Năm 2011, trong một lần đi làm rẫy, tình cờ ông mua được 4 quả trứng chim công đem về ấp thử. Không ngờ, một thời gian sau, 4 quả trứng đã nở ra công con - loại chim công má vàng.
Do không am hiểu nhiều về chim công, ông phải tìm hiểu cách nuôi trên mạng Internet, sách báo và lặn lội xuống các tỉnh miền Tây để học tập kinh nghiệm.
Sau khi có kiến thức về ấp nở và nuôi dưỡng chim công, ông trở về làm thủ tục xin được cấp phép nuôi động vật hoang dã và bắt tay vào nuôi một cách quy mô. Từ những con công giống ban đầu, ông mua thêm 4 con và sử dụng mảnh vườn nhỏ rộng 20 m2 sau nhà làm chuồng nuôi.
Với kiến thức có được, ông Phương khá thành công trong việc nuôi chim công và hiện tại có khoảng 30 con công bố mẹ cùng rất nhiều công con và trứng đang ấp chờ ngày nở.
Ông Phương cho hay, mỗi năm một con công cái có thể đẻ 3 lứa, mỗi lứa từ 10 - 12 trứng. Do công là loài động vật hoang dã, lại có bộ lông rất đẹp nên giá thành khá cao, mỗi cặp công bố mẹ có giá dao động từ 25 - 30 triệu đồng, cặp nào đẹp có thể lên tới 40 - 50 triệu đồng.
Bình quân mỗi năm nhờ bán chim công, gia đình ông thu nhập gần 1 tỷ đồng.
Theo ông Phương, chim công rất dễ nuôi bởi có sức đề kháng cao hơn so với các loài vật nuôi khác. Thức ăn của công đơn giản như gia cầm gồm: bắp, đậu, sắn, rau, cây cỏ dại. Công là loài ăn tạp nên mỗi ngày chỉ cho ăn hai lần vào sáng sớm và buổi chiều.
Chuồng nuôi chim công phải được xây dựng, bố trí sao cho ấm về mùa đông, mát về mùa hè, có khu riêng dành cho chim trưởng thành, chim non.
Chuồng trại phải được vệ sinh hằng ngày, tránh ẩm thấp, phải có khoảng sân nhỏ để công tự do nhảy múa, vận động, trong chuồng cần bố trí nhiều cành cây để chim bay đậu cho thoải mái.
Dưới nền phải rải cát mịn để hút ẩm bảo đảm cho lông đuôi không bị dính bẩn mỗi khi di chuyển, đồng thời là chỗ để cho công tắm cát làm sạch bộ lông.