Là “thuyền trưởng” của Ngân hàng Đông Á (Dong A Bank - DAB) một thời, ông Trần Phương Bình từng có những gửi gắm tâm huyết: “Tôi xem Dong A Bank như đứa con của mình nên sẵn sàng dành hết cuộc đời, tâm sức, thậm chí chấp nhận khó khăn, thách thức để làm sao cho đứa con ấy phát triển, khỏe mạnh...”. Nhưng cũng chính ông, với những quyết sách sai lầm, trở thành bị can trong 3 vụ án liên quan đến sai phạm trong hoạt động tín dụng, dẫn đến DAB thiệt hại hàng chục nghìn tỉ đồng.
Sinh năm 1959, ông Trần Phương Bình từng có 8 năm giảng dạy kinh tế tại nhiều trường Đại học. Năm 1998 ông Bình về DAB và trở thành vị “thuyền trưởng” lèo lái “con tàu” DAB suốt 23 năm. Gắn bó với DAB, ông Trần Phương Bình để lại rất nhiều dấu ấn trong các quyết sách của ngân hàng này, thu hút 6 triệu khách hàng.
Cho đến nay, Đông Á vẫn được nhớ đến như là một ngân hàng tiên phong trong xu hướng phát triển thẻ đa năng. Ngân hàng Đông Á tập trung đầu tư vào hệ thống ATM và thu hút 6 triệu khách hàng nhờ chiến lược tập trung vào dịch vụ này.
DAB cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tự chế tạo ra được máy ATM bán vàng tự động, đưa vào hoạt động máy ATM lưu động, các buồng Auto Banking thế hệ mới, có chức năng nhận tiền mặt trực tiếp lớn nhất Việt Nam. Từ một ngân hàng không tên tuổi, vốn điều lệ chỉ có 20 tỷ đồng, đến năm 2014, quy mô vốn của DAB là 5.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ những quyết sách sai lầm, ông Trần Phương Bình đã có nhiều sai phạm. Hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của ông Bình là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB tại thời điểm 31-12-2015 lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng. Ông Bình đồng thời trở thành bị can trong 3 vụ án, trực tiếp dẫn đến thiệt hại hàng vạn tỉ đồng của DAB.
Ngày 9-12-2016, Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” tại DAB, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Phương Bình.
Ông Bình bị khởi tố về 3 tội là “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Đây là vụ án thuộc giai đoạn 1 của đại án Trần Phương Bình. 26 bị cáo trong vụ sai phạm đã gây thất thoát hơn 3.608 tỉ đồng.
Theo nội dung vụ án, vào năm 2007, DAB phát hành cổ phần chào bán ra công chúng 2 đợt để tăng vốn điều lệ từ 880 tỉ lên 1.600 tỉ đồng, ông Bình đã chỉ đạo bị cáo Nguyễn Đức Vinh (trưởng phòng ngân quỹ hội sở kiêm thủ quỹ của DAB) lập 8 bảng kê kiểm phiếu thu (không số) thu khống tổng số 374 tỉ đồng để mua 5.397.400 cổ phần.
Bằng cách làm này, ông Bình đã sở hữu được cổ phần của DAB nhưng không trả tiền mua cổ phần này cho DAB. Để che giấu hành vi, cuối năm 2007 ông Trần Phương Bình chỉ đạo Vinh xuất quỹ chi 23.252 lượng vàng (không lập chứng từ) và phối hợp với phòng kinh doanh DAB bán cho các hiệu vàng tại TP.HCM lấy 374 tỉ đồng bù vào đúng số tiền âm quỹ do bán cổ phần cho người thân và “sân sau” của mình.
Cũng trong đợt tăng vốn điều lệ năm 2007, ông Bình nhờ Quỹ Lộc Việt mua hơn 5 triệu cổ phần DAB trị giá khoảng 300 tỉ đồng và cam kết sẽ mua lại số cổ phần này. Đến năm 2008 ông Bình mua lại số cổ phần trên với giá 327 tỉ đồng.
