Chuẩn bị khai giảng năm học mới, thực hiện 2 dự án cùng với học sinh cả nước, dạy online và xoay xở cho việc học trực tuyến của con trai 4 tuổi với giáo viên nước ngoài… cô giáo Hà Ánh Phượng cho biết "Tôi bận đến mức không kịp ăn cơm". Thế nhưng bên trong câu nói ấy vẫn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết đến bất ngờ của cô giáo lọt top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu.

Trong khoảng thời gian eo hẹp của mình, cô đã dành cho chúng tôi 90 phút, thời gian vừa đủ để hồi ức về một cô bé tiểu học miền núi đam mê làm giáo viên, một cô gái bỏ hết lời mời hấp dẫn từ các tập đoàn lớn để về quê hương, một cô giáo vượt qua giới hạn của bản thân, môi trường sống với tham vọng đưa học sinh thành "công dân toàn cầu" ở "lớp học không biên giới" cho đến một nữ Đại biểu Quốc hội không ngại động chạm đến những vấn đề nóng của giáo dục.

Cuộc trò chuyện đặc biệt bắt đầu với chủ đề về năm học mới cũng vô cùng đặc biệt – năm học của công nghệ 4.0.

Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Tôi đang đi đúng đường và thật sự không cô đơn… - Ảnh 2.

Thưa cô! Vậy là thầy trò cả nước đã bước vào một năm học mới vô cùng đặc biệt: Khai giảng trong bối cảnh hàng chục tỉnh thành đang bị giãn cách xã hội, hàng chục triệu học sinh đã phải liên tục nghỉ ở nhà từ cuối tháng 4 đến nay và chưa biết đến bao giờ đi học trở lại… Cảm xúc của cô khi bước vào năm học mới thế nào? Thầy và trò Trường PTTH Hương Cần (Thanh Sơn, Phú Thọ) nơi cô đang công tác chuẩn bị đón năm học mới ra sao?

- Bước vào năm học mới này cảm xúc của tôi vui cũng có, tiếc nuối cũng có. Vui vì mình sẽ được quay trở lại bục giảng để gặp gỡ và đồng hành cùng học sinh, sau những tháng hè tôi thường xuyên đi công tác, chỉ ôn tập cho các bạn trên mạng. Tuy nhiên, tôi cũng có phần tiếc nuối khi lễ khai giảng năm nay thay vì cùng dự với tất cả các em học sinh thì trường chúng tôi lại khai giảng ở mô hình gọn nhẹ: Chỉ có 5 bạn học sinh đại diện cho một lớp tham gia, không có khâu văn nghệ chào mừng như mọi năm, các hoạt động tổ chức cũng đơn giản hơn rất nhiều để đảm bảo công tác phòng chống Covid-19.

Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Tôi đang đi đúng đường và thật sự không cô đơn… - Ảnh 3.

Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Tôi đang đi đúng đường và thật sự không cô đơn… - Ảnh 4.

Đại dịch Covid-19 đã làm cho toàn bộ cuộc sống của chúng ta thay đổi. Trong đó lĩnh vực thay đổi sâu sắc nhất có lẽ là giáo dục. Mới chỉ 1,2 năm trước thôi, chuyện học qua Zoom, Google Meet…vẫn còn khá xa lạ thì nay đã rất phổ biến,là bắt buộc. Cuộc cách mạng 4.0 đã ùa vào giáo dục, vào từng lớp học, từng bài giảng của mỗi giáo viên. Cô nhận xét thế nào về những ưu điểm của cuộc cách mạng này?

- Tôi nghĩ đại dịch Covid-19 như một chất xúc tác để cho việc chuyển đổi công nghệ số trở nên mạnh mẽ hơn và ngoài những ảnh hưởng tiêu cực cũng mang lại tích cực trong giáo dục.

Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Tôi đang đi đúng đường và thật sự không cô đơn… - Ảnh 5.

