Sáng 5/9, có một hình ảnh vô cùng xúc động khi cô hiệu trưởng Văn Thùy Dương, Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội, con gái của cố GS Văn Như Cương, phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới 2021 - 2022 nhưng không học sinh, chỉ có sân trường và những bóng cây yên lặng.
Bức ảnh này được chụp phía sau cô Văn Thùy Dương với mái tóc búi gọn lên cao. Bức ảnh vô tình để lộ trên gáy của cô có một hình xăm nhỏ, là ngôi sao 6 cánh. Chính điều này đã gây nên cuộc tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng, trong môi trường sư phạm thì giáo viên không nên có hình xăm. Trong khi đó có người lại cho rằng đây là sở thích cá nhân và không ai có quyền phán xét...
Ngay sau đó, cô Văn Thùy Dương đã lên tiếng.
Cô Thùy Dương lý giải về hình xăm của mình: "Một trong rất nhiều ý nghĩa của ngôi sao 6 cánh trước tiên đó là một ngôi sao đặc biệt. Chúng ta thường thích những ngôi sao 5 cánh và vì vậy đương nhiên ngôi sao 6 cánh là một ngôi sao đặc biệt vì nó hơn ngôi sao bình thường 1 cánh.
Thứ 2, một trong những ý nghĩa rất hay của ngôi sao 6 cánh mà tôi rất thích là ngôi sao 6 cánh tượng trưng cho sức mạnh, nó giúp chủ nhân sở hữu hình này có được sức mạnh vô biên để vượt qua mọi thế lực đen tối. Nôm na là khi có nó tôi sẽ có thêm sức mạnh về tinh thần để vượt qua hết mọi khó khăn, mọi thế lực đen tối để thành công, hướng tới sự trong lành để có sự cân bằng trong cuộc sống và nhẹ nhàng trong tâm hồn. Hình ảnh ở giữa ngôi sao là chữ Vạn.
Hình xăm kết hợp này có ý nghĩa cho riêng tôi: Là sự mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn và mọi thế lực để mang lại cuộc sống cân bằng cho mình bằng chính sự giác ngộ toàn vẹn. Vượt qua khó khăn mà luôn nhắc nhở mình bớt tham sân si, để cho chính cuộc sống của mình được an nhiên tự tại. Đây là một hình đẹp và ý nghĩa, được tôi khắc lên da thịt mình khi tôi chính thức quy y cửa Phật".
Trao đổi với PV báo Dân Việt về vấn đề này, Parent Coach Tú Anh Nguyễn cho biết: "Với quan điểm cá nhân tôi, việc xăm hình hay xỏ khuyên là lựa chọn mang tính cá nhân của mỗi người. Thầy cô giáo, bác sĩ, hay nghệ sĩ, người làm văn phòng, chắc chắn cũng có người có hình xăm.
Tuy nhiên, như cô giáo Văn Thùy Dương đã từng nói trong một bài phỏng vấn, cô dạy các con về sự phù hợp, nhất là trong các tình huống xã hội. Cô nói rằng, việc tủ quần áo có những trang phục như thế nào là lựa chọn cá nhân của mỗi người, nhưng chúng ta không nên mặc đồ tập gym đi dự đám cưới, và cũng không nên mặc đồ đám cưới đi tập gym.
Ý này rất thú vị và tôi muốn "mượn" lại để trả lời cho câu hỏi gây tranh cãi này, và đó là sự phù hợp.
Nếu là công việc cần hình ảnh nghiêm túc, trang trọng, việc xăm trổ kín tay kín người hay những hình ảnh mang tính thách thức cao, lộ rõ ra ngoài, đương nhiên sẽ gây bất lợi cho hình ảnh của người mang nó. Vì đôi khi, ấn tượng ban đầu dễ đưa ra những định kiến không hay. Nhưng, nếu hình xăm nhỏ, không mang ý nghĩa phản cảm, và có thể được che chắn hay giấu đi khi cần, ví dụ như trong những sự kiện nghiêm trang, thì tôi nghĩ là không có vấn đề gì".
Còn PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Chuyên gia xã hội học cho hay: "Chúng ta quay lại câu chuyện xăm hình trong lịch sử loài người. Hình xăm bắt nguồn từ khi con người hái lượm, chống chọi với thiên hiên, chiến đấu với thủy quái. Sau đó việc xăm hình mang thêm ý nghĩa làm đẹp.
Tuy nhiên dần dần người ta lạm dụng nó, nhiều người "lệch chuẩn" xăm hình nhưng không chuyển tải cái đẹp mà lại mang phong cách nào đó khiến mọi người xem là không đàng hoàng, không chuẩn mực... nên một bộ phận lớn kỳ thị người xăm hình".
Vậy giáo viên có được xăm hình không, theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình thì: "Điều này 50-50. Đây là điều liên quan đến cá nhân, riêng tư mà trong thời đại hiện nay sự riêng tư này được thừa nhận hơn. Miễn là hình xăm không mang tính đe dọa, xâm phạm, đi trái thuần phong mỹ tục, không gợi lên những thái độ, tinh thần méo mó, cổ vũ cho bạo lực...".