Vào năm 1956, một ngày nọ, 1 nông dân họ Lâm sống tại thành phố Lâm Hải, tỉnh Chiết Giang có kế hoạch mang cuốc đi vào ngọn núi gần nhà để lấy một ít đá về để làm chuồng lợn. Cũng không rõ là từ khi nào mà trên ngọn núi này lại có nhiều đá vụn tới vậy. Một số hòn đá còn có cả những hoa văn rất đẹp, một số đã bị mòn, vỡ theo năm tháng.
Khi đang lấy đá, bác Lâm vô tình nhìn thấy một tia sáng ánh vàng. Gạt những viên đá xếp chồng lên nhau sang một bên, bác phát hiện một chiếc hố giữa núi, bên dưới có chứa rất nhiều vàng.
Bác nhanh chóng nhặt một ít vàng giấu trong người mang về. Nào ngờ, khi đi qua chỗ dân làng làm đồng, vàng trên người bác bất ngờ rơi ra, thế là mọi người biết được về hố vàng trên núi.
Sau đó, cả làng đổ xô đi đào vàng. Khi đào sâu xuống dưới, họ phát hiện ra có hai chiếc mộ và rất nhiều vàng bạc châu báu. Hóa ra số vàng bị lộ thiên kia đến từ hai ngôi mộ này.
Tin tức về ngôi mộ đầy vàng nhanh chóng đến với các cán bộ quản lý trong vùng. Họ lập tức đến khu vực của dân làng, vận động người dân giao nộp các bảo vật văn hóa, cuối cùng số bảo vật cũng trở về tương đối nguyên vẹn.
Số lượng bảo vật các chuyên gia thu lại được lên tới 107 món đồ, đều là những đồ vật trang sức bằng vàng, được chế tác vô cùng tinh xảo, gồm mũ quan, cài tóc, đai lưng, khuyên tai, nhẫn…, giá trị không dưới 1 tỉ NDT.
Qua khảo sát sơ bộ, các chuyên gia biết được chủ nhân ngôi mộ là Vương Sĩ Kỳ - một vị quan ở Chiết Giang, sinh vào năm thứ 30 Gia Tĩnh (1551) triều Minh. Sinh thời, ông từng đảm nhận nhiều chức quan lớn như Công Bộ Chủ Sự (tương đương bộ trưởng Bộ Thủy lợi của Trung Quốc ngày nay), Binh Bộ Lang Trung Sự Chủ Sự (bộ Binh), thái thú Phúc Châu…
Vị quan này còn từng góp công lớn vào chiến thắng hải tặc Nhật Bản và chiến tranh chống quân Nhật của nhà Minh.
Năm 1619, Vương Sĩ Kỳ được phong chức Tuần Phủ Giang Nam, song do làm việc quá sức mà ông đã mất do bệnh tại tỉnh Sơn Tây trước khi nhậm chức.
Cả cuộc đời mình, Vương Sĩ Kỳ không chỉ là một vị quan giỏi, mà ông còn là vị quan thanh liêm nổi tiếng được dân chúng yêu mến. Cũng bởi vì cả đời thanh liêm, không giữ riêng cho mình chút tài sản nào, đến khi mất, quan tài của ông cũng chỉ là những mảnh gỗ thô sơ.
Thậm chí, trước khi hạ huyệt, quan tài của ông còn bị vỡ, cho nên người ta đành lấy rơm quấn quanh người ông rồi chôn.
Một vị quan nghèo đến mức không có được một chiếc quan tài hẳn hoi, vậy số vàng bạc châu báu trong mộ kia đến từ đâu?
Hóa ra, sau khi Vương Sĩ Kỳ mất được vài năm, hoàng đế mới biết tin. Hoàng đế ra lệnh cải táng cho mộ ông, xây dựng lại mộ thật hoành tráng, đẹp đẽ.
Cho nên, số vàng bạc châu báu trong mộ kia đều là do hoàng đế ban thưởng, cũng là phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến của ông. Lời giải này đã phần nào giúp minh oan cho vị quan thanh liêm bậc nhất Minh triều.