Xét về lịch sử du đãng Sài Gòn – Chợ Lớn, phải nói là từng có thời kỳ trăm hoa đua nở, lại vòng vo, quanh co, phức tạp. Có lúc phân tán khắp nơi, mạnh ai nấy cát cứ theo kiểu "Đông Chu liệt quốc".
Có lúc gom lại được một vài băng nhóm mạnh theo kiểu tình thế "Chiến Quốc thất hùng". Lại có lúc giang sơn chia đôi như thời "Hán giới Sở hà". Và cuối cùng là "thiên thu vạn đại, nhất thống giang hồ".
Vào thế kỷ 19, tức lâu lắm rồi, những băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen thường do người Hoa chi phối. Họ là hậu thân của những hội kín như Thiên địa hội, Hồng hoa hội... có tiêu chí mục đích ban đầu là "phản Thanh phục Minh" bên chính quốc, sau lan tỏa ra hải ngoại. Ở Việt Nam dần dà biến tướng trở thành một dạng xã hội đen.
Vào đầu thế kỷ 20, bắt đầu ngoi lên những nhóm du đãng người Việt. Có nhóm chuyển biến tốt, dần dần từ dưới đáy xã hội với những hoạt động bất hảo, được cách mạng cảm hóa đã cải tà quy chánh, trở thành những lực lượng tiến bộ, thậm chí tích cực tham gia hoặc ủng hộ kháng chiến. Những tên tuổi như Năm Vĩnh, Mười Trí, Ba Dương, Năm Hà, Tám Mạnh... đều thuộc thành phần này. Nay đã có tên đường như các cụ Dương Văn Dương, Mai Văn Vĩnh...
Có những nhóm bị lưu manh hóa rất nặng, ở Sài Gòn làm "xã hội đen", bị nhà cầm quyền quét văng, lại hành nghề lục lâm thảo khấu. Tiêu biểu nhất là Bảy Viễn. Ông này cả đời làm cướp. Khi còn bôn tẩu là tướng cướp, lúc Cách mạng Tháng Tám thành công có giai đoạn ngắn ra bưng biền theo kháng chiến chống Pháp, nhưng bản chất tướng cướp vẫn còn nguyên, đến lúc phản bội kháng chiến trốn về thành quy hàng nhảy tót lên làm tướng giặc, tay sai của chế độ cũ. Lục đục nội bộ, mâu thuẫn quyền lợi, bị chế độ cũ đá văng đi tị nạn ở nước ngoài, tự an ủi với hư danh là "tướng lưu vong".
Sau thời trăm hoa đua nở, các nhóm dần đi vào quy củ. Có lãnh đạo, có tổ chức hẳn hòi. Đó là thời của Đại "Cathay". Cái tên nghe rất khéo, vừa là anh "Đại", trong "Đại Cathay" lại có cả chữ "đại ca", quả sặc mùi giang hồ hảo hớn. Nhóm này thường xuyên mâu thuẫn với các nhóm hội kín trong Chợ Lớn, rốt cuộc phải dẫn đến "nhất chiến định giang sơn" với Tín "mã nàm".
Sau khi thắng lợi, Đại "Cathay" được giang hồ suy tôn là trùm du đãng Sài Gòn. Chỉ đến khi, chế độ cũ quyết thanh trừng thành phần giang hồ xã hội đen thì Đại hết thời và chết mất xác ngoài biển Phú Quốc sau một vụ vượt ngục.
Nói về địa bàn ở trung tâm, ngoài quận Tư lẫy lừng với những con đường nghe đã lạnh sống lưng như Tôn Đản, Tôn Thất Thuyết, Đoàn Văn Bơ... thì khu vực Cầu Muối cũng nổi tiếng không kém. Hai bên luôn kèn cựa nhau, cạnh tranh từng chút một. "Tôi đứng bên quận Tư, bên kia là quận Nhứt...", một thời giang hồ quận Tư phải đứng đó thẫn thờ nhìn địa bàn quận Nhứt thèm thuồng. Nhưng lúc này là lúc đình chiến, chia đôi "sơn hà", nước sông không phạm nước giếng.
