Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Quang, Giám đốc điều hành một doanh nghiệp sản xuất phụ tùng xe tại Hà Nội, cho hay quyết định cấp giấy đi đường mới của Hà Nội có thể đẩy nhà máy vào tình trạng ngưng trệ, ảnh hưởng tới các đơn hàng của đối tác.
Theo ông Quang, doanh nghiệp của ông là doanh nghiệp sản xuất phụ tùng xe, không thuộc danh mục mặt hàng thiết yếu.
"Khi gửi hồ sơ tới Sở Công Thương thì nhận được câu trả lời doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp thì nằm trrong nhóm 6 và trách nhiệm do Công an xã, phường cấp giấy đi đường".
Theo hướng dẫn của Công an Hà Nội, đại diện doanh nghiệp của ông Quang đã "vắt chân lên cổ" để hoàn thiện hồ sơ đầy đủ với 10 loại giấy tờ và nhận được câu trả lời "nhóm hàng công ty sản xuất không nằm trong danh mục hàng thiết yếu" nên không cấp giấy đi đường.
Câu trả lời của cơ quan công quyền như một "gáo nước lạnh" đối với doanh nghiệp của ông Quang. Vấn đề ở đây là mỗi một cơ quan lại có một quan điểm khác nhau.
"Doanh nghiệp rất cần Hà Nội có văn bản nói rõ lĩnh vực này có được phép hoạt động sản xuất hay không, từ đó, đơn vị sẽ có căn cứ để trình bày với đối tác chứ cấm mà không nói lên lời" khiến chúng tôi gặp nhiều rắc rối", ông Quang cho hay.
Cùng chung số phận, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh chuỗi cửa hàng điện máy cho hay, doanh nghiệp được Sở Công Thương hướng dẫn đăng ký giấy đi đường tại công an phường, nhưng khi triển khai làm lại gặp sự bất nhất.
"Một số trường hợp khi Công an tiếp nhận hồ sở thì gửi sang UBND phường, có UBND phường nhận, có UBND phường không nhận và yêu cầu hoàn thiện lại theo mẫu của UBND phường. Cũng có phường lại đẩy lên Sở Công Thương. Trong khi đó, chúng tôi không thuộc danh mục Sở Công Thương quản lý", vị này cho hay.
Tuy nhiên, điều khiến doanh nghiệp này bức xúc nhất chính là việc chuỗi cửa hàng đang tạm dừng kinh doanh nhưng lại không thể xin giấy đi đường cho bảo vệ đến để trông coi tài sản của Công ty.
"Vấn đề ở đây là tài sản ở các cửa hàng đều rất lớn nhưng cơ quan công quyền lại trả lời vòng vo khiến chúng tôi không biết xử lý thế nào. Nếu không có bảo vệ thì ai đảm bảo được việc tài sản của công ty không bị trộm cắp, cháy nổ... Chẳng may rủi ro xảy ra ai sẽ là người chịu trách nhiệm?", vị này cho hay.
"Rõ ràng phương án cấp giấy đi đường của Hà Nội đang được các phường xã, cơ quan công quyền xử lý một cách lúng túng, chưa thống nhất", vị lãnh đạo doanh nghiệp bức xúc.
Trước những bức xúc của doanh nghiệp, PV Dân Việt đã đến Sở Công Thương Hà Nội để tìm hiểu. Đến nơi, PV nhận được câu trả lời "tiếp nhận hồ sơ đăng ký giấy đi đường của doanh nghiệp theo hình thức online". Tuy nhiên, cơ quan này vẫn bố trí 1 chiếc bàn gần ngay cổng ra vào để đại diện doanh nghiệp tới nộp hồ sơ trực tiếp để trên đấy rồi về.
Sở GTVT Hà Nội cũng không tiếp nhận trực tiếp hồ sơ của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực giao thông vận tải đến đăng ký giấy đi đường. Thay vào đó, các doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ qua hệ thống email của Sở.
Trao đổi với PV Dân Việt, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết: "Việc cấp giấy đi đường cho các doanh nghiệp đều thực hiện bằng hình thức online. Doanh nghiệp tải hồ sơ hướng dẫn trên website của Sở rồi hoàn thiện hồ sơ này và gửi qua email cho Sở xét duyệt chứ không tiếp nhận trực tiếp".
Khi được hỏi Sở có tiếp nhận các hồ sơ qua bộ phận một cửa, hoặc bộ phận tiếp nhận nào khác tại trụ sở của Sở hay không, ông Long khẳng định: "Hiện tất cả các Sở trên địa bàn TP.Hà Nội đều dừng toàn bộ tiếp nhận các thủ tục hành chính tại trụ sở và chỉ tiếp nhận online. Trừ một số trường hợp đặc biệt như: Công vụ, hoặc phòng chống dịch thì mới Sở mới tiếp nhận".
Ngày 7/9, trao đổi với báo chí về tình hình những ngày đầu tổ chức phân vùng phòng, chống dịch Covid-19, ông Đinh Tiến Dũng- Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để kịp thời điều chỉnh việc cấp và kiểm tra giấy đi đường phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.
"Tất cả phải nhằm bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân", ông Dũng nhấn mạnh.
Bí thư Hà Nội khẳng định: Trước mắt, tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp (mẫu cũ) và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng thông tin tới báo chí: "Sở đã có hướng dẫn cho các doanh nghiệp để đăng ký cấp giấy đi đường có nhận diện cho người và phương tiện vận chuyển (QR Code) trong vùng 1".
"Các doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương được cấp giấy đi đường, Sở đều tổng hợp danh sách đăng tải chi tiết trên trang web của Sở. Về quy trình cấp giấy phép, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chuẩn bị 3 file mềm/bản scan các tài liệu sau: Công văn đề nghị của doanh nghiệp (có ký tên, đóng dấu), lưu ý doanh nghiệp, đơn vị cung cấp đầu mối liên lạc (tên, địa chỉ, điện thoại, email…); lập các danh sách theo mẫu.
Đánh giá về hồ sơ của các doanh nghiệp đã nộp trong những ngày qua, bà Lan cho biết, nhiều doanh nghiệp khá cẩu thả khi làm hồ sơ, hồ sơ có quá nhiều lỗi chính tả.
"Những hồ sơ có lỗi này sẽ bị hệ thống cấp giấy phép vận chuyển của công an TP.Hà Nội gửi trả, không chấp nhận", bà Lan thông tin và khuyến cáo để hạn chế tối đa việc mất nhiều thời gian tổng hợp lập danh sách cấp giấy đi đường. Bà Lan cũng đề nghị các doanh nghiệp cần khắc phục những lỗi không đáng có này.
Liên quan đến việc cấp giấy đi đường trên địa bàn TP.Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu UBND TP.Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.