Dân Việt

Giá cước vận tải tăng chóng mặt, lên 20.000 USD/container, doanh nghiệp ngành này lo mất đơn hàng tại Mỹ

Khánh Nguyên 07/09/2021 19:14 GMT+7
8 tháng năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt con số kỷ lục 11,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, bước sang tháng 8, xuất khẩu gỗ lại ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Trong đó giá cước vận tải quá cao có thể đẩy ngành gỗ vào nguy cơ mất nhiều đơn hàng.

Giá cước vận tải, chi phí sản xuất, lưu thông đang bóp nghẹt doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ

8 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã vươn tới 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch 11,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Trong đó 5 thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chính.

Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt tại khu vực phía nam (TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương), nơi tập trung nhiều các doanh nghiệp chế biến gỗ (chiếm khoảng trên 70% tổng số doanh nghiệp ngành gỗ).

Theo kết quả khảo sát nhanh của các hiệp hội địa phương vào trung tuần tháng 8/2021 đối với 360 doanh nghiệp tại Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Định, cho thấy bình quân có trên 50% doanh nghiệp dừng sản xuất.

Những doanh nghiệp còn hoạt động cũng chỉ duy trì được khoảng 50- 60% số lao động; công suất giảm từ 30-50% so với điều kiện bình thường. Chi phí để duy trì sản xuất theo phương thức 3 tại chỗ đã tăng khoảng 20- 30%.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là, chi phí thuê container và giá cước vận tải biển tăng quá cao (từ 2-4 lần) đang bóp nghẹt các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ. 

Điển hình giá cước vận tải tới các cảng bờ phía Đông nước Mỹ đã lên tới 18.000 – 20.000 USD/container.

"Với mức cước này, đã có một số nhà nhập khẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam phải tìm kiếm nguồn cung ứng khác có cước phí vận tải thấp hơn" - ông Lập nêu một thực tế.

Ưu tiên vaccine cho công nhân ngành chế biến gỗ  - Ảnh 1.

Giá cước vận tải quá cao có thể đẩy ngành xuất khẩu gỗ vào nguy cơ mất nhiều đơn hàng. Trong ảnh: Chế biến gỗ tại Công ty Lâm Việt (Đồng Nai). Ảnh: Cao Cẩm

"Chúng ta có thị trường rất rộng mở, đây là điều thuận lợi nhất. Thêm nữa, uy tín và thương hiệu ngành gỗ Việt đã có trên thế giới. Đề nghị từng doanh nghiệp xây dựng kịch bản phục hồi phù hợp, có tính khả thi với lịch trình rõ ràng".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh

Kiến nghị 6 giải pháp duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu gỗ

Để duy trì sản xuất, giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung và mất các đơn hàng, ngày 7/9/2021, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có văn bản kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành chức năng nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ để duy trì sản xuất và tái phục hồi. 

Thứ nhất, đề nghị nâng hạng ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động ngành gỗ từ mức 13/16 lên mức 8/16 trong bảng xếp hạng của Bộ Y tế; các địa phương tạo điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vaccine cho công nhân ngành gỗ.

Cho phép các doanh nghiệp tự test Covid-19 đối với người lao động của mình và được các cơ quan chức năng công nhận kết quả test của doanh nghiệp.

Thứ hai, đề nghị ban hành quy định cụ thể về thời gian mà người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bù vào quỹ hữu trí và tử tuất do khoản phí này hiện chiếm rất cao.

 Đề nghị miễn đóng phí công đoàn cho tới ngày 30/6/2022 và cho phép doanh nghiệp sử dụng nguồn kinh phí này nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người lao động.

Giá cước vận tải tăng chóng mặt, lên 20.000 USD/container, doanh nghiệp ngành này lo mất đơn hàng tại Mỹ - Ảnh 3.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị các địa phương tạo điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vaccine cho công nhân ngành gỗ. Ảnh: TTXVN.

Thứ ba, kiến nghị giảm lãi suất đối với nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới, với mức giảm lãi suất xuống còn từ 4-4,5%/năm thay vì mức lãi suất quá cao như hiện nay; đồng thời giãn nợ gốc và trả lãi từ 6 tháng tới 12 tháng để doanh nghiệp có đủ thời gian ổn định sản xuất; hỗ trợ vốn ngắn hạn ít nhất 6 tháng theo đơn hàng có L/C.

Hỗ trợ cho doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất từ 3 -6 tháng áp dụng đối với ngân hàng thương mại, với mức lãi suất thấp từ 2-3%.

Thứ tư, đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021, nhưng chỉ áp dụng đối với các đối tượng có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng.

Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm tiếp theo để doanh nghiệp có thời gian phục hồi. 

Thứ năm, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan có liên quan làm việc với các hãng tàu lớn yêu cầu có lộ trình giảm cước phí vận tải biển; có giải pháp khuyến khích phát triển các đội tàu trong nước hoặc và khuyến khích vận tải bằng các hình thức khác như đường sắt liên vận. 

Thứ sáu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương bố trí quỹ đất để quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tập trung ở các địa phương có nhiều doanh nghiệp ngành gỗ, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp liên kết sản xuất tốt hơn, có hệ thống kho bãi chứa hàng và dự trữ nguyên liệu sản xuất đáp ứng như cầu mở rộng, phát triển sản xuất và kịp thời ứng phó trong bối cảnh bất thường khi hoạt động xuất/nhập khẩu gặp khó khăn.

Tại Hội nghị giao ban về chế biến gỗ và lâm sản do Bộ NNPTNT tổ chức sáng nay, 7/9, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh chia sẻ với khó khăn đã và đang diễn ra của doanh nghiệp ngành gỗ, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn, trở về trạng thái bình thường mới đảm bảo vừa sản xuất vừa chống dịch an toàn.

"Bộ NNPTNT sẽ tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn trong thời gian sớm nhất" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.