"Gà đẻ trứng vàng", "mô hình mới siêu lợi nhuận", "an toàn sinh lời cao"… là những mỹ từ được các môi giới dùng khi mời gọi đầu tư vào các farmstay thời gian qua. Tuy nhiên, đó chỉ lời quảng cáo hoa mỹ, bởi thực tế nhiều người đã phải trả giá đắt khi đầu tư sản phẩm này.
Khảo sát trên các trang rao bán bất động sản, nhan nhản các thông tin rao bán đất tại các khu vực có lợi thế về du lịch. Đơn cử, nhiều lô đất có diện tích từ 500 đến hơn 1.000m2 tại khu du lịch hồ Đồng Đò (Sóc Sơn, Hà Nội) đang được rao bán với giá khoảng 2 - 11 triệu đồng/m2 tùy vị trí, được quảng cáo thích hợp xây dựng homestay, nhà nghỉ cuối tuần.
Tại Hòa Bình, đất rừng sản xuất cũng được rao bán làm farmstay. Đơn cử, lô một đất rừng sản xuất 50 năm diện tích 2,2ha được quảng cáo có thể lên được đất ở lâu dài, vị trí hai mặt bám hồ lớn, cách đường 12B là 200m thuộc huyện Kim Bôi có giá rao bán 1,5 tỷ đồng. Hay một lô đất nghỉ dưỡng rộng 1.000 m2 tại Lương Sơn đang được rao bán với giá 1,5 tỷ đồng, được quảng cáo phù hợp đầu tư, xây dựng nhà nghỉ cuối tuần...
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết, các dự án farmstay tại Hòa Bình đều được xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp, đất vườn cây. Các dự án đều có quy mô nhỏ 5 - 10ha, chủ yếu là đất được mua thu gom từ các hộ dân, sau đó thiết kế, quy hoạch để làm mô hình farmstay.
Đơn cử, dự án Onsen Villas & Resort Hòa Bình ở xã Dân Hòa (Kỳ Sơn, Hòa Bình) đang được môi giới rao bán đất trồng rau sạch. Theo đó, những mảnh đất ở đây có diện tích 150m2, là đất trồng cây lâu năm (có thể chuyển đổi được thổ cư), có giá bán 420 triệu đồng. Tương tự, tại dự án Ohara Farm (Kỳ Sơn, Hòa Bình) cũng đang được rao với nội dung "chính chủ cần nhượng lại 4 lô đất, mỗi lô 150m2, giá bán 520 - 570 triệu đồng/lô".
Trò chuyện với chị Nguyễn Kim Oanh, chủ lô đất đang rao bán tại khu Thác Thăng Thiên, Kỳ Sơn, Hòa Bình, chị Oanh tâm sự vì quá mê cảnh sông hồ, đồi núi tuyệt đẹp, không khí mát mẻ của khu vực Hòa Bình và cũng vì lời ngon ngọt môi giới, chị đã mua lô đất có diện tích hơn 180m2 với giá hơn 700 triệu đồng.
Môi giới nói rằng, đất chưa có sổ nên tạm thời phải làm giấy tay. Chủ đất cũng cam kết sẽ trích lục giấy tờ để làm sổ đỏ nên tôi quyết định mua. Tuy nhiên, đến khi đo để làm hàng rào thì phát hiện diện tích thực tế chỉ hơn 160m2.
Chủ đất lẫn môi giới đều chối bỏ trách nhiệm nhưng tôi không thể nói với ai được vì mua bán giấy tờ tay không người làm chứng. Tệ hơn là khi chuẩn bị xây nhà mới thấy khu vực hồ bất ngờ cạn nước, hỏi người dân địa phương mới biết một năm khu vực này phải bị cạn mấy tháng.
"Hiện tại, cả số tiền đầu tư thuê thiết kế, xây dựng đã lên đến hơn 1 tỷ đồng nhưng tôi vẫn quyết định bán. Tôi đã nhờ môi giới rao bán được bao nhiêu hay bấy nhiêu nhưng dịch dã khó bán. Đăng các thông tin lên mạng xã hội, lý do cũng chỉ có thể nói là gia đình có việc đột xuất chuyển công tác vào miền Nam. Giờ nhìn lại mới thấy giá rẻ nên nghĩ rằng mua để đầu tư cũng tốt nhưng nhìn lại thì quá phiêu lưu, mất nhiều hơn được", chị Oanh chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Ngọc Hùng đang rao bán mảnh đất 2 tỷ đồng tại Tân Lạc, Hòa Bình chia sẻ: "Ban đầu tôi chỉ có ý định tìm được khu đất tầm 400m2 với giá vài triệu/m2 để xây nhà vườn làm nơi thư giãn cho gia đình vào cuối tuần. Tuy nhiên, môi giới nói đã mất công làm vườn thì mua mảnh đất lớn trồng hoa trái, tận dụng để làm khu nghỉ dưỡng cho khách du lịch. Như vậy, vừa có thể ở, vừa cho thuê, kinh doanh".
Thấy hợp lý, anh vay thêm ngân hàng bỏ ra 2,2 tỷ đồng mua mảnh đất 2450m2 gần sông suối nhưng ý định nghỉ dưỡng chưa kịp thực hiện thì dịch ập đến. Tiền nợ lãi từ ngân hàng đến hẹn phải trả, không thể cầm cự được khiến anh rao bán cắt lỗ 200 triệu đồng.
"Tôi đã mất hàng tháng trời ở Hòa Bình để đi tìm đất. Tìm được rồi thì vướng giấy tờ, bởi ai cũng biết, chuyện giấy tờ, quy hoạch luôn là câu chuyện khó khăn. Khi đã xong xuôi hết thì kế hoạch lại dang dở vì vốn. Như vậy, tôi mất công, mất sức và mất cả tiền vì ý định làm farmstay", anh Hùng giãi bày.