Số liệu về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021, vừa được Cục Thống kê TP.HCM công bố, cho thấy "đầu tàu" kinh tế của cả nước đang xấu đi, thể hiện rõ rất ở các chỉ tiêu sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ, doanh nghiệp (DN) rời bỏ thị trường, giải ngân đầu tư công...
Theo Cục Thống kê, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP.HCM trong tháng 8 tiếp tục gặp nhiều khó khăn chồng chất, có nguy cơ đứt gãy sản xuất do toàn thành phố tập trung mọi nguồn lực kiểm soát dịch Covid-19 trước 15/9.
Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính giảm 22,4% so với tháng 7. Tính lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn TP.HCM giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
"Nhiều nhà máy đã phải giảm công suất hoặc dừng hoạt động để chống dịch. Nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất bị gián đoạn. Thị trường tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn…", báo cáo của Cục thống kê TP.HCM nêu.
Khu vực công nghiệp giảm mạnh, số lượng DN rời khỏi thị trường tăng cao (24.000 DN, tức 28,1% tổng số DN rút lui khỏi thị trường, tăng 6,6% so với cùng kỳ).
Đặc biệt, cơ quan thống kê cũng lưu ý rằng, số liệu này có thể chưa phản ánh được thực sự số DN thực tế rút lui khỏi thị trường, bởi trong điều kiện nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nên các DN không thể làm thủ tục liên quan đến việc này.
Đầu tư công vốn là một động lực quan trọng của tăng trưởng năm 2020, nay cũng có dấu hiệu suy giảm. Vốn từ ngân sách trung ương và địa phương phân bổ về trong tháng 8 ước thực hiện đạt 567 tỷ đồng, chỉ bằng 42,4% so với tháng 7/2021; 23% so với tháng 6/2021; 13% so với cùng kỳ.
Đây là thời điểm việc thi công các dự án gặp rất nhiều khó khăn. Hàng loạt các công trình trọng điểm của TP như dự án cầu Thủ Thiêm 2, cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới, dự án xây dựng hầm chui đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7)… tạm ngưng thi công, hoặc thi công cầm chừng.
Tính chung 8 tháng năm nay, đầu tư công toàn TP ước thực hiện đạt 13.267 tỷ đồng, giảm 27,4% so với cùng kỳ; đạt 37,1% so với kế hoạch.
Sức mua của nền kinh tế cũng đã giảm đáng kể. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 dự ước đạt 35.522 tỷ đồng, giảm 15,9% so với tháng trước và giảm 59,4% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 609.351 tỷ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 năm 2021 tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 3,83% so với tháng cùng kỳ năm trước và bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 2,51% so với bình quân năm 2020.
Dù vậy, xuất khẩu vẫn là điểm sáng khi trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của thành phố tăng 0,03% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 4% và nhập khẩu giảm 2,8%. Riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài - động lực chính trong tăng trưởng xuất nhập khẩu của thành phố – có kim ngạch xuất khẩu tăng 12,6% và nhập khẩu tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Nhìn vào các dữ liệu trên, có thể thấy rằng tăng trưởng kinh tế của "Đầu tàu" TP.HCM đang gặp nhiều thách thức do sự bùng nổ của dịch Covid-19 và cần sớm được hỗ trợ các các giải pháp, chính sách để có thể vực dậy ngay sau khi đại dịch được khống chế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp trước nhất vẫn là vaccine.
TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng, điều kiện đầu tiên và bắt buộc để mở cửa trở lại là phải phủ 100% vaccine mũi 1 cho người dân TP.HCM trên 18 tuổi.
Theo tính toán, TP.HCM đã tiêm được gần 6 triệu người (đã được tiêm 1 mũi vaccine), trong khi gần 300.000 người được tiêm mũi hai. Các đơn vị trung ương đóng trên địa bàn cũng đã tiêm khoảng 500.000 mũi vaccine. Như vậy, Bộ Y tế đánh giá khoảng 83% người từ 18 tuổi trở lên sinh sống tại TP.HCM được tiêm vaccine phòng Covid-19.