Dịch Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số không chỉ ở giáo viên, học sinh mà còn ở cả phụ huynh, những nhà quản lý cùng bắt tay vào nhanh và thực tế hơn rất nhiều.

Tính tự học, tinh thần tự giác là một trong những năng lực cần có trong chương trình giáo dục phổ thông mới mà học sinh cần hướng tới vàcông nghệ 4.0 đã giúp các em điều này.

Đại dịch Covid-19 cũng khiến việc học tập và phát triển chuyên môn của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn,là cách tiếp cận với tri thức an toàn nhất. Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng học sinh có thể phát triển phẩm chất, năng lực thông qua việc học trực tuyến.

Việt Nam trong thời gian qua có bước chuyển đổi số vô cùng tuyệt vời. Chúng ta được nhìn thấy hình ảnh học sinh ở vùng cao bắt sóng học bài. Như ở Phú Thọ quê tôi có những em học sinh phải đi bộ đến 20 cây số leo lên đỉnh núi mới có sóng điện thoại để học bài. Câu chuyện của bạn học sinh đó cũng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều học sinh cả nước.

Nhưng học online cũng có những hạn chế chứ phải không cô? Ví dụ tôi có con đang học cấp 1. Cháu học tiếng Anh online nhưng tôi thấy học online cũng không thể thay được một người thầy bằng xương bằng thịt bên cạnh. Hay chính như cô vừa nói, có học sinh ở Phú Thọ phải đi bộ 20 cây số mới có sóng điện thoại để học bài, không phải vùng nông thôn nào cũng đủ điều kiện để học trực tuyến về cả cơ sở hạ tầng của địa phương lẫn điều kiện kinh tế của các gia đình. Cô nghĩ thế nào?

- Về mặt tiêu cực của học trực tuyến chúng ta không thể phủ nhận được rằng nó ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của các em học sinh. Những môn học cần thí nghiệm như Hóa học, Vật lý và các môn cần trải nghiệm thực tế cũng bị ảnh hưởng đến chất lượng; Công tác kiểm tra đánh giá cũng có phần khó khăn hơn. Còn với thầy cô cũng tốn nhiều công sức, ngay cả bản thân tôi cũng vậy, khi soạn giáo án để dạy online sẽ mất thời gian hơn rất nhiều so với giáo án truyền thống. 

Chúng ta không thể phủ nhận học sinh vào lớp 1 phải ở nhà với bố mẹ, học online với thầy cô vô cùng khó khăn. Các em đang còn hồn nhiên, thích được hoạt động sôi nổi để lĩnh hội tri thức thì giờ lại phải ngồi trước máy tính.Tôi nghĩđây không phải là thách thức của riêng học sinh Việt Nam mà có rất nhiều học sinh trên thế giới gặp phải. 

Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Tôi đang đi đúng đường và thật sự không cô đơn… - Ảnh 6.

Những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 có làm thay đổi vai trò của nghề giáo không thưa cô? Có những vai trò gì của người thầy vẫn là bất biến, không thay đổi?

- Có thể thấy giáo dục truyền thống và giáo dục 4.0 sẽ có những điểm khác nhau. Đôi lúc tôi vẫn thường hay nói đùa là tôi không chỉ là cô giáo mà là người bạn, người chị, người mẹ, bác sĩ tâm lý, đôi lúc là đạo diễn phải lường trước kịch bản để ứng phó. Bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 cũng đòi hỏi người thầy trau dồi rất nhiều ở các vai trò khác nhau mà người ta thường nói "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý".

Có những lúc tôi không trả lời được câu hỏi của học sinh và tôi phải tìm hiểu học hỏi hơn rất nhiều. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, học sinh dễ dàng học hỏi từ các trang mạng và các giáo viên giỏi khác. Thế nên tôi phải làm sao để bài học của mình có thể tạo dấu ấn riêng cũng như giúp các bạn có niềm tin vào chính người đang dạy. Đó là khó khăn, thách thức và cũng là cơ hội để phát triển bản thân của bất cứ thầy cô giáo nào.

