50 phút của phóng sự "Ranh giới" được chiếu trên VTV với những hình ảnh đắt giá về đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu giành giật sự sống cho các sản phụ nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Hùng Vương đã đem đến góc nhìn chân thực nhất về những điều khủng khiếp mà đại dịch đang mang đến.
50 phút của "Ranh giới" cũng cho thấy sự tận tâm của các y, bác sĩ. Đó là sự bất lực khi "tất cả bao nhiêu con người mà cũng không cứu được". Đó là câu chuyện của nữ bác sĩ buộc phải gọi điện cho chồng bệnh nhân, rằng không còn cách nào khác phải chấm dứt thai kỳ để hy vọng cứu được người mẹ.
Khán giả đã được thấy quá nhiều ranh giới: Ranh giới giữa sự sống và cái chết, ranh giới của sự chịu đựng, ranh giới của những nỗi đau, ranh giới của sự mất mát.
Đó là một sản phụ đã không thể chờ đến lúc được mổ bắt con ra. "Chị chờ em cứu em bé ra nhé" – câu nói của các y, bác sĩ mãi mãi bệnh nhân không thể nghe được. Đó là hình ảnh run sợ của sản phụ, yếu đến mức không thể đọc rõ số điện thoại người thân để nói chuyện lần cuối trước khi đặt nội khí quản.
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ, chăm sóc bệnh nhân thường nhiễm Covid-19 đã rất khó khăn, nhưng chăm sóc các sản phụ mắc bệnh còn khó gấp nhiều lần vì đó là sinh mạng của 2 con người. Khi mang thai, bản thân người bình thường đã khó thở, người nhiễm Covid-19 bị tổn thương đường hô hấp, nguy cơ thiếu oxy cho cơ thể sẽ tăng cao, việc giữ thai nhi khỏe mạnh là một điều rất khó. Trong phân tầng điều trị của Bộ Y tế, các thai phụ cũng thuộc vào nhóm có nguy cơ cao có thể diễn biến nặng.
Bên cạnh đó, việc điều trị Covid-19 hoàn toàn khác với chuyên khoa của Bệnh viện Hùng Vương đang phụ trách là sản phụ khoa, nhi sơ sinh. "Bắt buộc các bác sĩ phải học lại để thích ứng với thời cuộc, với tình hình dịch bệnh, có như vậy chúng ta chiến thắng được dịch bệnh", bác sĩ Tuyết cho biết.
Ngay từ ban đầu, bệnh viện đã đặt ra mục tiêu, bệnh nhân đến không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì cố gắng hết sức để bệnh nhân không chuyển sang trung bình. Nếu bệnh nhân đang có mức độ trung bình thì cố gắng không để chuyển sang nặng.
Đặc biệt, mỗi khi có bệnh nhân có biểu hiện trung bình là những giây phút các bác sĩ phải tập trung dồn hết mọi sức lực để cố gắng xem xét, đánh giá tình hình. Nếu em bé có thể nuôi được sẽ chấm dứt thai kỳ bằng hình thức mổ bắt con để vừa có thể cứu được mẹ, vừa cứu được con. Khi chấm dứt thai kỳ, nhu cầu oxy của sản phụ cũng sẽ giảm, việc xử lý suy hô hấp của sản phụ cũng dễ dàng hơn, bác sĩ Tuyết chia sẻ.
Ngoài chăm sóc sản phụ, Bệnh viện Hùng Vương cũng đang đảm nhận vai trò tiếp nhận, vận hành Bệnh viện dã chiến số 16. Vì vậy, nhân lực ngoài phục vụ tại bệnh viện, một phần cán bộ y tế phải chuyển đến hỗ trợ các bệnh viện dã chiến.
Cùng với đó, khi làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, nhiều cán bộ y tế trong quá trình tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm bệnh hoặc trở thành F1 nên áp lực về nhân sự, gồng gánh công việc cao hơn.
Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, bản thân cơ sở vật chất cũng không thể đáp ứng đủ số lượng bệnh nhân. Hiện nay, bệnh viện muốn trang bị thêm các trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh nhưng cũng chưa thực hiện được vì giãn cách nên việc đi lại, nguyên vật liệu, công nhân thực thi, mua sắm… tất cả đều khó. Tuy nhiên trong chừng mực của mình, các bác sĩ vẫn cố gắng hết sức, xin thêm máy thở, trang thiết bị y tế đủ điều kiện để phục vụ bệnh nhân.
Thời điểm hiện tại, giữa muôn vàn khó khăn, bác sĩ Tuyết cho biết đội ngũ y bác sĩ vẫn "chiến đấu" hết mình. Dù lực lượng có bị chia 5 sẻ 7 để tham gia các hoạt động chống dịch khác nhau, nhưng cũng chính vì thế mà đội ngũ nhân viên y tế luôn động viên nhau nâng hiệu suất công việc không chỉ là 100% mà lên tới 200-300%.
Để có được thành quả ấy, nhiều y bác sĩ đã nhiễm Covid-19. Sau 18 ngày làm việc tại khu K1, Hộ sinh Phạm Thị Thùy Trang và con trai bị nhiễm Covid-19. Tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 16, chị Trang tâm sự: "Tôi vừa mới ra trận chỉ có mấy tuần thôi mà không ngờ bị dính như vậy. Là một sự đáng tiếc, vì muốn cống hiến dài hơi hơn. Hy vọng mau khỏe, về còn làm được vì công việc ở bệnh viện rất là nhiều, nhiều dữ lắm".
Phía sau "Ranh giới", cuộc chiến giành giật sự sống của các bác sĩ với sản phụ Covid-19 vẫn diễn ra căng thẳng từng ngày từng giờ, giống như BS Tuyết chia sẻ trong đoạn phim: "Tôi biết rằng chúng ta đang rất thiếu người. Chúng ta làm việc rất quá tải, nhưng không có nghĩa chúng ta bỏ bê người bệnh…
Khó khăn về mặt cơ sở vật chất thì hiện nay nhiều khi có tiền, muốn trang bị cơ sở vật chất cũng không dễ thực hiện được nữa. Và chúng ta ra trận với một tinh thần khó khăn như vậy thì cùng nhau nỗ lực phối hợp để cứu được nhiều bệnh nhân. Chứ nếu chúng ta ngồi than khó, cứ nói là chúng ta không đủ phương tiện, không phối hợp với nhau, không xắn tay áo vào làm thì cái giá chúng ta phải trả là ngồi nhìn bệnh nhân chết đó".
Khu K1 - Bệnh viện Hùng Vương là nơi điều trị sản phụ F0 lớn nhất TP với quy mô 120 giường. Tính từ 30/5 đến 1/9, khu K1 đã tiếp nhận 861 sản phụ F0, trong đó có 804 ca mẹ tròn con vuông, 5 ca tử vong tại khu K1, 57 ca nặng chuyển lên bệnh viện tầng 5 trong tháp điều trị Covid-19 5 tầng.
Tính đến ngày 1/9, có 125 cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Hùng Vương nhiễm Covid-19. Sau 21 ngày cách ly, điều trị khỏi bệnh, họ lại trở về Khu K1, tiếp tục cứu chữa cho các thai phụ mắc Covid-19.