Trước ngày 16/9, điểm chuẩn đại học năm 2021 sẽ chính thức được công bố. Chia sẻ về điểm chuẩn ngành Luật năm 2021, ThS Lê Văn Hiển, Phó Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết: "Qua tìm hiểu tôi được biết, tính đến tháng 8/2021, ở nước ta có 92 cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành học trong lĩnh vực Pháp luật, gồm các ngành như: Luật, Luật Thương mại quốc tế, Luật Dân sự và tố tụng dân sự, Luật Hình sự và tố tụng hình sự, Luật Hiến pháp và luật hành chính, Luật Quốc tế, Luật Kinh tế, Quản trị - Luật.
Về điểm chuẩn năm 2021, dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT của nhóm ngành Luật của các cơ sở đào tạo Luật nói chung và của Trường ĐH Luật TP.HCM nói riêng phụ thuộc vào dữ liệu đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh. Tuy nhiên, dữ liệu này, hiện nay đang được Bộ GD-ĐT bảo mật. Vì vậy, tại thời điểm này rất khó dự báo chính xác điểm chuẩn của từng tổ hợp đối với nhóm ngành Luật.
Căn cứ vào tình hình xét tuyển thẳng theo Đề án tuyển sinh riêng của từng trường, tình hình thí sinh đã xác nhận nhập học bằng phương thức xét học bạ, xét các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét điểm đánh giá năng lực, phổ điểm từng môn học trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, sự quan tâm của xã hội và nhu cầu nguồn nhân lực ngành Luật ngày càng lớn... Tôi mạnh dạn dự báo điểm chuẩn của nhóm ngành Luật của tất cả các cơ sở đào tạo Luật sẽ tăng so với năm 2020. Riêng đối với Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ có mức tăng khá. Trong đó một vài ngành là thế mạnh của trường sẽ có mức điểm chuẩn tăng mạnh".
Về việc điều chỉnh chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT vào Trường ĐH Luật TP.HCM, ThS Lê Văn Hiển cho biết: "Theo Đề án tuyển sinh riêng của nhà trường đã được công bố vào tháng 4/2021 và được sửa đổi, bổ sung vào tháng 8/2021 theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, do tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, kéo dài, tổng chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển thằng và ưu tiên xét tuyển thẳng là tối đa 40%/ tổng chỉ tiêu.
Tính đến hết ngày 3/9, số thí sinh đã nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nhập học bằng phương thức 1 (tức phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng) là 695 thí sinh, đạt 33,1%/ tổng chỉ tiêu. Như vậy, sẽ có 6,9%/tổng chỉ tiêu theo phương thức 1 được nhà trường chuyển sang cho phương thức 2, tức phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT".
Năm 2020, điểm chuẩn ngành Luật Kinh tế, tổ hợp xét tuyển C00 của trường lên tới 29 điểm, tiếp theo là ngành Luật với 27.75 điểm. Chi tiết như sau:
Trước những lo lắng của phụ huynh và học sinh về học phí đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, TS Hiển khẳng định: "Khi xác nhận nhập học, Trường Đại học Luật TP.HCM chưa quy định sinh viên phải đóng học phí. Sinh viên sẽ đóng học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 khi đến trường làm thủ tục nhập học. Thời gian này, dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 10/2021.
Trường hợp sinh viên có khó khăn khi nhập học cũng như trong quá trình theo học tại Trường, hiện nay, ngoài chính sách miễn giảm học phí và cấp học bổng theo quy định của Nhà nước thì Nhà trường còn có nguồn kinh phí từ lãi tiền gửi thu học phí và các khoản thu sự nghiệp khác gửi tại Ngân hàng thương mại; và từ các nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cựu sinh viên và cá nhân khác để xét miễn giảm học phí, xét cấp học bổng cho những sinh viên thuộc diện này. Trường đảm bảo không thí sinh nào đam mê ngành Luật mà không được học vì rào cản học phí".