Mọi người rất nể phục khi cô đã khéo léo kết nối các em học sinh người Mường ở trường Hương Cần vốn rất nhút nhát, chưa bao giờ ra khỏi làng mình với các bạn học sinh ở Brazil, Ấn Độ, Hà Lan… Ý tưởng "lớp học xuyên biên giới" đã đến với cô như thế nào?

- Phần lớn học sinh trường THPT Hương Cần là người dân tộc thiểu số và các em chưa có môi trường học tập ngoại ngữ tốt trong khi "Anh ngữ là sinh ngữ" tức là tiếng Anh cần có môi trường để nó phát triển.Vì vậy tôi nghĩ cần phải tạo ra môi trường học tập tích cực cho các em học sinh bằng cách kết nối với các lớp học trên thế giới.Các em không chỉ học Tiếng Anh, phát triển các kỹ năng giao tiếp mà còn trở nên tự tin, phát triển các năng lực, phẩm chất khi làm việc với các bạn học sinh nước ngoài, hướng tới việc trở thành những công dân toàn cầu và giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu.

Lúc đầu bạn thân cười tôi và bảo "Chắc chắn đi trên con đường này cậu rất cô đơn đấy. Thay vì hướng tới những năng lực, phẩm chất thì hãy chú ý vào dạy ngữ pháp để tăng điểm thi tốt nghiệp đi…". Nhưng khi nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông mới về mục tiêu "toàn diện" mà mình đang hướng tới thì đây là hoàn toàn "đúng đường", tôi thật sự không cô đơn...Cảm xúc của tôi được thăng hoa khi nhìn thấy học trò tự tin thuyết trình bằng tiếng Anh về văn hóa Mường, dạy tiếng Mường cho giáo viên nước ngoài, cùng thực hiện các dự án trong SGK, nhắn tin trao đổi với các bạn nước ngoài về đời sống hàng ngày...Hiện tại tôi vẫn đang tích cực chia sẻ mô hình "lớp học xuyên biên giới" tới các thầy cô giáo trên cả nước. Tôi hiểu rằng tôi đang góp phần xây dựng cộng đồng học tập văn minh.

Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Tôi đang đi đúng đường và thật sự không cô đơn… - Ảnh 7.

Một trong những quan niệm của cô là giáo dục học trò trở thành những công dân toàn cầu. Nghĩa là có ngoại ngữ tốt, cùng nắm bắt và giải quyết những vấn đề chung của Trái đất như Chống đói nghèo, Công bằng xã hội, Bảo vệ môi trường… Việc trở thành "công dân toàn cầu" có ý nghĩa như thế nào với học sinh hiện nay thưa cô?

- Khái niệm "công dân toàn cầu" không chỉ đề cập đến những người sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới mà còn chỉ những người có vốn văn hóa đa dạng, kiến thức nền tảng, lối sống, văn hóa của nhiều nước trên thế giới.

Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Tôi đang đi đúng đường và thật sự không cô đơn… - Ảnh 8.

Tôi vẫn nhớ câu nói của nhà bác học Anhxtanh: "Chủ nghĩa vùng miền là căn bệnh ấu trĩ và nó giống như bệnh sởi của nhân loại".

Vì vậy công dân toàn cầu là điều chúng ta hướng tới cho các em học sinh bởi có nhiều lợi ích. Các em có cơ hội tiếp xúc tìm hiểu với nhiều nền văn hóa đa dạng trên thế giới và cũng là cơ hội để các em làm việc tại các công ty tiên tiến, công ty đa quốc gia, mang lại cho các em nguồn thu nhập cao, cải thiện cuộc sống của bản thân.

