Dân Việt

Nóng "cuộc đua" gọi vốn của doanh nghiệp bất động sản chuẩn bị cho hậu dịch Covid-19

Minh Khôi 06/09/2021 06:28 GMT+7
Thị trường bất động sản đang diễn ra cuộc đua gọi vốn để sẵn sàng cho chiến lược kinh doanh mới hậu dịch Covid-19. Hình thức gọi vốn nổi bật vẫn là trái phiếu và mua bán - sáp nhập (M&A).

"Chạy đua" phát hành trái phiếu

Những tháng cuối năm 2021 được xem là thời điểm hồi sức và tăng trưởng trở lại của thị trường bất động sản. Những dự báo tươi sáng về thị trường xuất phát từ những kế hoạch kinh doanh gọi vốn ấn tượng của doanh nghiệp, trong đó đầu tiên phải kể đến trái phiếu.

Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, trong nhóm trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước, nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với tổng giá trị phát hành đạt 4.950 tỷ đồng, chỉ sau nhóm ngân hàng.

Điển hình phải kể đến một số công ty và dự án nổi bật như Alpha City huy động 8.060 tỷ đồng trái phiếu phát hành bởi Công ty CP Đầu tư Golden Hill và Công ty CP Đầu tư Voyage, Vingroup là 4.375 tỷ đồng, Hưng Thịnh Quy Nhơn là 4.000 tỷ đồng...

Ngoài ra, có 3 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế gồm Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD), trái phiếu xanh của Công ty CP bất động sản BIM (200 triệu USD) và trái phiếu chuyển đổi của Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (300 triệu USD).

Nóng 'cuộc đua' gọi vốn của doanh nghiệp bất động sản chuẩn bị cho hậu dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Doanh nghiệp bất động sản "chạy đua" phát hành trái phiếu. Ảnh chụp dự án Roman Plaza Hải Phát (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: M.K

Một doanh nghiệp cũng thực hiện các đợt phát hành trái phiếu dày đặc là Công ty cổ phần Hải Phát. Từ ngày 5/5/2021 đến ngày 6/7/2021, Công ty thực hiện 4 đợt phát hành trái phiếu vào các ngày 5/5, 17/5, 8/6 và ngày 6/7, với tổng lượng vốn huy động được là 950 tỷ đồng.

Tương tự, dự kiến trong năm 2021, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) sẽ phát hành riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu để phát triển, mở rộng quỹ đất, bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại nguồn vốn hoạt động của công ty.

Tính đến hiện tại, Đất Xanh đang phát triển khoảng 25 dự án 9 tỉnh, thành với tổng quỹ đất hơn 2.295 ha và tổng giá trị đầu tư 118.087 tỷ đồng. Doanh nghiệp có kế hoạch bổ sung thêm 3-5 dự án có quy mô lợi nhuận 3.000-5.000 tỷ đồng mỗi dự án đến năm 2023 và triển khai, khai thác các dự án khu đô thị với quy mô 100-200 ha/dự án tại các khu đô thị loại I và loại II đến năm 2025.

Đất Xanh cũng đang chuẩn bị thủ tục niêm yết 300 triệu USD trái phiếu quốc tế nhằm bổ sung vốn vào công ty con CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An - chủ đầu tư dự án Gem Sky World (Long Thành, Đồng Nai).

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc doanh nghiệp bất động sản gia tăng phát hành trái phiếu với lãi suất cao thể hiện nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp, cũng như những ảnh hưởng bởi triển vọng của ngành và những tác động của yếu tố dịch bệnh tới việc phải cơ cấu kỳ hạn dài hơn của các nhà phát hành trái phiếu trong ngành bất động sản.

M&A dự án bất động sản sôi động

Bên cạnh huy động trái phiếu, thị trường bất động sản cũng nổi lên những thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) với sự tham gia tích cực của cả nhà đầu tư ngoại và nội.

