Dân Việt

Trợ lý ảo Siri ghi lén thông tin nhạy cảm, Apple sẽ phải hầu tòa?

Huỳnh Dũng 04/09/2021 10:19 GMT+7
Từ một tính năng tích hợp sẵn trên các thiết bị Apple giúp người dùng có thể điều khiển thiết bị thông qua giọng nói, giờ đây Trợ lý ảo Siri tiếp tục gây tranh cãi vì xâm phạm quá nhiều quyền riêng tư, bằng cách ghi âm thông tin nhạy cảm của người dùng.

Cô nàng trợ lý ảo thông minh Siri vừa được việc, nhưng cũng vừa nghe lén

Nếu Google có Google Assistant, Windows có Cortana thì Apple có Siri, cô nàng trợ lý ảo thông minh Siri sẽ giúp người dùng làm được nhiều việc không tưởng. Trợ lý ảo này chỉ được kích hoạt khi người dùng đọc câu lệnh "Hey Siri". Apple cho biết trợ lý ảo Siri có thể ghi âm các cuộc hội thoại với người dùng, để tự cải thiện khả năng đọc hiểu của mình.

Tuy nhiên, mọi thứ tưởng chừng chỉ là màu hồng trong mắt nhiều ngưởi dùng, cho đến mới đây, tờ Reuters đưa tin, một thẩm phán tòa án quận Bắc California Jeffrey White cho biết, Apple đang đối mặt với một vụ kiện tập thể về việc Siri vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng. Trong đó, các nguyên đơn cố gắng chứng minh Siri đã ghi âm lén lại những cuộc trò chuyện bí mật sau khi vô tình được kích hoạt.

Apple một trong số những tập đoàn công nghệ lớn, bao gồm Google, Amazon, Facebook và Microsoft bị tố thuê nhân viên nghe các bản ghi âm từ người dùng để cải thiện dịch vụ của mình mà không hề thông báo.  Ảnh: @AFP.

Apple cùng một trong số những tập đoàn công nghệ lớn bao gồm Google, Amazon, Facebook và Microsoft bị tố thuê nhân viên nghe các bản ghi âm từ người dùng để cải thiện dịch vụ của mình. Ảnh: @AFP.

Theo đơn kiện mới nhất, Apple bị cáo buộc đã chuyển những dữ liệu nghe lén này cho bên thứ ba. Tất cả đều liên quan tới loạt cáo buộc xảy ra vào tháng 7/2019.

Dữ liệu Siri nghe lén gửi đến bên thứ ba, tất cả được nghe và xử lý bởi con người

Vào thời điểm đó, tờ báo The Guardian (Anh) dẫn lời nguồn tin từ một đối tác của Apple cho biết, trợ lý ảo Siri sử dụng trên các thiết bị di động của Apple vẫn thường xuyên nghe lén các cuộc hội thoại của người dùng, và ghi lại các thông tin cá nhân và nhạy cảm mà người dùng không hề hay biết.

Nội dung những cuộc hội thoại này sau đó sẽ được gửi đến cho một công ty bên thứ 3 (đối tác của Apple) để phân tích nội dung, và thông thường các cuộc hội thoại này sẽ được nghe và xử lý bởi con người, thay vì xử lý bằng máy móc. Apple tuyên bố rằng, không có cách nào để công ty bên thứ ba xác định được danh tính của người dùng qua các bản ghi âm. 

Hơn nữa chúng còn được khảo sát, đánh giá trong môi trường cực kỳ bảo mật. Hãng nhấn mạnh thêm rằng: "Những thành viên đối tác tham giá đánh giá bắt buộc phải tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt về bảo mật thông tin của Apple. Tuy nhiên, điều khoản dịch vụ của Apple cũng nêu rõ công ty "có thể thu nhập và lưu trữ thông tin chi tiết về cách bạn sử dụng các dịch vụ, bao gồm cả truy vấn tìm kiếm". Apple tuyên bố thông tin này có thể được sử dụng để cải thiện các dịch vụ của hãng.

Apple cho biết trợ lý ảo Siri có thể ghi âm các cuộc hội thoại với người dùng, để tự cải thiện khả năng đọc hiểu của mình. Ảnh: @AFP.

Apple cho biết trợ lý ảo Siri có thể ghi âm các cuộc hội thoại với người dùng, để tự cải thiện khả năng đọc hiểu của mình. Ảnh: @AFP.

Nguồn tin của The Guardian cho biết, các nhân viên đối tác bên thứ ba có thể nghe thấy vô số các cuộc hội thoại với những nội dung nhạy cảm và riêng tư, như nội dung thảo luận giữa bác sĩ với bệnh nhân, các thỏa thuận mua bán, các giao dịch chất cấm, hay thậm chí các cuộc hội thoại khi người dùng đang "mây mưa"...

