Tại Hội nghị trực tuyến về sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021 và bàn giải pháp để chủ động sản xuất thủy sản do Bộ NNPTNT tổ chức sáng 4/9, đại diện nhiều doanh nghiệp kiến nghị, ngành chức năng cần có quy định cụ thể về việc đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 thì quá trình lưu thông, phát triển sản xuất nên được thực hiện như thế nào.
Lấy dẫn chứng câu chuyện của chính mình, ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung (có văn phòng tại Bình Thuận và các chi nhánh tại TP.HCM, Ninh Thuận, Long An, Bạc Liêu) cho biết, ông đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 nhưng trong quá trình đi xử lý công việc từ tỉnh nọ sang tỉnh kia về vẫn phải cách ly như bình thường.
"Những người đã được tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 mà về vẫn phải cách ly là bằng thừa, thế thì việc được tiêm vaccine còn ý nghĩa gì nữa. Theo tôi, cách ứng xử với việc đã được tiêm vaccine rồi như vậy là chưa đúng" - ông Hoàng Anh nói.
Từ thực tế đó, ông Hoàng Anh kiến nghị, các địa phương nên cho những người đã được tiêm vaccine sản xuất bình thường với điều kiện thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh, có như vậy mới không làm chuỗi sản xuất ngành thủy sản không bị đứt gãy.
Ông Hoàng Anh cho biết thêm, hiện phần lớn các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc lưu thông, vận chuyển nông sản, vật tư phục vụ sản xuất.
"Hiện, tôm cỡ 100 con/kg rất ít người mua, giá chỉ còn 50.000 đồng/kg, trong khi nhu cầu thị trường đang rất lớn thì chúng ta lại đang dẫm chân lên nhau vì không thể lưu thông, vận chuyển được" - ông Hoàng Anh nói.
Ông Hoàng Anh cho biết, doanh nghiệp của ông có nhà máy sản xuất nước nắm công suất 20 triệu lít/năm, nhu cầu cần vài nghìn tấn cá phục vụ sản xuất nhưng hiện khó khăn trong vận chuyển.
Thậm chí, việc cung ứng nút chai, tem nhãn của các đơn vị cũng khó nên nhà máy buộc phải tạm đóng cửa.
Theo ông Hoàng Anh, nếu không kịp thời tháo gỡ vướng mắc này, chuỗi sản xuất ngành thủy sản sẽ bị ảnh hưởng. Nông dân không có động lực để tái sản xuất.
"Công ty Nam Miền Trung có kế hoạch nuôi 100ha tôm công nghệ cao nhưng hiện mới triển khai được 20% do thiếu thức ăn, con giống, nguyên liệu đầu vào", ông Hoàng Anh nêu một thực tế.
Đồng tình với quan điểm của đại diện Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, đại diện Tập đoàn thủy sản Việt Úc cũng kiến nghị Bộ NNPTNT đề xuất với ngành chức năng cho phép những người được tiêm phòng vaccine được đi lại, sản xuất bình thường trong các điều kiện phòng chống dịch để duy trì chuỗi cung ứng. Đây cũng là ý kiến của Công ty CP Việt Nam.
Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bến Tre kiến nghị với tình hình khó khăn hiện nay, Bộ NNPTNT nên kiến ghị Chính phủ giảm tiền điện cho người nuôi vì phi phí này trong nuôi tôm rất lớn.
Mức độ giảm giá điện mong muốn là 15-20% và trong khoảng thời gian 6 tháng kể từ tháng 9/2021.
Một số địa phương khác đều có chung kiến nghị về câu chuyện khơi thông nguồn vốn. Theo đó, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản, kể cả nuôi và khai thác về lãi suất ngân hàng với điều kiện các doanh nghiệp này phải xây dựng chuỗi liên kết với vùng nuôi, khai thác.
Từ đó, các nhà máy chế biến bắt buộc phải có liên kết đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi trong giai đoạn hiện nay.
Riêng về vaccine, kiến nghị của Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre cũng là mong muốn chung của nhiều địa phương.
“Bến Tre rất ưu tiên tiêm vaccine cho chuỗi cung ứng ngành nông nghiệp nói chung và thuỷ sản nói riêng. Tuy nhiên, nguồn vaccine của Bộ Y tế chuyển về các tỉnh hiện nay rất ít và địa phương mong muốn tăng nguồn vaccine trong thời gian tới”, ông Buội nói.
Từ các kiến nghị của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan và các địa phương quan tâm rà soát và có chính sách hỗ trợ cho toàn bộ chuỗi sản xuất nuôi trồng và khai thác thủy sản, nhất là người dân trực tiếp sản xuất (về thuế, điện, vốn…).
Ưu tiên bổ sung tiêm vaccine đầy đủ cho lao động tham gia trong chuỗi và có cơ chế phù hợp để cho sản xuất trở lại trong điều kiện bình thường mới.