Dân Việt

Những cựu binh trong trận chiến chống "giặc" Covid-19, giữ vững vùng xanh cho Hà Nội

Gia Tưởng 02/09/2021 13:11 GMT+7
Cùng với chính quyền địa phương và các lực lượng tuyến đầu như y tế, công an,... những người lính xưa cũng chung tay chống "giặc" Covid-19, giữ vững vùng xanh, bảo vệ người dân an toàn.

Đến các chốt tự quản vùng xanh trên địa bàn Hà Nội những ngày này, không khó để bắt gặp hình ảnh những người cựu chiến binh, cựu quân nhân đang tham gia trực chốt, kiểm soát người và phương tiện ra vào. 

Người 2 lần giữ chốt

Tại chốt vùng xanh khu dân cư số 3, tổ dân phố số 4, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội, cựu chiến binh Công Đức Cường đang kiểm soát không cho người lạ ra vào.

Cựu chiến binh cho biết, ông từng là lính chiến đấu bảo vệ biên giới ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang. Sau đó, tới năm 1985, do bị thương nên ông giải ngũ.

"Ngày xưa, mình bảo vệ chốt biên cương, cứ nghĩ rằng sau khi rời quân ngũ thì không bao giờ mình phải đi canh chốt nữa. Thế mà 'giặc' Covid-19 tới, mình lại xung phong ra canh chốt để bảo vệ khu phố của mình cùng những người thân", ông Cường cho hay.

Vừa nhắc nhở người dân trong khu dân cư, ông Cường vừa chia sẻ, nếu không có dịch, ông thường chạy xe 3 bánh chở hàng thuê, tháng cũng được vài triệu, kinh tế không khó khăn gì. 

Từ khi dịch bệnh xảy ra, ông không lái xe chở hàng thuê nữa, mà xung phong tham gia tổ Covid-19 cộng đồng, đứng trực chốt tại khu phố.

"Công việc trực chốt cũng không có gì vất vả, nhưng cần phải xử lý một cách hài hòa để hạn chế những cái 'đầu nóng' muốn thông chốt. Còn đối với bà con trong khu phố thì hầu như quen biết nhau hết. Ai làm việc gì, đi ra ngoài có việc thiết yếu thì chốt trực mới cho ra. Còn người vào thì nhất định phải là công dân của khu phố mới được vào," ông Cường nói.

Những người 2 lần giữ chốt. - Ảnh 1.

Cựu chiến binh Công Đức Cường (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) bảo vệ vùng xanh. (Ảnh: Gia Tưởng)

Ông Cường bảo, 56 tuổi, sức khỏe của ông vẫn đủ để chung tay cùng đất nước khi tham gia chống "giặc" Covid-19. Hơn nữa, là những người lính, ông hiểu được việc chống dịch như chống giặc. Do vậy, phải tuân thủ mọi mệnh lệnh từ chỉ huy, kiên quyết không thể để ai vi phạm hay châm chước, nể nang.

"Mong sao thủ đô và cả nước sớm trở lại bình thường để trẻ em được tới trường, mọi người còn có công việc mà chăm lo vào đời sống của mình. Nếu không bảo vệ được vùng xanh thì không biết tới bao giờ mới hết giãn cách xã hội, lúc đó sẽ khó khăn hơn hiện tại rất nhiều", cựu chiến binh Công Đức Cường tâm sự.

Từng giờ bám sát tổ dân cư

Những ngày qua, khi khu vực quận Thanh Xuân là điểm nóng dịch Covid-19, cựu quân nhân Nguyễn Hữu Mạnh (65 tuổi, tổ dân phố số 34, khu dân cư Thăng Long, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cũng tham gia vào tổ Covid-19 cộng đồng ở khu dân cư mình sinh sống.

Không chỉ trực tiếp cắm chốt, ông Mạnh còn liên tục đi tuần để nắm tình hình trong khu dân cư, bảo vệ tốt nhất cho vùng xanh.

Những người 2 lần giữ chốt. - Ảnh 2.

Cựu quân nhân Nguyễn Hữu Mạnh (tổ dân phố số 34, khu dân cư Thăng Long, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đang tham gia giám sát trong tổ Covid-19 cộng đồng. (Ảnh: Gia Tưởng)

Ông Mạnh cho biết, khu dân cư Thăng Long nằm không xa khu vực phường Thanh Xuân Trung, do vậy phải luôn cẩn thận. Ngoài cư dân sinh sống ổn định, ở đây còn có nhiều công ty thuê văn phòng, người ra vào khá lớn.

Do đó, ngoài việc trực chốt, ông còn trực tiếp kiểm tra, giám sát nhân viên các văn phòng ra vào làm việc như thế nào? Các đơn vị có tuân thủ đúng quy định giãn cách hay không? Theo quy định, chỉ có 50% hoặc ít hơn nhân viên được đi làm. Do vậy, phải nắm được tình hình để cùng tổ dân phố xử lý những vấn đề phát sinh.

"Ví dụ như bên tòa nhà mình ở có 2 cửa hàng tiện ích, các khu dân cư khác thường xuyên sang mua hàng. Tổ Covid-19 cộng đồng đã quy định là người khu dân cư khác sang mua hàng phải đứng ngoài hàng rào, lên danh sách hàng cần mua. Sau đó, nhân viên cửa hàng đưa hàng ra bên ngoài cho khách hàng. Chỉ một việc nhỏ thôi, nhưng cũng phải cần người có kinh nghiệm đứng ra giải thích cho bà con hiểu và tuân thủ. Có như vậy mới không gây ra những hiểu lầm hay bức xúc đáng tiếc vào lúc này", ông Mạnh chia sẻ.

Ông Mạnh chia sẻ thêm, những người trưởng thành qua quân ngũ đều không sợ khó khăn, vất vả để bảo vệ cuộc sống bình yên của bà con. Do vậy, ông luôn tích cực làm việc và động viên những thành viên khác của tổ Covid-19 cộng đồng.