Làng Việt kỳ lạ ở Hà Nam, ở đây không xây cổng ở đầu làng mà lại xây cổng ở cuối làng, vì sao vậy?
Hà Nam: Vùng đất cổ với huyền tích về các vị Phúc Thần nơi người dân chỉ làm cổng ở cuối làng
Chủ nhật, ngày 05/09/2021 13:01 PM (GMT+7)
Thôn Phù Thụy (nay là thôn 5) xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) là vùng đất cổ. Tên Phù Thụy có ý nghĩa là đẹp đẽ, tốt lành vì cảnh sắc làng quê nơi đây thanh bình, yên ả, người dân thuần hậu, chất phác.
Tương truyền, Phù Thụy có thế đất phát quan “Lý Ngư vọng nguyệt”, thế nên người dân nơi đây chỉ làm cổng cuối làng mà không làm cổng đầu làng.
Bởi trong tâm thức dân gian người Việt, cá chép vừa là biểu tượng cho ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, lại vừa biểu trưng cho ước nguyện công thành danh toại chốn quan trường.
Đình Phù Thụy – công trình kiến trúc tâm linh truyền thống của dân làng chính là nơi gửi gắm những ước vọng đó và là nơi thờ các vị thành hoàng làng với những huyền tích vừa hư ảo, ngưỡng vọng, vừa thành kính với niềm tin tưởng linh thiêng luôn được phù trợ.
Đình Phù Thụy nằm ngay đầu làng, đã được xếp loại là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đình thờ hai vị âm thần (vía của thần) là Đương Cảnh thành hoàng Lý Bà Công chúa và nữ tướng Quyền nhiệm Đại vương Thái trưởng Công chúa.
Lý Bà Công chúa là người con gái được sinh ra ở làng. Nàng được cha mẹ đặt tên là Quang Nương với nghĩa cô gái đẹp như ngọc. Khi tuổi xuân vừa chớm, cô mồ côi cha mẹ về sống cùng người cô làm nghề buôn bán.
Họ thường xuyên qua lại thành Cổ Loa nên Quang Nương được mọi người gọi là cô Lý (chỉ các cô gái từ vùng quê lên tỉnh làm ăn buôn bán). Với vẻ đẹp má phấn mày liễu, mặt ánh hoa đào, cô đã được nhà vua trong một lần đi thưởng xuân chú ý, vời nàng vào cung và lập làm Cung phi thứ tám.
Song, thấm thoắt thoi đưa đã hơn mười năm mà nàng vẫn chưa có con, nhà vua bèn lập một cung ở Phù Thụy cho nàng trở về bản quán.
Tại đây, Cung phi thường giúp đỡ người yếu, kẻ nghèo, chỉ dạy cho dân thạo nghề buôn bán. Dần dần, người dân khắp vùng đều trở nên no đủ, giàu có, biết lễ, hiểu nghĩa.
Nhờ có công lao to lớn với quê hương, khi mất bà được nhà vua phong Lý Bà Công chúa, Trung đẳng phúc thần và cho phép dân làng Phù Thụy hằng năm hương hoa thờ cúng, giữ gìn đền thờ.
Quyền nhiệm Đại vương Thái trưởng Công chúa là con của Trưởng quan huyện Kim Bảng thời Đông Hán. Trưởng quan vốn người đạo Sơn Tây khi về nhậm chức ở Kim Bảng đi qua Phù Thụy thấy nơi đây có thế đất như rồng lượn, nhân dân no đủ, khí hậu ấm áp bèn lập hành cung về ở hẳn đây.
Thái trưởng Công chúa tên là Dung tương truyền được trời ban cho xuống trần gian để sau này cứu dân, giúp nước. Nàng vừa xinh đẹp lại giỏi binh thư, cung kiếm, tiếng vang khắp vùng.
Thái thú đô hộ lúc đó là Tô Định muốn lập nàng làm thiếp, nhưng nàng lấy cớ để tang cha mẹ trì hoãn. Đến khi mãn tang, nàng đã dong buồm đón gió tới Mê Linh hội ngộ, kết nghĩa chị em cùng Hai Bà Trưng, cùng chung chí lớn cứu giúp nước nhà.
Sau khi thắng trận, đuổi quân đô hộ về nước, bà Trưng lên ngôi vua phong cô Dung là Quyền nhiệm Đại vương Thái trưởng Công chúa, cho ăn lộc ấp một vạn hộ. Nghĩ đến Phù Thụy ngày trước là ấp cũ, Thái trưởng Công chúa bèn xin trở về Phù Thụy.
Bà đem hết các thứ vua ban chia khắp cho nhân dân Phù Thụy, bà được nhân dân yêu mến và kính trọng. Nhưng lúc này vua Hán vẫn giữ mối căm hờn, quyết chí phục thù, tiến đánh nước ta một lần nữa. Thái trưởng Công chúa rời cung phát binh cự Hán cùng Hai Bà Trưng tiếp tục quyết chiến.
Quân giặc quá mạnh, sau nhiều tháng hãm thành, biết không thể thắng, vua tôi bèn quyết định đánh một trận sinh tử với giặc, Thái trưởng Công chúa tử trận, Hai Bà Trưng gieo mình xuống dòng Hát Giang tự sát. Miếu thờ Phụ quốc Quyền nhiệm Đại vương Thái trưởng Công chúa được lập tại cung cũ Phù Thụy.
Đình làng Phù Thụy được xây dựng, hai bà được nhân dân rước bài vị về thờ và phong làm thành hoàng làng, giữ lễ nghĩa khói hương phụng thờ.
Theo định lệ, hằng năm vào các ngày từ mùng 4 – 6 tháng 11 âm lịch dân làng đều tổ chức lễ hội tưởng nhớ hai vị thần. Lễ hội có tục rước kiệu xin chân nhang tại đền thờ Lý Bà và miếu thờ Thái trưởng Công chúa về đình dự hội nhận lòng thành kính tri ân của dân làng.
Đình Phù Thụy được nhận xét là ngôi đình còn in đậm nét phong cách cổ truyền của dân tộc mặc dù đã trải qua hàng thế kỷ tồn tại.
Các nghệ nhân xưa với nhãn quan tinh tế, khiếu thẩm mỹ phong phú, bàn tay tài hoa đã thành công xây dựng ngôi đình từ bố cục mặt bằng, lựa chọn vật liệu, thiết kế, đặc biệt là các kỹ thuật trang trí.
Nổi bật ở đây là kỹ thuật chạm chìm, chạm nổi, chạm kênh bong được chú ý đến từng chi tiết đã tạo nên những bức chạm khắc sinh động, giàu chất nghệ thuật, mang phong cách đặc trưng cuối triều Hậu Lê.
Ngôi đình nằm ngay đầu làng Phù Thụy, quay mặt hướng Tây, phía trước là đường đi vào làng, có nhiều cây cổ thụ bao quanh. Vào những ngày hè, người dân thường ra đây hóng gió, trò chuyện và kể về ngôi đình cổ làng mình với bao nhiêu huyền thoại...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.