Và khi các em giải quyết các vấn đề toàn cầu thì việc sinh sống trong môi trường xanh sạch đẹp, nâng cao chất lượng đời sống, nâng cao chỉ số hạnh phúc là vấn đề trong tầm tay. Ngoài ra các em còn có cơ hội di chuyển hay du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhưng là "công dân toàn cầu" thì vẫn không được đánh mất chính mình đúng không thưa cô, phải giữ gìn bản sắc văn hóa chẳng hạn. Có phải vì thế mà khi giao lưu với các bạn học sinh nước ngoài, cô vẫn cho học sinh của mình mặc áo tứ thân và hát xoan?...

- Vâng đúng rồi. Quan điểm của tôi là "hòa nhập nhưng không hòa tan". Trong quá trình học tập, trao đổi văn hóa với các bạn trên thế giới, tôi dạy các em tiếp thu tinh hoa những điều tốt đẹp của nước bạn nhưng không được quên bản sắc văn hóa của quê hương mình.

Tôi sinh ra là người dân tộc Mườngở Phú Thọ nên trong những tiết học của mình, bên cạnh những giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam, tôi thường lồng ghép những nội dung mang tính giáo dục địa phương ví dụ như hát xoan, lễ hội đền Hùng haytín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương… để cho các em luôn cảm thấy tự hào và trách nhiệm bảo vệ, lan tỏa bản sắc văn hóa quê hương với các bạn trên thế giới.

Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Tôi đang đi đúng đường và thật sự không cô đơn… - Ảnh 9.

Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Tôi đang đi đúng đường và thật sự không cô đơn… - Ảnh 10.

Bây giờ trở thành một giáo viên nổi tiếng rồi cô có nghĩ rằng đến một lúc nào đó khi có cơ hội tốt, cô sẽ rời bỏ ngôi trường Hương Cần để đến một nơi tốt hơn?

- Bản thân tôi sau khi được ghi nhận top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu của Quỹ Varkey, đối tác của UNESCO vào tháng 3/2020 cũng đã có nhiều tổ chức, tập đoàn gửi lời mời hấp dẫnvề những nơi phát triển hơn quê hương tôi để làm việc. Lúc đó tôi chỉ nghĩ, lý do mình trở về quê thế nào cách đây 5 năm thì vẫn là lý do để mình tiếp tục. Hiện tại tôi chưa có ý định thay đổi môi trường làm việc.

Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Tôi đang đi đúng đường và thật sự không cô đơn… - Ảnh 11.

Quan niệm truyền thống của dân tộc ta là "tôn sư trọng đạo", "không thầy đố mày làm nên". Thầy thuốc và thầy giáo là hai nghề cao quy nhất, được toàn xã hội tôn trọng. Gia đình cô có ai theo nghề giáo không? Vì sao cô lại chọn nghề giáo?

- Trong gia đình tôi không ai làm nghề giáo. Mẹ tôi là thầy thuốc chứ không phải thầy giáo. Tôi không biết tôi thích nghề giáo từ lúc nào, chỉ nhớ rằng hồi nhỏ tôi rất thích cảm giác đứng trên bục giảng và cầm phấn để viết bảng. Có lẽ là do nhà tôi đối diện với trường tiểu học nên mỗi lần đến lớp được nhìn các thầy cô, tôi cảm giác rất "oách". Sau này tôi mới hiểu cái "oách" chỉ là cảm xúc của một đứa trẻ thôi, giáo dục còn tuyệt vời hơn thế khi có thể thay đổi được nhiều số phận.

Thậm chí bố tôi cảm thấy con gái thích làm cô giáo quá đã đi lên rừng lấy gỗ mít về đóng thành chiếc bảng con để tôi học làm cô giáo.

Thế nhưng việc muốn trở thành giáo viên chỉ thực sự nghiêm túc khi tôi học lớp 6 ở trường nội trú, được học với một cô giáo rất đặc biệt. Lúc đó tôi mới thực sự có ước mơ trở thành cô giáo dạy tiếng Anh và có ý thức nghiêm túc thi vào khoa Tiếng Anh của một trường đại học lớn. Tôi nghĩ nhà giáo mang lại nhiều giá trị mà tiền bạc nhiều khi không thể mua được.