Để có tiền mua số cổ phần của DAB, ông Bình chỉ đạo cấp dưới thu khống hơn 30 tỉ đồng của Nguyễn Hồng Ánh (một khách hàng vay vàng của DAB), đồng thời dùng 121 tỉ đồng tiền bán chung cư cao cấp Richland Hill để cho các công ty Ninh Thịnh và Sao Việt Nam vay 197 tỉ đồng rồi thông qua hai công ty này trả tiền mua cổ phần cho Quỹ Lộc Việt. Tổng số tiền ông Bình gây thiệt hại cho DAB liên quan đến thương vụ mua cổ phần DAB của Quỹ Lộc Việt là 234 tỉ đồng.
Tiếp đó, DAB có chủ trương tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỉ lên 6.000 tỉ đồng vào năm 2014 để thu hút vốn đầu tư và trang trải, xử lý khó khăn nên ông Bình và Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) đã bàn bạc thống nhất sẽ mua 60 triệu cổ phần của DAB với giá 600 tỉ đồng. Nguồn tiền để mua cổ phần của DAB là Vũ thế chấp 220 lô đất tại TP Đà Nẵng để vay 400 tỉ của DAB.
Còn 200 tỉ, Vũ chỉ ký khống chứng từ nộp tiền và DAB đã xuất quỹ chi 200 tỉ đồng cho Vũ để mua cổ phần. Tuy nhiên, năm 2014 DAB tăng vốn điều lệ không thành nên ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo chuyển trả cho Công ty cổ phần Bắc Nam 79 số tiền nộp mua cổ phần, kèm theo cả tiền lãi 609 tỉ đồng. Sau khi được DAB trả lại tiền, Vũ đã dùng 500 tỉ để mua lại 50 triệu cổ phần của 4 cổ đông khác của DAB, còn 100 tỉ Vũ tiêu xài hết.
Bên cạnh đó, ông Trần Phương Bình biết rõ DAB không có giấy phép kinh doanh ngoại tệ tại thị trường quốc tế nhưng vẫn chỉ đạo cho cấp dưới kinh doanh ngoại hối với Ngân hàng UOB và Ngân hàng Banca Adamas dẫn đến bị thua lỗ. Sau đó phải dùng tiền của DAB gửi tại các tổ chức này để chi trả, nhưng không được hạch toán trên hệ thống sổ sách theo dõi. Bình đã chỉ đạo lập chứng từ khống để bù âm quỹ, gây thiệt hại cho DAB 384 tỉ đồng.
Trong vụ án đầu tiên, ông Bình bị TAND TP.HCM đưa ra xét xử năm 2018 và tuyên phạt tù chung thân, với cáo buộc cùng đồng phạm gây thiệt hại 3.608 tỉ đồng của DAB.
Năm 2020, ông Bình tiếp tục bị tuyên án chung thân trong vụ làm thất thoát hơn 8.800 tỉ đồng tại Ngân hàng Đông Á. Vụ án này là giai đoạn 2, Ban đầu, ông Trần Phương Bình và 11 đồng phạm bị truy tố về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại 8.800 tỉ đồng cho DAB. Tuy nhiên, sau 2 tuần xét xử, vào tháng 7-2020, TAND TP.HCM đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu tách hành vi sai phạm của ông Trần Phương Bình và nhóm khách hàng Hiệp Phú Gia gây thiệt hại cho DAB hơn 3.000 trong tổng số thiệt hại hơn 8.800 tỉ đồng.
