Theo thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam, ngày 02/8/2021, Thái Lan ra thông báo các biện pháp khẩn cấp số G/SPS/N/THA/428 tới Việt Nam về việc Cục Phát triển chăn nuôi Thái Lan đề nghị tạm dừng nhập khẩu gia cầm sống và thịt gia cầm từ Việt Nam để ngăn chặn sự lây lan của bệnh cúm gia cầm độc lực cao (Serotype H5N6 và H5N1)
Cụ thể, theo công báo Chính phủ Thái Lan, từ ngày 21/4/2021, Thái Lan đã tạm ngừng nhập khẩu gia cầm sống và thịt gia cầm từ Việt Nam (hiệu lực đến ngày 20/7/2021).
Tuy nhiên, do lo ngại dịch bệnh nên Thái Lan tiếp tục tạm dừng nhập khẩu gia cầm sống và thịt gia cầm từ Việt Nam.
Theo Đạo luật dịch tễ động vật B.E. 2558 (2015), việc nhập khẩu gia cầm sống và thịt gia cầm từ Việt Nam bị tạm dừng trong thời hạn 90 ngày sau khi đăng trên công báo Hoàng gia Thái Lan (ngày 20/7/2021).
Báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi khoảng 197 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 60 triệu USD, tăng 35,2%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 54,6 triệu USD, tăng 30,8%.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, do tác động của dịch Covid-19, giá gia cầm tại nhiều địa phương phía Nam đang giảm sâu.
Cụ thể, giá gà thịt lông màu các tỉnh phía Nam chỉ còn 25.000 - 30.000 đồng/kg, các tỉnh phía Bắc khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Giá gà công nghiệp trắng các tỉnh phía Bắc khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg; các tỉnh phía Nam chỉ còn 6.000 - 10.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, do khó khăn trong vận chuyển, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm nhiều, đặc biệt là 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM nên sản phẩm chăn nuôi đang ứ đọng, quá tuổi.
"Đặc biệt tại các tỉnh Nam Bộ các doanh nghiệp chăn nuôi chỉ tiêu thụ được 5-10% gà công nghiệp trắng, hiện nay 19 tỉnh Nam Bộ có khoảng 9,3 triệu con gà lông trắng đã đến tuổi xuất chuồng, trong đó trên 4 triệu con đã quá tuổi khối lượng trên 3,8kg" - ông Trọng cho biết.
Trong khi đó, tổng lượng gia cầm đưa vào giết mổ ở các địa phương này giảm tới 49,8% (giảm mạnh nhất ở TPHCM, Đồng Nai và Long An).
Nguyên nhân chính là do việc đóng cửa các chợ đầu mối, chợ truyền thống, xét nghiệm Covid-19 khó khăn dẫn đến thiếu lao động; nhiều cơ sở giết mổ không đủ điều kiện thực hiện "3 tại chỗ".