Đại đa số thầy cô giáo của chúng ta rất tốt nhưng không phủ nhận trong ngành giáo dục vẫn có "những con sâu làm rầu nồi canh". Đáng buồn là những tiêu cực trong giáo dục vẫn còn không hiếm (chuyện chạy điểm, mua điểm, bệnh thành tích, quay cóp trong thi cử…). Là một giáo viên, cô có quan điểm như thế nào về những tiêu cực vẫn tồn tại trong giáo dục? Lỗi thuộc về ai? Chỉ mình người thầy có lỗi hay cả xã hội có lỗi?

- Tôi nghĩ rằng trong bất cứ một vấn đề gì thì lỗi không nằm ở riêng phía người thầy mà còn có sự tác động của nhiều yếu tố khác. Tôi luôn nhìn nhận vấn đề ở 2 khía cạnh và tùy theo vấn đề nhức nhối đó đang nằm ở mức độ thế nào thì mới đưa ra được quan điểm của mình.

Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Tôi đang đi đúng đường và thật sự không cô đơn… - Ảnh 12.

Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Tôi đang đi đúng đường và thật sự không cô đơn… - Ảnh 13.

Quan điểm của cô thế nào về chuyện dạy thêm, học thêm trong giáo dục? Là "giáo viên toàn cầu", bản thân cô Phượng có phải dạy thêm không?

- Tôi không phủ nhận vai trò của việc dạy thêm và học thêm. Vì có dạy thêm học thêm thì chất lượng các em học sinh được cải thiện hơn, củng cố nội dung và phát triển kiến thức, kỹ năng của mình hơn. Nhưng vấn đề dạy thêm, học thêm như thế nào mới là câu hỏi đặt ra. Dạy thêm, học thêm không chỉ đơn thuần là học thêm, học lại kiến thức trong sách giáo khoa.Thực tế có nhiều người khiến việc dạy thêm học thêm bị biến tướng và làm cho từ này trở thành nhạy cảm đối với giáo viên và học sinh.

Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Tôi đang đi đúng đường và thật sự không cô đơn… - Ảnh 14.

Hiện tại tôi đang rất bận rộn nên không dạy thêm. Nhưng tôi vẫn có những tiết học dạy các em học sinh mang tính chất phụ đạo, giúp các em lĩnh hội thêm tri thức và tôi dạy hoàn toàn miễn phí.

Kênh Youtube Phượng Chick English dạy tiếng Anh của cô dạo này phát triển có tốt không?

- Hiện tại kênh Youtube của tôi vẫn hoạt động bình thường. Kênh có điểm mới là ngoài việc chia sẻ hoạt động cho giáo viên về phần mềm, dạy tiếng Anh phổ thông thì gần đây có dạy thêm tiếng Anh cho lứa tuổi mầm non và tiểu học.

Tại sao cô lại có nick trên mạng là Phượng Chick English?

- Lúc mới sinh ra tôi rất bé vì nặng chưa được 2,5kg. Vì vậy mẹ tôi gọi tôi là "chích" theo tên của con chim chích. Sau này khi dạy thêm tiếng Anh tôi muốn thay đổi một chút nên chuyển "chích" bằng "chick".

Mong ước lớn nhất của cô cho năm học mới là gì? Mong ước lớn nhất của cô về nền giáo dục Việt Nam?

- Điều tôi mong ước trong năm học mới là thầy cô giáo, học sinh có thể an toàn, mạnh khỏe trong đại dịch Covid-19 và sẽ cùng nhau chinh phục tri thức. Tôi tin rằng năm nay các thầy cô và học sinh đã có kinh nghiệm hơn rất nhiều để làm sao tăng hiệu quả thực sự của việc học, đặc biệt là những nơi đang phải học trực tuyến.

Trường của chúng tôi vẫn đang ở vùng xanh và có thể học trực tiếp. Tôi mong thầy cô giáo, phụ huynh và các nhà quản lý giáo dục cả nước hãy cố gắng để việc học của học sinh đạt hiệu quả tối đa.

Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Tôi đang đi đúng đường và thật sự không cô đơn… - Ảnh 15.

Một năm qua, kể từ khi trở thành "giáo viên toàn cầu", cuộc sống của cô có sự thay đổi khác biệt như thế nào?

- Sau khi được ghi nhận top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu thì cuộc sống của tôi có chút xáo trộn, nhiều lúc tôi cảm thấy hơi ngợp. Tuy nhiên đó chỉ là thời gian đầu, mọi thứ trôi qua nhanh và tôi đã thích ứng được với nó.

Nói về giải thưởng thì cô "sở hữu" quá nhiều danh hiệu. Danh hiệu nào khiến cô tự hào và ấn tượng nhất?

- Năm 2020 tôi được ghi nhận nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Đối với tôi, danh hiệu mà tôi tự hào nhất là được công nhận là 1 trong 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu. Khi đạo diễn nổi tiếng người Anh Stephen Fry xướng tên "Hà Ánh Phượng - Việt Nam", hai chữ "Việt Nam" được đọc rất to và dài khiến tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã viết trong bức thư chúc mừng, đây không phải là niềm vui của riêng tôi mà còn là niềm tự hào của giáo dục Việt Nam. Kể từ khi giải thưởng được thành lập thì tôi là người Việt Nam đầu tiên vào TOP 10.Trong thời gian đó tôi cũng nhận được nhiều lời chúc mừng như trợ lý tổng thư ký UNESCO, các ca sĩ nổi tiếng, bạn bè trên thế giới chúc mừng cùng các cơ quan chức năng, tôi được nhắc đến nhiều trong các đề thi thử tốt nghiệp của nhiều trường và các em học sinh cùng các câu truyện truyền cảm hứng. Đây là những động lực vô cùng lớn lao để tôi cố gắng nhiều hơn nữa.

Vào tháng 6 vừa qua, cô đã trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV. Trên diễn đàn Quốc hội, cô có dám nói thẳng những vấn đề đầy tính động chạm của giáo dục khi mọi phát ngôn của giáo viên thường có sự an toàn nhất định?

- Tôi không ngại động chạm đến những vấn đề nóng của giáo dục. Bản thân tôi là giáo viên và những điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến tôi hàng ngày.Tôi cũng biết rằng mình là người đại diện cho rất nhiều cử tri trong đó có nhiều thầy cô giáo, các em học sinh và các bậc phụ huynh trong cả nước. Họ là những người trao gửi niềm tin ở tôi. Hiện tại tôi cũng đang cùng học sinh thực hiện nhiều dự án với các chủ đề nóng như "Phòng chống bạo lực trên không gian mạng" hay "Bạo lực học đường"…Vì vậy không có lý do gì để tôi lại lảng tránh những vấn đề nóng của giáo dục. 

Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Tôi đang đi đúng đường và thật sự không cô đơn… - Ảnh 16.

Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Tôi đang đi đúng đường và thật sự không cô đơn… - Ảnh 17.

Cô có nhiều sáng kiến trong việc dạy và học, điều cô tự hào nhất về mình là gì?

- Trong suốt quãng thời gian dạy học của mình, tôi đã có nhiều sáng kiến như dạy học qua phim, dạy học qua âm nhạc, mô hình lớp học xuyên biên giới hay là những dự án gắn liền với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Điều mà tôi tự hào nhất là cô trò chúng tôi phá được rào cản giới hạn trong 4 bức tường, lớp học của tôi đã vượt qua được lũy tre làng, qua những đồi chè quê hương Phú Thọ để đến các quốc gia trên thế giới. Cô trò chúng tôi không chỉ phát triển ngoại ngữ, năng lực phẩm chất cần thiết của thế kỷ 21 mà còn có sự tự tin, niềm đam mê môn tiếng Anh và hiểu biết thêm văn hóa. Cô trò chúng tôi đã "du lịch không visa" qua 51 quốc gia kể từ ngày tôi bắt đầu về Trường THPT Hương Cần.

