Cụ thể, theo Hindustantimes, Abdul Salam Hanafi, Phó văn phòng chính trị ở Qatar của Taliban đã có cuộc điện đàm với Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Ngô Giang Hạo. Phát ngôn viên Taliban Suhail Shaheen hôm 3/9 cho biết: "Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói, họ sẽ duy trì đại sứ quán ở Kabul và quan hệ giữa hai nước sẽ được cải thiện so với trước đây. Afghanistan có thể giữ vai trò quan trọng với an ninh và phát triển khu vực".
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Taliban đang kêu gọi các nước, đặc biệt là Mỹ nối lại quan hệ ngoại giao với Afghanistan.
Phát ngôn viên Taliban còn cho biết thêm rằng, Trung Quốc và Taliban đã thảo luận về tình hình đang diễn ra ở Afghanistan và các mối quan hệ trong tương lai. Trong khi đó, Bắc Kinh chưa xác nhận những thông tin từ lực lượng đang kiểm soát Afghanistan.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Kabul vẫn duy trì hoạt động tới ngày 2/9. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã khởi động quá trình sơ tán công dân khỏi Afghanistan từ nhiều tháng trước, khi tình hình an ninh nước láng giềng ngày một xấu đi.
Trung Quốc trên thực tế vẫn chưa công nhận chính quyền Taliban. Một trong những lo ngại lớn nhất với giới chức Bắc Kinh là rủi ro Taliban hỗ trợ các lực lượng cực đoan và ly khai.
Trong khi đó, theo giới chuyên gia, kịch bản Kabul ổn định và hợp tác sẽ mở đường cho chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng nước ngoài của Bắc Kinh. Lực lượng Taliban đang nhìn nhận Trung Quốc là nguồn đầu tư và hỗ trợ kinh tế quan trọng cho Afghanistan trong kỷ nguyên hậu Mỹ, đặc biệt khi phương Tây vẫn duy trì sức ép quốc tế.
Có 36 đại sứ quán của các quốc gia khác nhau được đặt tại Kabul. Ngược lại, Afghanistan thiết lập tới 71 đại sứ quán và tổng lãnh sự quán tại các quốc gia đó. Nhiều quốc gia đã đình chỉ hoạt động ngoại giao của họ ở Afghanistan do tình hình hỗn loạn gần đây.