Theo nội dung dự thảo, các đường bay dưới 500km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội là 320 nghìn đồng/vé/chiều, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều; Nhóm đường bay khác dưới 500km, mức giá tối thiểu là 340 nghìn đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.
Cục Hàng không cũng xây dựng các đường bay từ 500 - 850km trở lên, mức giá tối thiểu là 440 nghìn đồng và tối đa 2,2 triệu đồng; Đường bay từ 850km - dưới 1.000km, mức giá tương ứng là 560 nghìn đồng và 2,79 triệu đồng. Nhóm cuối cùng là đường bay từ 1.280km trở lên, mức giá tối thiểu là 750 nghìn đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng.
Lý giải về đề xuất áp giá sàn vé máy bay được Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đây là "chính sách áp dụng mang tính khẩn cấp, tạm thời nhằm giải quyết khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19".
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng chia sẻ, khung giá trên sát với thực tế về mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không Việt Nam; xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt (ghế ngồi mềm điều hòa) và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ.
Thời gian áp dụng việc áp giá sàn vé máy bay là 12 tháng, từ 1/11/2021 hết ngày 31/12/2022. Cục Hàng không Việt Nam cho rằng: Thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi sớm hơn thị trường hàng không quốc tế và việc phục hồi hoàn toàn trong năm 2023 là khả thi".
"Ngoài ra, việc xem xét kéo dài chính sách này hoàn toàn có thể thực hiện được nếu thị trường nội địa tiếp tục gặp khó khăn như giai đoạn năm 2021", Cục Hàng không cho hay.
Trong bối cảnh thị trường vận chuyển hàng không phát triển bình thường với sự cạnh tranh sôi động của các hãng hàng không Việt Nam để phù hợp với thông lệ quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa theo cơ chế do thị trường tự điều tiết và Nhà nước thực hiện kiểm soát giá bán của các hãng hàng không theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Trước đó, Bộ Tài chính cho biết, về thẩm quyền quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, theo quy định tại khoản 27 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 61/2014/QH13 ngày 21/11/2014, hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT.
Như vậy, việc xem xét điều chỉnh khung giá (bao gồm giá trần và giá sàn) dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT.
Theo Bộ này, nguyên tắc định giá nhà nước được quy định tại Điều 20 Luật Giá đó là bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ; kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.
Việc xem xét điều chỉnh mức sàn giá vé máy bay, cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải xem xét thận trọng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và rà soát từng yếu tố chi phí hợp lý, hợp lệ cấu thành giá vé máy bay theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, cần phải tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh thích hợp (nếu có), đảm bảo phù hợp chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bình quân; hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước", Bộ Tài chính nhấn mạnh.