Dân Việt

Mở cửa kinh tế TP.HCM: Doanh nghiệp cũng kiệt sức

Quốc Hải 07/09/2021 15:52 GMT+7
“Kiệt sức rồi, không thể chịu đựng thêm được nữa. Hầu hết các doanh nghiệp hiện coi như đã chết lâm sàng. Không phải do sức doanh nghiệp kém mà môi trường hiện nay là môi trường bất động…”

Lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) dệt may tại TP.HCM đã buông lời than thở như thế khi chúng tôi đặt câu hỏi: Doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị gì khi TP.HCM "mở cửa" kinh tế trở lại?.

Theo vị này, với những DN còn cầm cự được, điều quan trọng lúc này là TP.HCM phải xác định rõ tiêu chí để sẵn sàng mở cửa và mở như thế nào, không thể cứ như "người mù đi đêm" mãi được...

Doanh nghiệp kiệt sức, còn bị… "ăn hành"

Theo chia sẻ của vị này, lúc đầu DN chỉ nghĩ các biện pháp giãn cách cũng sẽ chỉ kéo dài khoảng nửa tháng nên cũng nói khó để xin trì hoãn với đối tác. Do yếu tố khách quan là dịch bệnh, họ đồng ý, nhưng đến nay đã trễ hẹn quá lâu rồi. Theo vị này, điều lo lắng nhất với DN lúc này không phải hết tiền mà là mất đơn hàng.

"Nếu bảo cầm cự, chắc chúng tôi có thể cầm cự thêm được khoảng 1 - 2 tháng nữa nhưng chỉ sợ đến lúc đó, các đơn hàng của DN chắc mất hết rồi", vị này nói.

Cũng theo ông này, thông thường DN phải mất từ 5-6 năm để gầy dựng mối quan hệ với các đối tác lớn. Giờ chỉ đành ngồi nhìn họ bỏ mình, mà cũng chẳng trách được vì làm ăn, sao có thể chờ đợi quá lâu. Tiền hết có thể đi vay mượn, có thể cầm cố, bán tài sản chứ khách hàng mất thì coi như xong…

“Mở cửa” kinh tế TP.HCM:  Doanh nghiệp cũng “kiệt sức” - Ảnh 1.

Công nhân Công ty Công nghệ Môi trường WEPAR (Q.Tân Phú, TP.HCM) trong giờ làm việc. Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), thông tin, chỉ tính riêng tại TP.HCM từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng có 1.800 DN rời thị trường, tăng 18,99% so với cùng kỳ.

Cũng theo khảo sát nhanh của HUBA trên 100 DN bằng hình thức online, trên 84% DN nhỏ và vừa gặp khó khăn do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 này. Trong đó thiếu vốn kinh doanh chiếm 40%; thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%; phải cắt giảm lao động chiếm 52%; bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%; bị cản trở hoạt động kinh doanh do cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%...

Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cũng cho hay, cái lo lắng nhất của DN hiện nay là thiếu hụt lao động khi thành phố mở cửa kinh tế trở lại. Theo vị này, khi DN triển khai "3 tại chỗ" thì có khoảng 20% lao động bỏ việc. Đến khi thành phố triển khai nhiều lần siết chặt giãn cách thì lực lượng lao động của công ty bỏ về quê thêm 20% nữa. Và đến hôm nay khi tình hình dịch căng thẳng thêm nữa thì một số lao động lại bỏ làm.

"Tính đến nay, có khoảng 50% lao động bỏ việc, thành ra công suất lao động của DN rất thấp, chỉ đạt 60-70% công suất", ông Thiện nói.

Cũng theo vị giám đốc này, ngoài lao động thì nguồn cung ứng vật tư, nguyên vật liệu cũng bị đứt gãy. Ví dụ cụ thể là hàng trứng gia cầm của công ty đang thiếu hộp nhựa đựng, các đơn vị sản xuất loại vỉ này không đáp ứng điều kiện "3 tại chỗ" nên họ ngưng sản xuất. Phía DN có dự trữ để sử dụng trong 1-2 tháng nhưng do giãn cách quá lâu nên các sản phẩm này cũng đã cạn.

"Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, chúng tôi phải mua sản phẩm hộp nhựa này từ các đơn vị khác nhưng rất khó mua và giá rất cao", ông Thiện nói thêm.