"Từ nay đến 15/9, mục tiêu của thành phố sẽ phủ 100% mũi một cho toàn bộ người dân TP.HCM trên 18 tuổi", ông Ngân nói.
Sau khi phủ 100% vaccine, sẽ phải cần có "khoảng chờ" ít nhất khoảng 2 tuần. Thời gian này sẽ giúp những người tiêm mũi một sinh kháng thể miễn dịch. Khi đó, TP.HCM mới tính đến việc mở cửa.
"Trong tổ chức sản xuất khi mở cửa lại nền kinh tế, TP nên tổ chức lại khâu phân phối hàng hóa. Bởi, hệ thống siêu thị vẫn không đáp ứng được khả năng kết nối các hoạt động giao thương, dịch vụ mang tính đặc thù của thành phố.
Cần có cách thức để lực lượng logistics hoạt động trở lại và phải đặt họ vào vị trí thiết yếu mang tính chuyên nghiệp; tập huấn để họ đảm bảo chứng nhận 5K thực sự cho hệ thống logistics.
Nếu có lực lượng này thì sẽ không lo đứt gãy hệ thống phân phối…"- TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế.
Hiện, TP đang nghiên cứu xây dựng một hệ thống quản lý và giám sát điện tử cho toàn bộ DN và người dân TP.HCM. Khi đó, thông qua giải pháp công nghệ, mỗi DN sẽ chủ động nắm được hồ sơ y tế toàn bộ nhân viên của mình. Thành phố cũng nắm được thông tin của các DN, dễ dàng kiểm tra ở bất cứ đâu và thời điểm nào. Các phần mềm khai báo y tế cũng được thống nhất tạo ra sự thuận tiện cho người dân.
"DN khi đi vào hoạt động sẽ đi kèm với các điều kiện về giãn cách, quy định 5K của Bộ Y tế. Khi đó, thay vì sản xuất "3 tại chỗ", DN được chủ động xây dựng phương án sản xuất của mình sao cho chủ động và phù hợp, có sự giám sát của thành phố", ông Ngân chia sẻ.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính thì nhấn mạnh, có hai điều quan trọng nhất lúc này. Thứ nhất, phải đảm bảo cho an sinh của người dân. Rất nhiều người dân hiện tại mất việc làm, mất thu nhập,… vấn đề tiếp tế lương thực không hiệu quả. Hiện TP đã cho đội ngũ shipper hoạt động trở lại nhưng vấn đề cung cấp lương thực vẫn chưa đầy đủ, chưa kể giá cả cũng tăng. Thành ra vấn đề đầu tiên phải hướng đến là đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
"Phải khẩn trương thực hiện chương trình hỗ trợ cho người lao động mất việc (khoản tiền 1,5 triệu đồng). Tuy nhiên, khoản tiền này theo tôi là không đủ, phải tiếp tục hỗ trợ trong những tháng tới. Tôi đã từng đề nghị là phải hỗ trợ trong 3 tháng, ít nhất mỗi tháng 1 triệu đồng/người và thậm chí có thể kéo dài trong 6 tháng nếu dịch bệnh phức tạp", ông Hiếu nói.
Kế đến phải hỗ trợ các DN để họ duy trì được lao động, duy trì năng lực sản xuất kinh doanh. Tôi cũng nhiều lần đề nghị, cả quốc gia cũng như đặc biệt ở TP.HCM là "đầu tàu" kinh tế, tất cả các ngân hàng phải tham gia vào tổ hợp tín dụng. Đây không phải là quỹ tín dụng (có tiền sẵn và chỉ việc giải ngân), mà phải thực hiện theo hướng tất cả các ngân hàng tham gia, đóng góp vào tổ hợp này và tổ hợp này phải có hạn mức lên tới 100 nghìn tỷ cho TP.HCM.
"Tổ hợp này sẽ hỗ trợ các DN, đặc biệt các DN đang khó khăn vì dịch bệnh với lãi suất rất thấp và cho vay theo hình thức tín chấp. Chỉ có cách này mới giúp các DN vực dậy sau khó khăn lúc này", ông Hiếu nói thêm.