Một cô giáo nhiều danh hiệu, không ngại sáng tạo, dám nghĩ dám hành động… chắc hẳn cũng có điểm yếu nào đó?

- Điểm yếu rất dễ nhìn thấy đó là tôi rất mủi lòng trước học sinh. Có lẽ vì thế mà có những lần tôi đưa ra những quy định nghiêm ngặt với các em học sinh nhưng cuối cùng bị các em thuyết phục trong một vài trường hợp. Đôi lúc thì tôi cũng thiên về cảm xúc, cả nể. Tôi nghĩ rằng mình cũng cần phải cân bằng và trau dồi hơn nữa trong thời gian tới.

Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Tôi đang đi đúng đường và thật sự không cô đơn… - Ảnh 18.

Là một trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2020, cô nhận xét gì về một số khuynh hướng sống hiện nay, như xu hướng "tang ping" - nằm thẳng cẳng và mặc kệ đời vì cạn kiệt hy vọng, vì chán chiến đấu của giới trẻ Á Đông. Thậm chí hội chứng "hang động", hội chứng "điện thoại ma"...để nói đến những giới trẻ lười biếng và mệt mỏi…?

Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Tôi đang đi đúng đường và thật sự không cô đơn… - Ảnh 19.

- Tôi nghĩ rằng đây cũng là những xu hướng diễn ra bình thường của giới trẻ. Tuy nhiên nó chỉ nằm ở một số bộ phận nhất định, không phải bạn trẻ nào cũng như thế. Hàng ngày chúng ta được nghe rất nhiều những câu chuyện truyền cảm hứng từ các bạn trẻ ở Việt Nam và trên thế giới, những người ham học hỏi, sáng tạo. Một cách lạc quan mà nói, ở thời nào cũng vậy, những xu hướng thiếu tích cực chỉ tồn tại ở một mức độ và thời điểm nhất định rồi nhanh chóng mất dần đi. Có thể nó sẽ quay trở lại ở những đặc điểm khác nhưng tôi có niềm tin lạc quan vào thế hệ trẻ.

Dự án cô đang thực hiện là gì?

- Ngoài việc dạy trên lớp tôi đang cùng các em học sinh thực hiện 2 dự án lớn. Dự án đầu tiên được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Cô trò chúng tôi làm dự án dài hạn về tâm lý học đường vì chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của học sinh trong bối cảnh hiện tại có nhiều vấn đề liên quan đến tâm lý, căng thẳng thi cử, bạo lực học đường hay là vấn đề bắt nạt trên không gian mạng, tình yêu học đường…

Dự án thứ 2 liên quan đến bạo lực trên không gian mạng, nhằmnâng cao được nhận thức của các em học sinh trong việc sử dụng mạng internet, tránh bị bắt nạt. Sắp tới Đại sứ quán Thái Lan có tài trợ cho chúng tôi và kết nối với đội ngũ chuyên gia của Thái Lan và học sinh ở Thái Lan.

Về giải thưởng, như đã nói năm 2020 tôi được nhận giải top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu. Sau 1 năm tôi cũng đạt thêm được các danh hiệu và giải thưởng khác như là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu,tháng 6tôi trở thành Đại biểu Quốc Hội, cũng trong tháng 6 tôi đã được công bố là 1 trong 11 giáo viên xuất sắc đạt Giải thưởng Công chúa Thái Lan.

Đây là giải thưởng cao quý và xét nghiêm ngặt do chỉ có một giáo viên duy nhất được Bộ GD-ĐT đề cử. Tôi rất tự hào cũng như là động lực để tôi cố gắng nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Tôi đang đi đúng đường và thật sự không cô đơn… - Ảnh 20.

Giành được nhiều giải thưởng nghĩa là trọng trách cũng lớn hơn, có lúc nào cô cảm thấy mệt mỏi do gánh quá nhiều trách nhiệm của các danh hiệu?

