Dân Việt

12 vị Hoàng đế nhà Thanh, có 1 người không có bài vị, đó là ai?

PV 06/09/2021 16:33 GMT+7
Sau khi đã thu thập đủ những bài vị thất lạc, trong Cố cung cũng vẫn chỉ có bài vị của 11 vị hoàng đế. Vậy 1 bài vị bị thiếu đó là của ai?

Dòng chảy lịch sử không ngừng cuồn cuộn chảy về phía trước, con người chúng ta cũng luôn hướng về tương lai. Lịch sử là nơi ghi dấu, chứa đựng biết bao câu chuyện, có đau thương, có buồn bã, có thê lương, có ấm áp, cũng có cả niềm vui.

Có những khi, những câu chuyện khiến chúng ta cảm thấy ấm lòng mà rơi lệ, lại có đôi khi khiến người đọc phải buồn bã đến trằn trọc không yên. Đó cũng chính là sức hút của chính những câu chuyện từ lịch sử, giá trị của chúng có thể mê đắm lòng người cả nghìn năm, bắt giữ tâm hồn của người đọc.

Chúng ta tôn trọng những câu chuyện đến từ lịch sử, tưởng nhớ và gìn giữ chúng. Những câu chuyện ấy đi vào những trang sách, từng cuốn từng cuốn được lưu giữ trong những thư viện lớn, hay trong những tiệm sách.

Điều chúng ta có thể làm, đó chính là nhẹ nhàng nâng niu chúng, cảm nhận hương thơm của giấy mực, thưởng thức một ly trà bên một cuốn sách, lặng lẽ như vậy cũng đã đủ mãn nguyện rồi.

Và câu chuyện được bàn đến ngày hôm nay là câu chuyện về các Hoàng đế nhà Thanh.

Nhà Thanh là triều đại kéo dài suốt hơn 300 năm lịch sử, trải qua tất cả 12 đời Hoàng đế. Thế nhưng có một chi tiết đáng chú ý là trong Cố cung ngày nay, chúng ta chỉ thấy thờ có 11 tấm bài vị? Tại sao lại như vậy? Đằng sau nó cất giấu bí mật gì?

Nhà Thanh có tổng cộng 12 vị Hoàng đế, tại sao trong Cố cung lại chỉ có 11 tấm bài vị? - Ảnh 1.

Nhà Thanh là triều đại kéo dài suốt hơn 300 năm lịch sử. Ảnh: Sohu

Lý giải đằng sau 11 tấm bài vị của Hoàng đế Thanh triều

Vương triều nhà Thanh kéo dài suốt hơn 300 năm lịch sử, cho dù về sau, bởi vì việc thi hành chính sách bế quan tỏa cảng khiến Trung Quốc dần trở nên lạc hậu, nhưng dù sao đi nữa, đó vẫn là lịch sử, là những thứ đã tồn tại, là những năm tháng thăng trầm của đất nước Trung Quốc.

Thế nên, bất kể kết quả của vương triều đó ra sao, chúng ta cũng không nên phán xét bất cứ điều gì, lịch sử vẫn mãi là lịch sử.

Trên con đường sụp đổ của nhà Thanh, không thể không nhắc đến việc Bát quốc liên quân xâm lược Trung Quốc. Khi tiến vào Trung Quốc, lực lượng này không chỉ làm suy yếu khả năng phòng vệ của Thanh triều, vơ vét của cải, biến Trung Quốc thành chiếc bánh ngọt để chia nhau mà còn hủy hoại một lượng lớn báu vật và văn vật quý giá của nước này.

Trong số đó, có tấm bài vị của vua Càn Long bị một mục sư người Đức lấy đi. Người này vốn dĩ không cho rằng đó là thứ có giá trị, cho nên đã tiện tay quăng nó vào căn hầm nhà mình.

Sau này, tấm bài vị được một người hảo tâm tìm ra, dùng số tiền lớn mua lại rồi đem trả nó về cho Cố cung. Từ việc này, có thể thấy được kết cục của thời nhà Thanh thảm bại cỡ nào, ngay cả bài vị tổ tiên cũng chẳng thể bảo vệ được.

Phải trải qua suốt một thời gian dài, bài vị của các vị Hoàng đế nhà Thanh mới được thu thập lại đầy đủ, nhưng lại chỉ có 11 tấm. Vậy còn vị Hoàng đế không có bài vị ấy là ai? Câu trả lời chính là Phổ Nghi.

Mọi người chắc hẳn đều đã biết cuộc đời của Phổ Nghi vô cùng gập ghềnh, bấp bênh.

Ông sinh ra vào cuối thời nhà Thanh, đứng trước một quốc gia đã đến hồi suy vong, tuy vẫn luôn muốn cứu vãn nhưng lại chẳng biết nên bắt đầu từ đâu khi các luồng tư tưởng cũ mới va chạm nhau chan chát.

Nhà Thanh có tổng cộng 12 vị Hoàng đế, tại sao trong Cố cung lại chỉ có 11 tấm bài vị? - Ảnh 2.

Vua Phổ Nghi lúc nhỏ. Ảnh: Sohu

Về sau, dưới bàn tay của người Nhật Bản, Phổ Nghi được đưa lên làm Hoàng đế ở Mãn Châu. Trên thực tế, đây chỉ là chiêu trò lừa gạt của người Nhật Bản đối với Phổ Nghi mà thôi.

Người Nhật Bản chỉ muốn lợi dụng Phổ Nghi, coi Phổ Nghi như con rối trong tay mình. Sau khi Mãn Châu quốc bị tiêu diệt, Phổ Nghi bị phán 12 năm tù giam. Sau này, khi nhà nước Trung Quốc mới được thành lập, Phổ Nghi đã được đưa về nước và trở thành một công dân của Trung Quốc.

Là con cháu của dòng họ Ái Tân Giác La, Phổ Nghi rất muốn lấy lại bài vị của tổ tiên mình nhưng chính phủ Trung Quốc không cho phép điều đó. Đến tận khi qua đời, Phổ Nghi vẫn chẳng thể lấy lại được bài vị của tổ tiên.

Sau này, khi đã là một công dân Trung Quốc bình thường, Phổ Nghi có quay lại Cố cung nơi bản thân ông đã từng sinh sống. Thời điểm đó, Cố cung đã trở thành nơi trưng bày triển lãm, và Phổ Nghi phải mua vé mới được bước vào.

Chắc hẳn, Phổ Nghi đã có những cảm xúc khó tả ở vào thời khắc ấy.

Từ trong suy nghĩ của bản thân, người viết cảm thấy Phổ Nghi là một người rất đáng thương. Từ nhỏ đã lớn lên trong gia đình hoàng tộc, không thể làm chủ số phận của chính mình. Sau này, khi đất nước Trung Quốc mới được thành lập, lại vẫn chẳng thể làm chủ cuộc sống của chính mình. Ông ta cứ sống như vậy, lại chẳng thể thoát ra khỏi chiếc lồng giam của chính mình.

Trong lịch sử, những nhận xét về Phổ Nghi có tốt có xấu, nhưng nếu như xem Phổ Nghi như một người bình thường, hẳn sẽ có nhiều người đồng cảm cho số phận của ông. Sinh ra là một hoàng đế nhưng đến cuối đời và đến khi chết đi, Phổ Nghi chỉ là một công dân bình thường, không còn là hoàng đế, đó chính là lý do vì sao Thanh triều có 12 vị vua nhưng bài vị trong Cố cung thì chỉ có 11.