“Mở cửa” kinh tế TP.HCM:  Doanh nghiệp cũng “kiệt sức” - Ảnh 3.

Sản xuất tại công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt. Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp

Chưa kể, các sản phẩm của Vĩnh Thành Đạt chủ yếu cung cấp cho các siêu thị nhưng hiện nay các siêu thị do thiếu người làm nên việc thanh toán khá chậm.

"Cần Nhà nước có chính sách hỗ trợ người lao động nghỉ việc trong thời gian qua, làm sao để xúc tiến nhanh hồ sơ và sớm giải ngân chứ nếu các chính sách hỗ trợ mà chỉ nằm trên giấy thì không ăn thua.

Đặc biệt, phải nhớ rằng một miếng khi đói bằng một gói khi no. Vì thế, gói chính sách này cần được hỗ trợ sớm chứ nếu để nửa năm nữa mới giải ngân thì chẳng còn ý nghĩa"

Ông Phạm Quang Anh, Tổng Giám đốc Công ty May mặc Dony...

Ở một khía cạnh khác, ông Trương Chí Thiện, cũng cho hay, điều mà DN muốn được hỗ trợ lúc này là các chính sách từ trên đưa xuống phải được thực hiện đồng bộ. Ví dụ, trong lưu thông hàng hóa đến thời điểm này vẫn còn vướng mắc, như xe giao hàng trong thành phố, có luồng xanh mà vẫn bị phạt vì lý do thiếu giấy xét nghiệm âm tính.

"Xe chở hàng của chúng tôi, thời gian qua dù chạy trong nội thành phố nhưng liên tục bị khó khăn vì giấy xét nghiệm. Hôm 3/9, ở huyện Củ Chi, vì bị hành dữ quá nên tôi cho anh em tài xế chịu lập biên bản luôn. Ngày 4/9 anh em tài xế lên nộp phạt 2 triệu để lấy giấy tờ. Đáng buồn là họ lập biên bản với lý do rất buồn cười là 'xe đi ra ngoài không có lý do chính đáng (chở trứng gà)". Xe chở trứng gà đi giao các siêu thị, có luồng xanh mà vẫn bị phạt vì lý do không chính đáng", ông Thiện bức xúc.

"Nếu mà chính sách không thực hiện đồng bộ thì DN chỉ có chết thôi. Trong khi DN đang gặp khó khăn tứ phía mà gặp thêm những tình huống làm khó nhau, làm luật nữa thì DN cũng chẳng có động lực để phục hồi và phát triển", ông Thiện nói.

DN chờ mong gì ở việc mở cửa kinh tế?

Ông Phạm Quang Anh, Tổng Giám đốc Công ty May mặc Dony, cho biết, thực thế thời gian qua, các DN dù hoạt động "3 tại chỗ" nhưng việc chậm trễ trong chuỗi cung ứng, đứt gãy chuỗi cung ứng đã xảy ra rồi. Thế nên, khi thành phố mở cửa trở lại, cho dù có bao nhiêu khó khăn đi chăng nữa thì vẫn thuận lợi hơn rất nhiều so với lúc này. Cho nên, với các DN thì lúc này được mở cửa là rất vui mừng chứ không lo lắng nhiều.

"Cho dù có tệ thế nào thì cũng không thể tệ hơn lúc này nữa rồi", ông Quang Anh nói.

“Mở cửa” kinh tế TP.HCM:  Doanh nghiệp cũng “kiệt sức” - Ảnh 5.

Các DN mong được nới lỏng giãn cách để lao động có thể đến xí nghiệp làm việc. Ảnh: Quốc Hải

Cũng theo ông Quang Anh, về mặt nội bộ như quản trị nhân sự, hàng tuần công ty vẫn hay điểm danh toàn bộ nhân viên về tình trạng sức khỏe, về vị trí, về việc sẵn sàng quay trở lại làm việc… thì hơn 95% nhân sự sẵn sàng quay trở lại làm việc. Chỉ có một số nhân sự là F0 hoặc F1 thì không trở lại, chứ không có tình trạng lao động bỏ về quê.

Tuy nhiên, lo lắng của DN này là thành phố trước khi mở cửa, hãy thông báo một lộ trình, một yêu cầu mở cửa một cách rõ ràng để DN kịp chuẩn bị.