- Tôi là tuýp người luôn muốn biến thách thức thành cơ hội. Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội chứ không phải thách thức. Bản thân tôi đã trải qua giai đoạn khó khăn trong cuộc đời. Tôi muốn kể với Dân Việt câu chuyện lần đầu tôi tiết lộ với truyền thông:  Khi tôi sinh con đầu lòng, con tôi sinh non nên 2 năm trời tôi gắn liền với bệnh viện, đi lại như con thoi giữa Hà Nội và Phú Thọ. Con có vấn đề về rối loạn giấc ngủ, một đêm thường thức giấc trên 20 lần nên tôiluôn trong trạng thái thèm ngủ và có thể ngủ bất cứ lúc nào. Thậm chí nhiều lúc tôi cảm thấy tuyệt vọng. Tôi nhớ hôm trước khi thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh,tôi đã phải thức trắng đêm, đồng nghiệp của tôi còn phải đi tìm áo dài cho tôi mặc để vào thi.

Lúc ấy, có người hỏi tôi tại sao em vất vả vậy mà trong người em vẫn tràn đầy năng lượng khi tới lớp. Đơn giản chỉ vì tôi có thể tách bạch giữa việc ở nhà và ở trường. Tôi có thể đang bực với con nhưng khi quay trở lại việc dạy học tôi lại tươi cười bình thường. Điều quan trọng nhất là tôi nhận được hỗ trợ đắc lực từ hậu phương và BGH nhà trường cùng đồng nghiệp cũng giúp đỡ tôi rất nhiều.Nghĩ đến những khó khăn trước đây đã trải qua khiến tôi trở thành người mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh đó, tôi sinh ra và lớn lên là người dân tộc, thời đi học rất khó khăn. Tôi học trường dân tộc miền núi cũng giống như mô hình quân đội, chúng tôi được chia phòng và 5h30 dậy tập thể dục, gấp chăn vuông vắn như người lính. Tôi nghĩ đó cũng là điều tạo nên con người tôi ngày hôm nay.

Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Tôi đang đi đúng đường và thật sự không cô đơn… - Ảnh 21.

Con trai cô giáo Hà Ánh Phượng tuy còn nhỏ nhưng đã nói tiếng Anh như gió và khá chững chạc tự tin. Là 1 người mẹ và cũng là cô giáo, cách cô dạy con theo quan điểm như thế nào?

- Quan điểm dạy con của tôi là luôn tạo cơ hội cho con phát triển năng lực và điểm mạnh của mình. Tôi không có ý định dạy con theo cách phải trở thành "thiên tài". Đơn giản tôi hiểu được tầm quan trọng của tiếng Anh nên cần học tiếng Anh càng sớm càng tốt. Tôi luôn biến mọi khoảnh khắc hàng ngày như khi ăn cơm, đi tắm, ra vườn chơi để con tiếp cận tiếng Anh thật tự nhiên chứ không ép con học…

Nhiều lúc mọi người bảo tôi nuôi con "hơi hoang dại" như cho con đi ra chuồng gà, chuồng lợn pha cám hay ra ngoài đồng chơi với ông, với bà kể cả trời nắng mưa. Nhưng tôi luôn trân trọng những khoảnh khắc ấy và muốn con mình được gần gũi với thiên nhiên nhất.

Tuy nhiên, khi con không thích điều gì tôi sẵn sàng ngừng luôn hoặc con tôi chỉ thích hát nhạc dành cho người trung tuổi, nhạc trữ tình tôi cũng không cấm cản. Nếu con thích thì cứ để phát triển tự nhiên và con cảm thấy hạnh phúc là được. Thế nhưng lúc cần sự kỷ luật thì tôi vẫn "thiết quân luật" với con.

Xin cảm ơn cô. Chúc cô và các học trò của mình một năm học mới nhiều may mắn!

Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Tôi đang đi đúng đường và thật sự không cô đơn… - Ảnh 22.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem