Dân Việt

VAR Việt Nam vs Australia: Bao nhiêu camera lắp đặt ở Mỹ Đình?

Tuệ Minh 05/09/2021 17:31 GMT+7
Theo tìm hiểu của Dân Việt, sẽ có hơn 15 camera được lắp đặt trên sân Mỹ Đình để phục vụ VAR trong trận ĐT Việt Nam tiếp Australia tối 7/9 tới.

VAR với hơn 15 camera "soi" Việt Nam vs Australia

19 giờ ngày 7/9 tới, ĐT Việt Nam sẽ tiếp Australia ở lượt trận thứ 2 bảng B vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á.

Ngoài tính chất quan trọng của cuộc đọ sức này, chi tiết người hâm mộ quan tâm là lần đầu tiên công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video (Video Assistant Referee) viết tắt là VAR sẽ được đưa vào sử dụng trên sân Mỹ Đình.

VAR Việt Nam vs Australia: Bao nhiêu camera lắp đặt ở Mỹ Đình? - Ảnh 1.

Hệ thống VAR trên sân Mỹ Đình có khoảng hơn 15 camera, ít hơn 1/2 so với số camera được lắp đặt phục vụ VAR tại World Cup 2018. Ảnh: AFC

Điều này càng có nhiều ý nghĩa hơn khi sân Mỹ Đình không thể đón tiếp khán giả tới sân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Hàng triệu trái tim  người hâm mộ sẽ hướng lên màn hình ti vi và dõi theo từng diễn biến trận đấu với niềm tin thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ giành kết quả tốt nhất.

Theo nguồn tin Dân Việt tìm hiểu được vào chiều nay (5/9), hệ thống VAR đã được lắp đặt xong. Số lượng camera là hơn 15 chiếc, bằng 1/2 số lượng camera phục vụ VAR tại World Cup 2018.

Cụ thể, tại World Cup 2018 (Nga), mỗi trận đấu, Ban tổ chức đã chi phí cho VAR  khoảng 700.000 USD (tương đương 16,1 tỷ đồng).

Riêng hệ thống camera gồm 33 chiếc: 8 camera siêu chậm - super slow motion và 4 camera quay chậm cực đại - ultra slow motion. 

Còn lại là các camera bắt hình với tốc độ bình thường nhưng phải đảm bảo độ phân giải cao được đặt tại đủ các góc quanh sân và trên khán đài, đặc biệt là hai cầu môn và khu vực 16m50 nơi thường xuyên xảy ra các tình huống nóng và hay tranh cãi như việt vị hay không việt vị, phạt đền hay không phạt đền, thẻ đỏ không thẻ đỏ…

VAR Việt Nam vs Australia: Bao nhiêu camera lắp đặt ở Mỹ Đình? - Ảnh 2.

Trọng tài người Qatar Abdulrahman Ibrahim Al-Jassim sẽ bắt chính trận ĐT Việt Nam tiếp Australia. Ảnh: AFC

Tổ trọng tài điều khiển trận đấu giữa ĐT Việt Nam và Australia đều là người Qatar. Trọng tài chính là ông Abdulrahman Ibrahim Al-Jassim. Trợ lý trọng tài 1 Taleb Salem Al-Marri. Trợ lý trọng tài 2 Saoud Ahmed Almaqelah. Trợ lý trọng tài bàn Saoud Ali Al-Adba. 

Hai trợ lý trọng tài video (VAR) là ông Abdulla Ali Al-Marri và Khamis Mohammed Al-Marri.

Chi tiết đáng lưu ý, trọng tài chính Al-Jassim từng bắt chính trận bán kết lượt đi AFF Cup 2018 khi Việt Nam thắng chủ nhà chủ nhà Philippines 2-1 tại Bacolod. Sau đó, vị trọng tài người Qatar còn điều khiển trận tuyển Việt Nam thua Iraq 2-3 ở vòng bảng ASIAN Cup 2019.

