phí 9.800 NDT mỗi năm cho các khóa học thiền, chữa bệnh bằng âm thanh và một số liệu pháp thảo mộc khác.

"Sau khi đắm mình trong thiền định, tôi nhận ra rằng vũ trụ đã giúp tôi nhận ra điều gì nên làm với cuộc sống của mình" - Huang Xinyi, người sáng lập ra Creative Shelter chia sẻ.

Frankie Song, một huấn luyện viên thể dục 27 tuổi đã tham gia các lớp học tại Creative Shelter được khoảng hai tháng. Frankie khẳng định nhờ vào thiền định, anh đã kiểm soát được căng thẳng trong công việc. Đây là hậu quả của việc phải dạy 30 lớp mỗi tuần, khiến anh ấy thường xuyên bị mất ngủ.

Song cho biết: "Sau khi luyện tập với nhóm thiền định, giấc ngủ của tôi đã được cải thiện, tôi không còn cảm giác cảm xúc lên xuống thất thường suốt cả ngày nữa".

Giới trẻ Trung Quốc tìm đến thiền định vì lịch làm việc "996" - Ảnh 4.

Người trẻ tham gia một sự kiện tại Creative Shelter, một trung tâm thiền ở Thượng Hải, năm 2021. (Ảnh: The Sixth Tone).

Trong quá khứ, tầng lớp trung lưu phần lớn không ủng hộ ý tưởng thiền định. Sự liên kết giữa thiền định với Phật giáo đã khiến nhiều người cho rằng hoạt động này là vô nghĩa và mê tín.

Nhưng quan điểm đã thay đổi đáng kể trong vài năm qua. "Cuộc cách mạng chánh niệm" ở Hoa Kỳ - nơi chứng kiến những người tiên phong như Jon Kabat-Zinn loại bỏ thiền từ nguồn gốc Phật giáo Thiền và đổi tên nó thành một kỹ thuật trị liệu tâm lý - cũng đã phần nào giúp người trẻ có cái nhìn khác về thiền định.