Trước yêu cầu bức thiết phải "nhất thống giang hồ", đã nhanh chóng nổi lên một nhân vật, được xem như "lãnh tụ" quần hùng. Gọi là vậy nhưng đừng vội nghĩ đây là nhân tài vĩ lược, kinh thiên động địa. Xét về quá trình ngoi lên thành trùm xã hội đen, cuộc đời nhân vật này lại khá giống hành trình lên ngôi báu của Lưu Bang hoặc Chu Nguyên Chương. Chắc ai cũng biết, đó là trùm xã hội đen Sài Gòn một thời: Năm Cam.
Ban đầu xuất thân chỉ là một tên thu tiền xâu trong sòng bài của anh rể Bảy Si, Năm Cam đã dần hình thành vây cánh – thuộc hạ. Nhờ những ngón nghề vừa xảo quyệt, vừa tàn bạo, Năm Cam đã thống nhất được giới anh chị Sài Gòn, hoàn thành "đại nghiệp", "thiên thu vạn đại – nhất thống giang hồ". Lực lượng nòng cốt dưới quyền gồm cả quận Tư và chợ Cầu Muối, vươn vòi bạch tuộc khắp nơi. Sở dĩ Năm Cam thành công hơn các tiền bối, đó là đã móc ngoặc được với các cán bộ biến chất, nhờ họ bảo kê cho công việc của ông.
Lúc này thì việc làm ăn phải tân tiến hơn, với mẽ ngoài phải là doanh nhân thành đạt, cưỡi xe tay ga, đi đánh tennis, bên ngoài giao du với giới quan chức – thượng lưu, nhưng bên trong là câu kết mua chuộc cán bộ thoái hóa biến chất.
Mấy vụ đâm chém phải bớt lại, đổ máu thì phiền phức và tốn tiền. Cái gì có thể dàn xếp thì dàn xếp. Cái gì không mua được bằng tiền, thì có thể mua bằng rất nhiều tiền. Gió tanh mưa máu không nên xảy ra thường xuyên. Nhưng không vì thế mà kém phần tàn nhẫn hơn ngày xưa.
Đám đàn anh thuộc thế hệ trước không chấp nhận đề nghị của ông trùm để về hưu ở ẩn, ngay lập tức ăn a xít vào mặt. Đám giang hồ mới nổi toan giành lãnh địa bị bắn chết tươi. Mấy vụ này, bằng cách nào đó, ông trùm đều được cho là có bằng chứng ngoại phạm rõ ràng, hoặc hướng cơ quan điều tra vào chỗ bế tắc.
Danh xưng trong giới, thì rất khoái gọi theo kiểu cải lương, truyện kiếm hiệp hay phim Tàu: đại ca, mẫu hậu, phò mã, phó tướng, hoàng tử, tứ đại thiên vương... Y như một cái "triều đình" của giới du đãng.
Sinh tiền, ông trùm thỉnh thoảng đi uống cà phê bên khu Chợ Vườn Chuối (quận 3). Ở đó có đám con nít đá banh. Có bữa tụi nó đá banh trúng chiếc xe Spacy của ông trùm đang đậu, ông chỉ cười hề hề. Sau này, khi thấy ông trùm ra tòa, mấy đứa con nít ranh làm bộ "rét", "không biết có bị ông Năm báo thù rửa hận hay không".
Đã hơn 20 năm kể từ khi đế chế phi pháp của ông trùm sụp đổ. Đất Sài Gòn văn minh tươi đẹp, không thể nào chấp nhận một lần nữa những kiểu hành xử tăm tối theo "luật giang hồ". Sài Gòn không thể là nơi gió tanh mưa máu, là chốn dung thân của đám du thủ du thực giang hồ. Không thể, ngàn lần không thể.