Đơn cử như: Công ty cổ phần và Phát triển Bất động sản Phát Đạt mua lại 99,5% cổ phần Công ty cổ phần Bất động Sản Đầu tư và Phát triển Cao ốc Bình Dương để sở hữu dự án Bình Dương Tower.

Hay với CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền, doanh nghiệp này cũng vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ tại 2 công ty con là Công ty TNHH Tư vấn Quốc tế và Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Kim Phát nhằm thực hiện tham vọng mở rộng quỹ đất ở TP. Thủ Đức...

Mới đây, Sunshine Group cũng mua lại giai đoạn 2 dự án Cocobay Đà Nẵng từ Empire Group với tham vọng xây dựng một tổ hợp nghỉ dưỡng phức hợp tiêu chuẩn 6 sao có tên gọi Sunshine Heritage Đà Nẵng.

Nóng 'cuộc đua' gọi vốn của doanh nghiệp bất động sản chuẩn bị cho hậu dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Các thương vụ M&A dự án bất động sản thời gian qua cũng sôi động. (Trong ảnh là một góc dự án khu đô thị mới Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: Minh Khôi

Ngoài ra, có thể kể đến các dự án đến từ nhóm doanh nghiệp Trung Quốc, Singapore vào Quảng Ninh, Bắc Giang. Liên doanh SEA Logistics Partners (SLP) và GLP - đơn vị quản lý vận hành kho bãi lớn nhất Trung Quốc đã mua được 5 dự án đất công nghiệp tại Việt Nam. Sau đó 1 tháng, Tập đoàn Boustead Projects (Singapore) đã mua lại 49% cổ phần của Công ty cổ phần phát triển Công nghiệp KTG Bắc Ninh với giá khoảng 7 triệu USD.

Xét từ thực tế thời gian qua, các chuyên gia nhận định, sở dĩ M&A dự án từ nhà đầu tư nước ngoài không nhiều như số thương vụ M&A giữa doanh nghiệp bất động sản trong nước bởi không dễ để một dự án có thể thỏa mãn mọi yêu cầu của nhà đầu tư quốc tế. Nhưng xét về giá trị giao dịch thì các thương vụ M&A có giá trị dẫn đầu vẫn nằm ở các thương vụ thâu tóm thực hiện bởi các nhà đầu tư quốc tế.

Bà Lê Phương Lan - Trưởng bộ phận Tư vấn đầu tư, Savills Hà Nội nhận xét, M&A trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đã phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Trước đây, nhà phát triển bất động sản trong nước có xu hướng tự xin cấp phép và thực hiện dự án và các thương vụ M&A chủ yếu thuộc về nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm lại từ những nhà phát triển dự án trong nước.

Tuy nhiên, khi quy mô thị trường lớn hơn, tiềm lực của các doanh nghiệp bất động sản trong nước mạnh hơn, họ đã đủ tích lũy về nguồn lực tài chính, bộ máy và quy trình thực hiện thì M&A là cách nhanh chóng để mở rộng quỹ đất và hoạt động kinh doanh.

Trưởng bộ phận tư vấn đầu tư Savills Hà Nội cho biết, nhà ở đô thị là phân khúc nhận được đơn đặt hàng nhiều nhất từ các nhà đầu tư. Với quy mô dân số lớn, tốc độ đô thị hóa cao đi kèm sự tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu, đây vẫn là phân khúc mang lại nhiều lợi nhuận nhất.

Nhu cầu đối với khu công nghiệp và logistics cũng tăng nhanh trong vài năm trở lại đây. Thêm vào đó, các loại hình bất động sản đã vận hành gồm tòa nhà văn phòng, căn hộ cho thuê có vị trí đẹp, tình trạng vận hành bảo dưỡng tốt, thời gian sử dụng đất còn dài luôn là những tài sản đầu tư ưa thích của nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường này cũng ghi nhận giao dịch từ các nhà đầu tư kinh doanh ở lĩnh vực khác muốn mở rộng tài sản, nắm giữ bất động sản.