"Theo tôi thì thứ nhất, thành phố phải thông báo một kế hoạch, một lộ trình mở cửa càng sớm càng tốt để DN kịp chuẩn bị không chỉ về lộ trình nội bộ mà còn liên lạc với đối tác, khách hàng để sẵn sàng các kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Thứ hai, các điều kiện đi kèm phải nói rõ, phải chi tiết chứ không thể nói chung chung giống như vụ '4 xanh' ban chỉ đạo thì nói một đường, đến khi xuống quận, xuống phường thì DN lại nghe trả lời chưa có thông tin, không biết gì, cuối cùng DN không được triển khai", ông Quang Anh nói thêm.

Là một trong những DN thực hiện "3 tại chỗ" trong thời gian đầu tiên, Công ty 3D Hub Global (Q.Tân Bình) tìm mọi cách để bảo vệ "vùng xanh" trong nhà máy. Cụ thể, tổ chức bếp ăn ngoài trời để hạn chế tiếp xúc; xét nghiệm công nhân viên hàng tuần; không cho công nhân rời nhà máy kể cả những ngày lễ…

"Sau giãn cách, khi sản xuất trở lại, việc khó khăn nhất là giảm tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh giữa công nhân ở nhà máy trong điều kiện không áp dụng "3 tại chỗ". Để giải quyết vấn đề này, công ty sẽ siết chặt các biện pháp 5K và xét nghiệm thường xuyên hơn", bà Lý Thanh Phong, Giám đốc Công ty 3D Hub Global cho biết.

Giám đốc Công ty 3D Hub Global hy vọng được Nhà nước hỗ trợ chi phí làm xét nghiệm hoặc hỗ trợ thêm bởi đây là một khoản chi khá lớn nếu xét nghiệm thường xuyên. Bên cạnh đó, bà Phong cũng hy vọng DN sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc vận chuyển hàng hóa…

Với Công ty Công nghệ Môi trường WEPAR (Q.Tân Phú, TP.HCM), vấn đề thiếu hụt nhân sự của DN là một trong những khó khăn lớn nhất khi hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách.

Bà Nguyễn Thị Xuân Mãi, Giám đốc WEPAR cho hay: "Thời gian qua lực lượng nhân sự một phần đã về quê dẫn đến khó tuyển dụng lao động trong thời gian tới. Vì vậy, để giữ chân lao động, thời gian qua, lãnh đạo DN luôn quan tâm, thăm hỏi sức khỏe của từng nhân viên. Họ đang gặp khó khăn gì tôi hỗ trợ kịp thời.".

"Công ty trả một mức lương cơ bản trong thời gian lao động không làm việc vì dịch bệnh để san sẻ bớt một phần chi phí với nhân viên. Những nhân viên có con nhỏ, có thai sẽ được phụ cấp một khoản chi phí nhỏ hàng tháng để họ có động lực vượt qua mùa dịch bệnh và bớt áp lực về kinh tế khi không đi làm. Mặt khác, tiến hành đăng kí danh sách để 100% nhân viên được chích ngừa đầy đủ, công ty trang bị khẩu trang, đồ bảo hộ ý tế kĩ càng cho nhân viên khi tham gia công tác lắp đặt máy lọc nước. Tất cả những giải pháp này nhằm để giữ chân lao động, sẵn sàng khởi động lại ngay sau dịch", bà Mãi nói thêm.

Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, trong tháng 8, chỉ số sản xuất tháng 8 so với cùng kỳ năm trước tại nhiều địa phương giảm mạnh, đặc biệt tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam.

Cụ thể, mức giảm cao nhất là tỉnh Bến Tre giảm 60,1%; Đồng Tháp giảm 59,1%; Vĩnh Long giảm 41,5%; Tây Ninh giảm 36,9%; Sóc Trăng giảm 31,4%; Hậu Giang giảm 29,5%; Tiền Giang giảm 27%; Cần Thơ giảm 25,9%; Kiên Giang giảm 25,6%; Long An giảm 20,9%; An Giang giảm 15,5%; Đồng Nai giảm 13,3%; Bình Dương giảm 12,6%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 3,7%.

Riêng với TP.HCM - "đầu tàu" kinh tế của cả nước thì chỉ số sản xuất trong tháng 8 giảm 49,2% so với cùng kỳ.