Tổng duyệt VAR ngày 6/9

Để hệ thống VAR hoạt động trơn tru trong ngày thi đấu chính thức 7/9 giữa Việt Nam và Australia, trong ngày 6/9 sẽ có 2 buổi chạy thử kiểm tra.

Cụ thể, sau buổi tập của ĐT Việt Nam tối 6/9 (từ 19 giờ 15 đến 20 giờ 15), VAR sẽ được thử nghiệm.  Buổi kiểm tra cuối cùng có ý nghĩa tổng duyệt sẽ có sự tham gia của các trọng tài và tổ kỹ thuật phòng VAR. 

VAR Việt Nam vs Australia: Bao nhiêu camera lắp đặt ở Mỹ Đình? - Ảnh 3.

Màn hình để trọng tài chính Abdulrahman Ibrahim Al-Jassim tham khảo VAR khi cần thiết trên sân Mỹ Đình. Ảnh: Tuệ Minh.

Trở lại với các thông tin liên quan tới VAR, sáng 4/9, các chuyên gia của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) và tổ kỹ thuật đã bắt đầu tiến hành việc lắp đặt VAR tại sân Mỹ Đình.

Theo yêu cầu của AFC, Ban tổ chức trận đấu phải bố trí được cơ sở vật chất đủ tiêu chuẩn để đặt VAR. Sau khi khảo sát sân Mỹ Đình từ cách đây gần một tháng, VFF đã chọn được phòng chức năng đáp ứng được yêu cầu của AFC. Phòng dài 6m, rộng 4,8 m, chiều cao 2,8 m.

Phòng chứa thiết bị VAR nằm gần xe màu của đơn vị truyền hình (cách khoảng 15m, yêu cầu của AFC là cách tối đa 40m, phòng nếu gần xe màu càng tốt). 

Một màn hình để trọng tài chính tham khảo lại các tình huống nhạy cảm sẽ được nối với các màn hình đặt trong phòng VAR. Màn hình này được bố trí đặt tại một chỗ cố định phía trong sân, giúp trọng tài dễ dàng di chuyển đến để tham khảo khi cần thiết.

Cục Tần số vô tuyến điện đã đồng ý cho VFF sử dụng VAR và cấp cho Ban tổ chức trận đấu dải tần số để tổ trọng tài sử dụng VAR. 

Khi các trọng tài liên lạc với nhau qua bộ đàm, tần số thiết bị VAR không trùng với tần số đang sẵn có tại Việt Nam, tránh gây nhiễu các dải tần số khác và làm ảnh hưởng đến chất lượng VAR.

Tính đến trước trận tiếp Australia, ĐT Việt Nam đã 2 lần nhận trái đắng vì VAR. Tại trận tứ kết ASIAN Cup 2019, ĐT Việt Nam đã thua Nhật Bản 0-1 trong tình huống có sự can thiệp của VAR.

Đó là tình huống trung vệ Bùi Tiến Dũng va chạm với Ritsu Doan (Nhật Bản) đầu hiệp 2. Ban đầu, trọng tài đã bỏ qua nhưng sau khi tham khảo VAR, trọng tài đã thổi phạt đền Việt Nam và chính Ritsu Doan là người ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu, loại thầy trò HLV Park Hang-seo. Trước đó, trong hiệp 1, VAR cũng giúp ĐT Việt Nam thoát thua khi hỗ trợ trọng tài không công nhận bàn thắng của Maya Yoshida vì để bóng chạm tay trước lúc ghi bàn.

Gần đây nhất rạng sáng 3/9 (giờ Việt Nam) trong chuyến àm khách của Ả Rập Xê-út, VAR đã khiến ĐT Việt Nam nhận quả phạt đền và bị gỡ hòa 1-1 đầu hiệp 2. Không chỉ thế, trung vệ Duy Mạnh còn phải nhận thẻ vàng thứ 2 rời sân.

Chơi thiếu người trong phần lớn thời gian hiệp 2, ĐT Việt Nam đã thua ngược 1-3 chung cuộc.