Vài năm lại nay, Hội Nông dân huyện Đức Thọ bắt đầu thí điểm mô hình nuôi ốc bươu đen ở các xã ngoài đê La Giang và đến nay toàn huyện đã nhân rộng lên trên 60 mô hình. Đây là hướng đi thích hợp để bà con nông dân Đức Thọ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Trần Ngọc Toại, thôn Long Lập, xã Tân Dân là một trong những mô hình đầu tiên của huyện Đức Thọ. Với quy mô 1 ha, hiện anh Trần Ngọc Toại đang nuôi 5 vạn ốc bố mẹ, phục vụ sản xuất con giống. Trong năm 2020, anh Toại thu về trên 500 triệu đồng từ bán ốc giống.
Anh Toại cho biết: "Ốc bươu đen tuy sống ở dưới bùn, nhưng lại rất ưa môi trường nước sạch. Thức ăn của ốc nhồi hoàn toàn từ tự nhiên như: lá khoai, lá sắn, cỏ, bèo… do đó, xung quanh ao nuôi tôi đã trồng rất nhiều loại khoai, sắn để làm thức ăn cho ốc. Ốc bươu đen nuôi sau 4-5 tháng là có thể xuất bán.
Hiện, ốc bươu đen thương phẩm loại 30-35 con/1kg có giá từ 80 đến 100 nghìn đồng/kg; ốc giống loại 10.000 con/1kg có giá từ 6,5 đến 7 triệu đồng/kg; ốc giống bố, mẹ từ 180 đến 200 nghìn đồng/kg.
Tương tự, mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Lê Tuấn Anh ở thôn Tân Lộc, xã Tân Hương có quy mô 5.000 m2, trong đó 2.000 m2 được anh quy hoạch thành 4 hồ nuôi, còn 3.000m2 là ao nuôi tự nhiên.
Bắt tay vào thực hiện mô hình từ tháng 4/2021, bước đầu anh Lê Tuấn Anh thả 5 vạn con giống, sau gần 5 tháng thả nuôi ốc đạt kích cỡ 35-40 con/1kg. Mô hình nuôi ốc của anh Lê Tuấn Anh đã cho lãi ròng gần 100 triệu đồng sau vụ nuôi đầu tiên.
Anh Lê Tuấn Anh cho biết: "Trước đây tôi thường khai thác và thu mua ốc bươu tự nhiên để nhập cho các nhà hàng, nhưng dần dần, ốc tự nhiên cạn kiệt, vì vậy khi được Hội Nông dân hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật tôi đã xây dựng mô hình này. Nuôi ốc bươu đen khá dễ, chi phí đầu tư không nhiều, chỉ với 20 triệu đồng mua con giống ban đầu. Sau 5 tháng thả nuôi, hiện ốc thương phẩm đã đạt 35-40 con/1kg, đủ tiêu chuẩn xuất bán ra thị trường, với giá bán hiện nay là 90.000đồng/1kg.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Thọ - Ngô Ngọc Hân cho biết: Hiện, toàn huyện đã xây dựng trên 60 mô hình nuôi, quy mô từ 1000 – 5000 m2. Qua quá trình nuôi cho thấy, đây là hướng đi thích hợp để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Cùng với đó, huyện Đức Thọ đã ban hành chính sách hỗ trợ, nhằm tạo thêm động lực, giúp bà con yên tâm trong phát triển mô hình. Ngoài ra, hội đã đồng hành với bà con từ khâu quy hoạch ao, quy trình kỹ thuật trong khâu chọn giống, chăm sóc, thức ăn, phòng trừ bệnh. Hiện trên địa bàn cũng đã thành lập Công ty TNHH Anh Xuân, ở xã Liên Minh để tư vấn kỹ thuật, cung cấp giống và thu mua sản phẩm cho các hộ nuôi.
Hiện tại, Hội Nông dân huyện đang tiếp tục hướng dẫn bà con nông dân phát triển mô hình nuôi ốc bươu đen theo hướng hàng hóa, hiệu quả, an toàn, từng bước nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích."