Thời gian qua, ca sĩ Lâm Vũ cùng Hội thiện nguyện Chân tình rong ruổi khắp Sài Gòn để trao những phần quà cứu trợ từ số tiền cá nhân và của những "mạnh thường quân" đóng góp.
Hội thiện nguyện Chân tình đã hoạt động thiện nguyện cách đây nhiều năm. Vậy cách thức anh làm thiện nguyện thế nào để hiệu quả, đến đúng tay người khó khăn để tránh trường hợp "người ăn không hết kẻ lần không ra"?
- Là chủ nhiệm của Hội Thiện nguyện Chân tình thành lập gần 10 năm qua, sự đóng góp tích cực của các thành viên gồm nghệ sĩ, cầu thủ, doanh nhân, phi công… đã cùng nhau chung tay trao tặng hơn 60 căn nhà và cứu trợ. Không thể kể hết các hoạt động như: cứu trợ hộ nghèo, tổ chức Tết ấm no, Trung thu an vui, cứu trợ lũ lụt, hạn hán… của Hội Chân tình, để mọi người vững tin đi qua khó khăn.
Nhiều việc các anh em không nhớ hết để kể ra, mà đã làm việc tốt thì không cần nhớ, tôi nghĩ vậy. Những thành viên trong hội đều cập nhật hành trình thiện nguyện trong group cho từng đợt trao quà.
Cách làm của chúng tôi là luôn có sự xác minh trước. Muốn cho quà hay xây nhà chỗ nào thì chúng tôi nhờ anh em ở khu vực đó xác minh gia cảnh hiện tại có đúng như vậy không, rồi mới đến trao.
Cũng có lúc người anh em này sẽ chịu trách nhiệm trao quà luôn. Có những trường hợp chúng tôi cũng nới lỏng quy tắc vì cuộc sống không phải lúc nào cũng vẹn toàn nhưng đến giờ tôi khẳng định được 99% quà trao đi là chính xác.
Vừa qua, việc yêu cầu sao kê tài khoản của nghệ sĩ kêu gọi từ thiện trên mạng gây xôn xao. Anh có quan điểm thế nào về vấn đề này?
- Thật sự khi đứng ra kêu gọi từ thiện từ thập phương gửi về nên minh bạch là điều tốt, sao kê là điều nên làm.
Mình nhận tiền của ai thì mình sao kê giải trình báo cáo cho người đó. Bản thân Hội Chân tình trước giờ tự làm thiện nguyện từ tiền túi của các thành viên và anh em không ai đòi hỏi Hội phải báo cáo.
Nhưng tất cả anh em đều tự giải trình cho người quyên góp tiền cho Hội. Trong khi người quyên góp tiền cũng là người anh em, người thân quen nên vì trân quý tình nghĩa mà tôi cùng Hội Chân tình tự giải trình số tiền đã nhận được trao cho những ai, nơi đâu, bao nhiêu, quà gì…
Từ lúc thành lập đến giờ, tôi và Hội thiện nguyện Chân tình không nhận tiền làm từ thiện của người lạ nên không phải giải trình với người không liên quan. Người nào đưa tiền cho mình thì mình trả lời minh bạch đích đến của số tiền với người đó. Quan điểm của tôi là vậy!
Có người cho rằng, làm thiện nguyện thật tâm mới khó, còn sao kê tài khoản của người làm từ thiện không khó khăn gì. Khi không sao kê được thì hẳn có vấn đề và không minh bạch. Anh nghĩ sao về ý kiến này?
- Làm từ thiện không khó, có tấm lòng là làm được hết, chỉ không có tấm lòng thì thấy khó thôi. Có ít làm ít, có nhiều làm nhiều chứ đâu ai ép mình phải có tiền thật nhiều mới làm. Còn chuyện sao kê thì không khó, quan trọng sao kê với người nào, người nào được quyền biết sao kê, ai quyên góp như thế nào thì họ tự có cách trình bày cho người đó.
Cá nhân tôi quan điểm, nên sao kê cho người đã góp công sức, góp tiền cho mình làm. Và không cần hỏi, tôi cũng sẽ tự báo cáo lại. Còn các anh chị khác thì có thể có cách làm khác, lớn lao hơn, nhiều tiền hơn hay có người tư vấn thì tôi không rõ. Cá nhân tôi thấy việc cần cho người đưa tiền cho mình biết tiền họ được sử dụng ra sao. Việc đó không có gì khó. Làm việc thiện ai có tấm lòng là tôi trân quý vì đã giúp đỡ được nhiều mảnh đời bất hạnh. Cuộc sống luôn có luật nhân quả, người làm trời biết, nếu ai làm sai thì họ sẽ bị trừ đi phúc của chính họ.
Cá nhân Lâm Vũ sẽ phản ứng thế nào nếu giả sử anh nghe lời đề nghị sao kê khi anh hoạt động thiện nguyện?
- Chưa ai đề nghị tôi sao kê vì mỗi khi mua quà gì, bao nhiêu, trao ở đâu... là tôi đã tự chụp hình lại gửi lại rồi. Ngay từ khi bắt đầu hoạt động thiện nguyện, tôi đã làm điều này và thành một thói quen với suy nghĩ phải cho họ biết tiền của họ đã giúp được những ai, giúp cụ thể như thế nào.
Và cũng nhờ vậy, lâu dần uy tín của tôi cũng như của Hội thiện nguyện tôi đang tham gia được xây dựng vững chắc. Vì vậy, người không góp tiền làm thiện nguyện thì không có quyền đòi tôi sao kê. Chưa bao giờ người góp tiền làm thiện nguyện với tôi phải hỏi mà tôi đã làm trước. Tôi làm cầu nối để trao gửi tấm lòng của người góp tiền đến những người thật sự cần tiếp sức.
"Kêu gọi cộng đồng quyên góp tiền từ thiện thì việc sao kê là trách nhiệm. Ngược lại, khi đã không muốn sao kê thì ngay từ đầu đừng nên "cầm tiền thiên hạ", bản thân nên tự bỏ tiền túi làm từ thiện". Ca sĩ Lâm Vũ nghĩ sao về quan điểm này?
- Tôi đồng ý với quan điểm này. Lấy tiền cộng đồng, kêu gọi quyên góp thì cần minh bạch để có lòng tin tuyệt đối với người ủng hộ tiền cho mình. Nếu không muốn giải trình cho ai thì hãy bỏ tiền túi làm từ thiện.
Tôi nghĩ làm từ thiện là việc tốt. Người làm từ thiện nên làm thêm việc minh bạch sao kê nữa thì càng tốt hơn. Có một sự thật là khi người ta sợ mất danh dự, sợ mất uy tín thì người ta sẽ làm rõ ràng từng đồng tiền của người ủy thác cho mình để đi giúp người khó khăn mà không nhập nhằng, không tạo kẽ hở để đánh mất sự nghiệp của chính mình.
Anh có nghĩ sau ồn ào nghệ sĩ bị "đòi" sao kê minh bạch tiền từ thiện thì người thiệt thòi sẽ là người nghèo khổ vì không còn nghệ sĩ nào dám đứng ra quyên góp cứu trợ?
- Đừng nói không có nghệ sĩ thì người nghèo sẽ khổ, thiệt hại. Thật sự, Nhà nước đã lo cho nhân dân từ trước đến nay và qua dịch bệnh thế này thì cộng đồng sẽ càng thấy rõ mà. Đến thời điểm này khổ thì khổ chung nhưng cái đói là không có. Chẳng hạn, Nhà nước lo cho ký gạo thì anh em nghệ sĩ góp thêm hộp cá, chai nước tương, gói mì... tất cả chung tay cho mọi người cùng đi qua trận dịch này.
Việc sử dụng tiền thiện nguyện thì đương nhiên, muốn người ta tin mình thì mình phải tạo niềm tin cho nguời ta. Còn nghệ sĩ không đứng ra kêu gọi cứu trợ nữa, cảm thấy khó khăn, thấy tổn thương quá thì cũng là quyền của nghệ sĩ.
Cuộc đời này có đi phải có lại, không thể trách ai được. Người trao đi họ muốn thấy tiền mình gửi đã trao tới đâu, trao hết số tiền đó chưa. Thiện nguyện là từ tâm, sao kê là biện pháp nên thực hiện từ đầu để minh bạch, bổ sung lưu trữ đặc biệt với số tiền lớn. Tâm sáng thì sao phải ái ngại, phải hờn việc sao kê. Đừng làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của thiện nguyện là điều ai cũng hiểu.
Không được đi hát vì dịch bệnh khiến anh có cảm thấy bí bách, khó khăn trong vấn đề tài chính? Anh có bao giờ nghĩ đến giới hạn hoạt động thiện nguyện của mình?
- Thật sự, không đi hát thời gian dài khiến tôi và anh em nghệ sĩ đều bí bách. Làm nghề ca hát mà không đi hát vài tháng đã khó khăn mà dịch này đã xảy ra cả năm thì chắc chắn nghệ sĩ rất khó khăn. Nhưng làm nghề nào cũng vậy, ai làm cũng phải tích trữ khi làm được để phòng thân. Việc làm từ thiện tôi đã chuẩn bị từ lâu rồi.
Mỗi khi nhận tiền thù lao thì tôi đều trích lại một ít cất vào quỹ từ thiện để có thể sử dụng cứu trợ bất cứ lúc nào. Theo tôi, muốn làm từ thiện muốn cho người ta tốt cho người ta no ấm thì cá nhân mình phải tốt, phải no phải vui trước. Và điều đặc biệt là làm từ thiện 10 năm qua luôn có các anh em Hội Chân tình song hành nên tôi thấy ấm áp, niềm tin luôn được tiếp sức để hành trình thiện nguyện lâu dài chưa đến nỗi bí bách.
Còn thật sự nếu bí bách kinh tế thì tôi dừng làm thiện nguyện thôi. Vì việc làm này là tôi tự nguyện chứ không ai bắt buộc phải làm cả. Giới hạn làm thiện nguyện của tôi là không có giới hạn, khi có kinh tế ổn định thì tôi sẽ làm từ thiện, khi hết thì dừng lại tập trung đi làm lo cho cuộc sống.
Cảm ơn ca sĩ Lâm Vũ đã chia sẻ thông tin!