2 thi thể nam chôn chung mộ và bi kịch của thái giám nhà Minh
2 thi thể nam chôn chung mộ và bi kịch của thái giám nhà Minh
Thứ tư, ngày 18/08/2021 20:30 PM (GMT+7)
Tấm văn bia khắc dòng chữ “Đồng đường cộng huyệt” (nguyện được chôn cùng mộ huyệt) đã hé lộ cuộc đời bi ai của một tầng lớp người trong xã hội phong kiến.
Tháng 3/2014, nhóm công nhân xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 7 khu vực chùa Kim Tượng ở Cẩm Giang, Thành Đô, Trung Quốc đã phát hiện và khai quật được khu lăng mộ của thái giám rộng khoảng 2.300 mét vuông với 43 ngôi mộ được đắp bằng loại gạch nhiều màu sắc.
Ngoài ra các nhà khảo cổ sau đó còn tìm thấy rất nhiều những di vật tùy táng như gốm sứ, đá quý, ngọc bích, vàng, bạc và đồng trong các lăng mộ chứng minh rằng 43 ngôi mộ này là lăng mộ của các thái giám trong phủ của Thục Vương của Minh triều.
Gạch lát màu sắc trong lăng mộ. Hình ảnh: Kknews
Thế nhưng điều khiến các nhà khảo cổ học tại hiện trường phấn khích và ngạc nhiên. Đó là ngôi mộ chung của hai thái giám trong quần thể lăng mộ. Rốt cuộc họ là ai? Và tại sao lại được chôn chung trong cùng 1 mộ huyệt? Tấm văn bia khai quật trong lăng đã ghi chép lại chi tiết cuộc đời và tình cảm của hai vị thái giám này.
Hóa ra họ là hai người bạn "nối khố" cùng nhập cung làm thái giám và cùng bơ vơ những năm cuối cuộc đời.
Hai thái giám có tên Ngụy Ngọc và Nguyễn Anh. Năm Ngụy Ngọc 8 tuổi và Nguyễn Anh 6 tuổi, hai người cùng lúc bước chân vào phủ Thục vương. Ngụy Ngọc ban đầu là thái giám thân tín của vua Thục Huệ, vô cùng được sủng ái và từng bước tiếp cận trung tâm quyền lực của hoàng cung.
Nguyễn Anh – người bạn từ thuở thơ ấu của Ngụy Ngọc, nghiễm nhiên cũng được trọng dụng và trở thành thái giám quản sự trong cung đình.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, từ những đứa trẻ lên 10 đến quá bán cuộc đời, họ cùng nhau trải qua những sóng gió thăng trầm giữa cung đình, chia sẻ những cô đơn buồn chán chốn hoàng gia và tình cảm giữa hai người ngày càng sâu đậm.
Vào năm 1515, hai người hơn 50 tuổi bắt đầu suy nghĩ về khoảng thời gian cuối đời. Cũng bởi họ luôn có tình cảm sâu sắc và ước nguyện được chôn cất cùng nhau nên đã hứa hẹn sẽ cùng an táng tại khu vực ngoại ô phía đông Thành Đô.
Sau khi Ngụy Ngọc chết, Nguyễn Anh đã chôn cất ông trong lăng mộ trước, và dặn dò người khác chôn cất mình vào trong cùng mộ huyệt đó khi mình qua đời. Chính vì thế họ đã quyết định khắc dòng chữ trên tấm văn bia "nguyện chôn cùng mộ, tình cảm trường cửu".
Bi kịch của thái giám thời phong kiến
Thái giám (hay còn gọi là hoạn quan) để chỉ vị trí của người chăm sóc, cận thần hầu hạ bên cạnh hoàng đế, vương gia và những phi tần hào môn. Ở thời phong kiến, thái giám có địa vị xã hội thấp, bị khinh thường và rất được thông cảm, nhìn chung chỉ những người có hoàn cảnh gia đình nghèo khó và liều lĩnh mới dấn thân vào con đường này.
Theo truyền thống cổ xưa, sau khi chết đi thái giám không được phép an táng trong lăng mộ tổ tiên của dòng tộc mình bởi điều đó sẽ khiến cả gia tộc xấu hổ nên họ bị gạt sang một bên, có khi chỉ còn là hồn ma cô đơn.
Họ bị người đời nhận định là một con người khiếm khuyết "không hoàn chỉnh", không thể có cuộc sống tình cảm như bao người khác nhưng họ cũng có khao khát về một gia đình hạnh phúc, khao khát được ở bên cạnh người mình yêu thương.
8 chữ khắc trên ngôi mộ không chỉ nói lên tình cảm chân thành, niềm mong ước được bên nhau mãi mãi của hai chủ nhân ngôi mộ mà còn là cuộc đời bi đát của các thái giám, cũng bởi gia đình nghèo khó mà phải tiến cung, không được hưởng hạnh phúc gia đình như một người bình thường, để rồi khi chết đi cũng không thể trở về cội nguồn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.