Thượng tá Lê Mạnh Hà, đại diện Công an TP.HCM cho biết, căn cứ phản ánh của các cơ quan báo chí, Công an TP đã làm việc với các đơn vị liên quan, bước đầu xác nhận tại TP.Thủ Đức, quận 4, quận 6, quận Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú có 200 trường hợp đặt đơn hàng đi chợ hộ nhưng không lấy.
Qua tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều lý do: Một số người dân không rành công nghệ dẫn đến đặt hàng trùng đơn, không biết cách hủy đơn. Hoặc đặt chưa chính xác nên không tìm được địa chỉ (địa chỉ giao hàng ở Bình Dương); đã hủy nhưng hệ thống không cập nhật dẫn đến vẫn giao hàng. Có trường hợp đơn hàng đặt quá lâu, giao quá trễ họ từ chối không nhận hoặc đã nhận hàng rồi nhưng vẫn giao tiếp nên không nhận; hay không cung cấp đúng mặt hàng đã đặt, không đủ số lượng.
"Ví dụ như họ đặt nguyên con gà nhưng chỉ giao cánh, đùi… nên họ từ chối nhận hàng, thực tế đã có trường hợp như vậy", thượng tá Hà cho biết. Công an TP tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương tiếp tục làm rõ hành vi đặt hàng không nhận, gây khó khăn trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Giải thích về việc xử lý F0 phát hiện qua các chốt kiểm tra, thượng tá Hà cho biết, theo văn bản mới nhất của Công an TP quy định về trách nhiệm tại các chốt trạm có hướng dẫn, chốt trạm nào có nhân viên y tế thì nhân viên ý tế là người làm công tác điều tra dịch tễ, khử khuẩn, liên hệ y tế địa phương để xác minh. Nếu chốt trạm không có nhân viên y tế, công an tại chốt sẽ thông báo cho y tế địa phương phối hợp xử lý.
Nếu F0 đó có giấy đi đường sẽ bị thu hồi ngay, ghi sổ theo dõi để báo cáo trung tâm, hỗ trợ y tế xác minh điều tra dịch tễ, sau khi làm rõ nguyên nhân, nếu F0 đó có sai phạm các điều kiện khi lưu thông sẽ lập biên bản xử lý theo quy định.