Trợ lý ảo Siri trên các thiết bị di động có thể tự động bật vì vô tình

Theo nguồn tin thì đôi khi trợ lý ảo Siri trên các thiết bị di động đã tự động được kích hoạt mà người dùng không hề hay biết. Thông thường để kích hoạt Siri, người dùng sẽ phải dùng khẩu lệnh "Hey Siri", tuy nhiên trong nhiều trường hợp, trợ lý ảo này có thể tự kích hoạt khi nghe nhầm các âm thanh, chẳng hạn như nghe nhầm âm thanh kéo khóa áo hoặc trợ lý Siri trên đồng hồ Apple Watch có thể tự kích hoạt khi người dùng vô tính đưa tay lên và nói điều gì đó...

Phía Apple ước tính chỉ 1% các dữ liệu thông qua Siri của người dùng trên toàn cầu sẽ được ghi lại và phân tích, tuy nhiên các chuyên gia nhận định, 1% là con số không hề nhỏ so với số lượng 500 triệu thiết bị có tích hợp trợ lý ảo Siri đang được sử dụng hàng ngày.

Apple đã vi phạm Đạo luật nghe lén liên bang, luật về quyền riêng tư của California

Thậm chí, một người dùng Siri trên iPhone nói rằng sau khi anh ta gọi điện với bác sĩ về một "phương pháp điều trị phẫu thuật có hiệu quả" và nhanh chóng nhận được quảng cáo cho quy trình này. Hai người dùng iPhone khác cũng phàn nàn rằng, họ nhận được hàng loạt quảng cáo về giày thể thao Air Jordan, kính râm Pit Viper sau khi bàn luận về chúng.

"Apple có lỗi với các nguyên đơn vì sử dụng những dữ liệu riêng tư của họ mà không có sự cho phép", thẩm phán White nói rõ. Ông White cũng nói thêm rằng Apple đã vi phạm Đạo luật nghe lén liên bang, luật về quyền riêng tư của California và vi phạm hợp đồng.

"Apple đã bán hàng triệu thiết bị được trang bị Siri cho người tiêu dùng. Nhiều người trong số họ sẽ không mua những thiết bị này nếu biết Apple thu âm các cuộc trò chuyện mà không có sự cho phép", các nguyên đơn cho biết trong đơn gửi lên tòa án.

Việc lưu trữ và làm lộ các bản ghi âm là điều thường xuyên xảy ra với các trợ lý ảo Amazon Alexa hay Google Assistant. Ảnh: @AFP.

Việc lưu trữ và làm lộ các bản ghi âm là điều thường xuyên xảy ra với các trợ lý ảo Amazon Alexa hay Google Assistant. Ảnh: @AFP.

Sau vụ kiện này, Apple liệu có còn dám "so bì" Facebook, Google, Amazon?

Vào tháng 4/2020, tờ Bloomberg đã đưa tin Amazon dùng hàng ngàn nhân sự toàn cầu để phiên âm các lệnh nói từ người dùng. Sau đó đưa hết chúng quay về phần mềm nhằm cải thiện khả năng nhận dạng ngôn ngữ của Alexa. Nội dung này cũng được cho là có nhiều điểm giống Siri khi mà thu về những đoạn "mây mưa trần tục" và "rất giống hành vi phạm tội". Tuy nhiên Amazon xác nhận lại rằng những thông tin họ có đều được bảo mật và quyền riêng tư luôn được tôn trọng. Khách hàng không cần phải lo lắng dù cho họ có thu thập dữ liệu để cải thiện sản phẩm.

Ngoài ra, ông lớn Google cũng từng bị kênh truyền hình VRT NWS của Bỉ tố cáo thuê người nghe các câu lệnh đối với trợ lý ảo Assistant. Những câu lệnh này còn bao hàm cả thông tin về các mối quan hệ, thông tin cá nhân, các lịch trình, các cuộc tranh cãi. Google cũng lên tiếng cho rằng chỉ 0,2% thông tin của câu lệnh được nghe lại bởi chuyên gia về ngôn ngữ. Mục đích chính của họ là cải thiện chất lượng ngày càng tốt hơn của Assistant. Khách hàng nên yên tâm vì dữ liệu hoàn toàn được ẩn danh.

Trước đây, đã có nhiều lần Apple chỉ trích Facebook, Google hay Amazon vì việc các hãng này ăn cắp nhiều thông tin người dùng và không tôn trọng sự riêng tư của chính họ. Thế nhưng sau khi biết được Siri là gì và ứng dụng này đang nghe lén thì có vẻ như Apple cũng gia nhập đội "liên minh đáng ngờ" kể trên. Và vụ kiện chấn động này chắc chắn sẽ khiến Apple phải nhìn nhận lại mình thêm lần nữa.