Xe đò lục tỉnh và những ký ức không thể nào quên

Hoàng Ba Đình Thứ bảy, ngày 04/09/2021 14:00 PM (GMT+7)
Khắp nơi trên Việt Nam, đâu đâu cũng có bến xe. Có khi là bến xe hiện đại với các ki ốt bán vé, nhà chờ tươm tất, nhà vệ sinh sạch sẽ. Cũng có khi là bến tạm, xe tạt đến rồi đi. Hoặc đó là bến cóc, xe dù được những thành phần bất hảo bảo kê.
Bình luận 0

Nhưng không đâu có cách gọi bến xe là "xa cảng" như ở Sài Gòn. Và cũng chỉ có bến xe Miền Tây và bến xe Miền Đông, mới được gọi là xa cảng, còn những bến xe khác chỉ thuần túy là bến xe: bến xe quận 8, bến xe Chợ Lớn, bến xe Ngã Tư Ga, bến xe An Sương. 

Có lẽ cách gọi này chỉ là cách gọi ước lệ. Nếu như bên Tây, tất cả các xe chở khách đều là xe buýt, thì ở Việt Nam phân biệt rõ xe buýt và xe khách. Xe buýt chạy tuyến đường ngắn trong đô thị. Còn xe khách là xe đường dài. Và với cách gọi của dân Sài Gòn, xe khách còn có cái tên nữa, đó là "xe đò".

Xe đò lục tỉnh và những ký ức không thể nào quên - Ảnh 1.

Quang cảnh một bến xe đò ngày xưa: khách chờ đợi, lơ cột hàng trên mui. Ảnh: Internet.

Lần hồi ký ức ba chục năm trước, xe đò ngoài ý nghĩa như con đò đưa khách qua lại, còn có một ý nghĩa khác, đó là đợi như đợi đò. Giả dụ như từ Sài Gòn về Hậu Giang, mỗi ngày có 1-2 chuyến, giờ chạy thì "hên xui", nên phải ra bến từ sớm, đợi dài cả cổ, được kha khá khách rồi xe mới bắt đầu chạy. 

Nhìn bề ngoài, chiếc nào cũng lòe loẹt, sơn sọc xanh sọc đỏ sọc cam dọc theo thân xe. Lên xe lại nồng nặc mùi dầu máy, ngay phía trước là bàn thờ với Phật bà Quan Âm. 

"Tổ phục vụ" thường là một tài xế, hai người làm lơ và một bà chủ đi theo để thu tiền xe. 2 anh lơ, ngoài việc hỗ trợ tài xế, còn có nhiệm vụ hô rõ điểm đến để mời chào khách dọc đường, ví dụ như "Ai Mỹ Tho, Mỹ Thuận, Hậu Giang lên xe nè".

Lựa chọn lơ cũng phải là người nhanh nhẹn để lúc nào cũng có thể leo lên mui xe lên hàng xuống hàng. Giờ nhiều khi nghĩ lại, có mỗi 2 ông lơ mà bê cả chiếc xe máy lên xuống mui xe. Trên xe, ngoài hàng ghế cho khách ngồi, còn có cả đống ghế đơn, thường gọi là "ghế xúp" cho những người không có chỗ ngồi tạm. 

Xe đò lục tỉnh và những ký ức không thể nào quên - Ảnh 2.

Còn đây là bến cóc, trên nóc còn có nguyên thùng phi chứa nước làm mát. Ảnh: Internet.

Hàng hóa, hành lý để tràn cả sàn xe, đôi khi có cả súc vật như gà, vịt, chó... Thành thử mỗi chuyến xe như là dàn hợp xướng của đủ thứ âm thanh: tiếng máy nổ gầm rít, tiếng lơ xe quát thét, tiếng bà chủ "tiền vé cô bác ơi", tiếng chào mời mua bán, xen lẫn là tiếng gà kêu chó sủa...

Đến lúc xe chạy là bụi bay mù mịt, xe không có cửa kính, chỉ có cửa lùa. Bụi như vậy cũng không dám đóng cửa, bởi vì không có máy lạnh, đóng cửa là bảo đảm cả xe như cái lò xông hơi. 

