Vụ hè thu 2021 vừa kết thúc, nhiều hội viên nông dân của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tân Tiến (xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đặc biệt hồ hởi với kết quả canh tác theo mô hình mới - mô hình canh tác lúa thông minh cho vùng đất phèn.
Cụ thể, các thành viên của HTX này đã áp dụng các giải pháp được hướng dẫn như: Sử dụng lượng giống gieo sạ bình quân 85kg/ha, giảm 40kg/ha so với cách làm truyền thống (tương đương giảm 540.000 đồng/ha tiền giống); lượng phân bón nguyên chất giảm 12kg/ha đạm, 18kg/ha kali; Số lần phun thuốc BVTV trong mô hình giảm 1 lần so với đối chứng.
Kết quả, năng suất lúa đạt 6,58 tấn/ha, tăng 230kg/ha và lợi nhuận đạt 21,6 triệu đồng/ha, cao hơn 1,4 triệu đồng/ha so với cách canh tác truyền thống.
Ông Trần Văn Nhãn - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nước sạch tỉnh Đồng Tháp, đánh giá, mô hình canh tác lúa thông minh cho vùng đất phèn đánh dấu một bước phát triển mới về trồng lúa của tỉnh Đồng Tháp.
"Đất Đồng Tháp có độ nhiễm phèn từ mức trung bình đến mức nặng, những năm qua, người nông dân trồng lúa rất đau đầu với tình trạng ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ của ruộng đất nhưng chưa tìm ra giải pháp hợp lý nhất để cải tạo đất. Nhưng hiện nay, với quy trình canh tác mới với những hướng dẫn kỹ thuật như xẻ mương thoát phèn, bón lót phân Đầu Trâu mặn phèn… cây lúa đã phát triển tốt hơn, đẻ nhánh nhiều và cho năng suất, lợi nhuận cao hơn", ông Nhãn nói.
Cũng theo ông Nhãn, hiện nhiều nông dân ở các huyện có đất nhiễm phèn nặng Tam Nông, Hồng Ngự, Tháp Mười;… đang xôn xao với mô hình canh tác mới này, và mong muốn được hỗ trợ để triển khai thay thế cách canh tác truyền thống.
Cũng áp dụng mô hình canh tác lúa thông minh cho vùng đất phèn, nông dân tại ấp Tân Thạnh (xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), triển khai trồng giống lúa OM18 bằng hình thức sạ hàng và máy cấy với lượng giống từ 70-135kg/ha.
Kết quả, lượng giống gieo sạ trong mô hình sạ hàng giảm 25kg/ha; Lượng phân bón nguyên chất giảm 19kg/ha đạm và 12kg/ha lân, năng suất đạt 6,46 tấn/ha, tăng 320kg/ha, lợi nhuận cao hơn đối chứng 3,1 triệu/ha.
Trong mô hình áp dụng phương pháp cấy máy giảm 31kg/ha kali, năng suất lúa đạt hơn 7,5tấn/ha, tăng 500kg/ha và lợi nhuận cao hơn 3,9 triệu đồng/ha so với đối chứng.
Bà Đinh Thị Thu Hồng, đại diện Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp An Giang, hồ hởi: "Vấn đề đau đầu của người nông dân trồng lúa vùng đất phèn này đã được giải quyết khi các nhà khoa học, cán bộ của khuyến nông đã đồng hành cùng nông dân ngay từ khâu làm đất, đo pH của đất,… đến trong quá trình phát triển của cây lúa, những kỹ thuật bón phân, quản lý nước, phòng trị dịch hại... cũng được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ. Vì vậy, nông dân rất hào hứng".
"Đặc biệt, kết quả vượt trội về năng suất, lợi nhuận của mô hình đã thuyết phục được người nông dân trồng lúa, để họ tin tưởng vào tiến bộ khoa học chứ không còn làm lúa theo kiểu phải "trông trời, trông đất, trông mây" như ngày xưa", bà Hồng nói.
Còn tại tỉnh Hậu Giang, mô hình canh tác lúa thông minh cho vùng đất phèn được triển khai tại ấp Thạnh Mỹ B (xã Bình Thành, tỉnh Hậu Giang) với giống OM5451 bằng hình thức sạ lan với lượng giống gieo sạ trong mô hình chỉ 80kg/ha, giảm 70kg/ha, tương đương giảm 1.050.000 đ/ha so với đối chứng; số lần phun thuốc BVTV trong mô hình giảm 1 lần, lợi nhuận mô hình đạt 12,1 triệu đồng/ha, cao hơn 1,41 triệu đồng/ha so với đối chứng.
Đánh giá về hiệu quả mô hình canh tác lúa thông minh cho vùng đất phèn, ông Doãn Văn Chiến, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Văn phòng Thường trực tại Nam Bộ), nhấn mạnh, điểm đáng ghi nhận nhất là thông qua mô hình, người nông dân đã tự biết điều chỉnh giống gieo sạ cho phù hợp; biết chọn và bón phân theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa; cũng như phun xịt thuốc trừ sâu đúng lúc, quản lý nước ướt khô xen kẽ… vừa tiết kiệm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường, đó là thông minh.
"Từ hiệu quả của chương trình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ phối hợp cùng khuyến nông địa phương và các cán bộ kỹ thuật, nhà khoa học của Bình Điền để phổ biến mô hình này ra rộng khắp cho bà con nông dân trồng lúa vùng đất nhiễm phèn, giúp bà con nâng cao hiệu quả canh tác ngay từ những vụ mùa sắp tới", ông Chiến nhấn mạnh.
TS Hồ Văn Chiến, chuyên gia về nông nghiệp, bộc bạch, mô hình canh tác lúa thông minh là sự kết tinh các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa, từ chọn giống, làm đất, bón phân, quản lý nước, phòng trị dịch hại… được đúc kết từ các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp dưới sự giám sát, kiểm chứng và đảm bảo từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nên tạo được sự tin tưởng của bà con nông dân trồng lúa.
"Tuy nhiên, cái mà những nhà khoa học chúng tôi tâm đắc với mô hình này, là giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ đất canh tác khỏi ngộ độc… Đất chúng ta canh tác bây giờ thì sau này con cháu chúng ta phải canh tác được", ông Chiến nói.
Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty CP Phân bón Bình Điền, cho biết, vừa qua, tại hội nghị ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL, mô hình canh tác lúa thông minh đã được chon để báo cáo với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan và được Bộ NN&PTNT đánh gái rất cao, đề xuất nhân rộng ra cho nông dân khắp 13 tỉnh ĐBSCL học tập, áp dụng.
"Sắp tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện hơn nữa quy trình canh tác, để nâng cao chất lượng sản phẩm. Có như vậy các DN mới nhảy vào cùng đồng hành để nhân rộng mô hình ra, góp phần mang đến giá trị cao nhất cho lĩnh vực canh tác lúa gạo ở khu vực 'vựa lúa' ĐBSCL", ông Tâm nói thêm.