Theo nội dung bản án sơ thẩm, trong quá trình công tác, Trần Phương Bình cùng cấp dưới và đối tác thông đồng duyệt nhiều khoản vay lên đến hàng ngàn tỉ đồng, với nhiều tài sản bảo đảm là những dự án “khủng”, nhưng hồ sơ trái quy định. Trong số đó, việc cho 4 nhóm khách hàng gồm Hiệp Phú Gia, Đồng Tiến, M&C, Tân Vạn Hưng vay gây thiệt hại cho ngân hàng 8.700 tỉ đồng. Nhóm khách hàng Hiệp Phú Gia - TTC gây thiệt hại hơn 3.139 tỉ đồng, nhóm M&C gây thiệt hại hơn 3.949 tỉ đồng, nhóm Đồng Tiến gây thiệt hại hơn 393,6 tỉ đồng và nhóm Tân Vạn Hưng gây thiệt hại hơn 1.269 tỉ đồng.
Trong đó, Trần Phương Bình và Phùng Ngọc Khánh(nhóm M&C) bị cáo buộc gây thất thoát số tiền 3.500 tỉ đồng. Bình đã duyệt cho Khánh vay, thế chấp bằng dự án hình thành trong tương lai (Dự án xây dựng cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C (Saigon One Tower) tại 34 Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP HCM) sai pháp luật. Tiếp đó, Phùng Ngọc Khánh và Trần Phương Bình còn bàn bạc, thống nhất thủ thuật vay đảo nợ; phù phép nhiều hồ sơ vay vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư khống với nhiều tài sản là dự án bất động sản ở TP HCM.
Đặc biệt Trần Phương Bình đã cho Nguyễn Thiện Nhân (nhóm khách hàng Hiệp Phú Gia - TTC) thông qua người quen của Nhân (đứng tên hộ khoản vay) có tài sản thế chấp không đủ cơ sở pháp lý do tài sản đã thế chấp tại ngân hàng khác... Tính đến ngày 24-12-2018, ông Nhân còn nợ DAB 916 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Nhân và một số đồng phạm đã bỏ trốn, cơ quan điều tra đã quyết định tách vụ án vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng đối với hành vi phạm tội của các bị can Nguyễn Thiện Nhân và 1 số bị can.
Ngoài ra, trong vụ án này, ông Bình đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền hơn 75 tỉ đồng khi nhờ một số cá nhân đứng tên vay tiền tại DAB rồi chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ thu, nộp khống, chiếm đoạt của DAB 75 tỉ đồng.
Mới đây, VKSND TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB) Trần Phương Bình cùng 9 đồng phạm trong vụ án xảy ra ở DAB chi nhánh Hà Nội, gây thiệt hại cho DAB gần 185 tỉ đồng. Đây là vụ án thứ 3 Trần Phương Bình bị truy tố.
Theo cáo trạng của VKSND TP Hà Nội, trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2014, một số cán bộ, lãnh đạo DAB và DAB Hà Nội do Trần Phương Bình chỉ đạo đã có hành vi vi phạm quy định trong việc xét duyệt hồ sơ tín dụng cho Công ty cổ phần đầu tư và du lịch An Phát (Công ty An Phát), Công ty TNHH Star Hair, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Tràng An vay tiền với số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Ngân hàng DAB.
Liên quan đến vụ án này, bị can Phan Thúy Mai (Giám đốc Công ty An Phát) đã lợi dụng mối quan hệ thân thiết Trần Phương Bình và Nguyễn Thị Kim Xuyến (sở hữu 5% cổ phần tại Công ty An Phát), Mai đã vận động để Bình, Xuyến chỉ đạo Chi nhánh DAB giải ngân nhanh, làm hồ sơ nhanh chóng, bỏ qua các quy trình thẩm định, không thực hiện đúng các thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo để Công ty An Phát được giải ngân các khoản tín dụng rất lớn.
Bản thân Mai sử dụng các tài sản chưa đủ tính pháp lý để thế chấp, đảm bảo cho các khoản vay; sử dụng biên bản họp Hội đồng quản trị giả (có nội dung đồng ý thế chấp quyền sử dụng đất của công ty và cử Mai làm đại diện công ty) để giao dịch vay vốn ngân hàng.
Hành vi phạm tội của các bị can đã gây thiệt hại cho DAB gần 185 tỉ đồng.