Hành trình thì tùy tiện với những chặng dừng bất chợt, có ông đến Mỹ Tho xuống xe, đến Cái Bè lại chờ thêm ai đó. Hoặc có khi xe dừng cả nửa tiếng vì đợi chở hàng của "chành" gửi. Mỗi đợt dừng như thế, là cơ hồ những quà bánh dọc đường: bánh bò, bánh bao, bánh mỳ, bánh xôi vị... cùng những món nước uống được cột trong bịch ni lông cắm ống hút: trà đá, đá chanh, cà phê, nước ngọt, rau má, nước mía...

Xe đò lục tỉnh và những ký ức không thể nào quên - Ảnh 3.

Xe buýt nội thành hiện đại, chuẩn vị Sài Gòn gốc. Ảnh: Internet.

Xưa làm gì có tiệm cơm hay những trạm dừng chân, nên mỗi chặng dừng là thời điểm để xả và nạp. Đến lúc xe chạy, thì những người buôn bán ấy xuống xe chờ chuyến khác. Nhưng cũng có người ở lì trên xe, tiếp tục chào mời hành khách, xong lại nhảy xuống, đón xe chiều ngược lại để trở về điểm xuất phát.

Ngày nay, chúng ta thường thấy một số xe có trang bị hệ thống âm thanh, có micro nói chuyện đàng hoàng, hướng dẫn viên du lịch hay phụ xe hay cầm nói. Nhưng cách nay hơn 20 năm, đã có những người sở hữu dàn âm thanh với loa và micro, lên xe nói chuyện hết sức chuyên nghiệp. Đó là mấy ông bán thuốc tễ, thuốc dán, cao hổ, cao khỉ các loại. Ngay khi lên xe là một người cầm micro xin chào và thông báo nghe rất lọt lỗ tai, một người khác mang sản phẩm đến từng hàng ghế mời những người trên xe. 

Một số người loại này ngoài bán hàng, còn kiêm thêm nghề "hai ngón", ông bà nào mải ngủ là có khi bay cái ví, cọng dây chuyền hay cái đồng hồ. Nhà xe đều biết những tệ nạn này nhưng không dám làm gì, vì sợ bị ném đá trả thù.

Những người từ Sài Gòn về quê khi ấy, thường mang theo một món quà đặc biệt, đó là bánh mỳ. Bánh mỳ ba ghết dài thoòng hoặc những ổ bánh mỳ to tổ bố cỡ đại, luôn bán sẵn ở các xa cảng. Kèm theo đó là những túi gà quay, vịt quay. Thú thực, với ổ bánh mỳ về quê, đã là món quà chỉn chu cho chốn quê nhà. 

Còn với những chuyến xe từ quê lên, chỉ cần nhìn những gì họ chở theo là có thể đoán được tương đối xe này từ đâu đến: mang theo thịt chuột chắc hẳn từ An Giang – Đồng Tháp, bánh pía là ở dưới Sóc Trăng, dừa là từ Bến Tre...

Với những chuyến xe ấy, người dân Sài Gòn thường gọi là "xe đò lục tỉnh". Thực sự là chữ "lục tỉnh" bao gồm cả Sài Gòn, vì "lục tỉnh" tương đương với toàn miền nam ngày nay. Gọi như vậy là người Sài Gòn nhầm lẫn, hay chỉ là cách gọi thể hiện tính tương đồng với nhau: ông ở dưới quê lên là lục tỉnh, tôi ở Sài Gòn cũng là lục tỉnh luôn. 

Ngày nay, hàng loạt phương tiện khác ra đời, với đủ thứ tên gọi cao sang như xe tốc hành, xe chất lượng cao, xe giường nằm, hoặc kêu hơn nữa là những chuyến xe tự gọi là "hàng không mặt đất"... nhưng với những người đã từng đi qua những chuyến xe đò lục tỉnh, ký ức cũ vẫn không thể nào quên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem