Dân Việt

Nghệ thuật quân sự người Việt (Kỳ 9): Tư tưởng “đem đại nghĩa để thắng hung tàn” của Nguyễn Trãi

Gia Hà 11/09/2021 12:32 GMT+7
Tư tưởng xuyên suốt và chi phối toàn bộ hoạt động của Nguyễn Trãi là tư tưởng “nhân nghĩa”, “đại nghĩa”, “chí nhân”. Trong các tác phẩm mà chúng ta còn lưu giữ được thì chữ “nhân” đã được Nguyễn Trãi nhắc đến 59 lần và chữ “nghĩa” – 81 lần. Tổng cộng hai chữ “nhân”, “nghĩa” được ông sử dụng đến 140 lần.
Nghệ thuật quân sự người Việt (Kỳ 9): Tư tưởng “đem đại nghĩa để thắng hung tàn” của Nguyễn Trãi - Ảnh 1.

Tượng Danh nhân văn hóa thế giới, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Ảnh: Pháp luật Việt Nam

Tội ác của giặc trời đất khó dung

Tháng 11/1406, quân Minh tiến vào Đại Việt và tháng giêng năm sau thì chiếm được Đông Đô (Hà Nội). Chế độ thống trị của quân xâm lược rất hà khắc khiến nhân dân vô cùng ca thán.

Bình Ngô đại cáo (bản dịch của Ngô Tất Tố) viết: "Quân cuồng Minh thừa cơ gây hoạ/ Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế/ Gây thù kết oán trải mấy mươi năm. Bại nhân nghĩa nát cả đất trời/ Nặng thuế khoá sạch không đầm núi.… Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội/ Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi".

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn là thế nào? Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chép khi thắng quân Hậu Trần, tướng nhà Minh là Trương Phụ cho quân gây tội ác: "Trương Phụ thắng trận, đi đến đâu chém giết thả cửa, hoặc xếp thây người làm quả núi, hoặc bồn ruột người quấn vào cây, hoặc rán thịt người lấy mỡ, hoặc làm nhục hình bào lạc để mua vui".

Bào lạc chính là phát minh do vua Trụ thời nhà Thương nghĩ ra. Hình phạt ấy như thế này: Dùng cái cột đồng có bôi mỡ sẵn, hơ vào lửa cho nóng, xung quanh cột đồng đều có đốt lửa. Bọn hung ác bắt người ta phải đi lên trên cột đồng, nếu rơi xuống thì rơi vào đống lửa, chúng thấy thế cùng nhau vui cười.

Còn vùi con đỏ dưới hầm tai vạ là thế nào? Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chép tiếp tội ác của Trương Phụ như sau: "có người theo lệnh giặc, mổ bụng người chửa, cắt lấy hai tai của mẹ và con để dâng cho giặc".

Nghệ thuật quân sự người Việt (Kỳ 9): Tư tưởng “đem đại nghĩa để thắng hung tàn” của Nguyễn Trãi - Ảnh 2.

Ban thờ Danh nhân văn hóa, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Ảnh: Pháp luật Việt Nam

Tại sao cắt 2 tai thì Khâm định giải thích: "Đời cổ, binh sĩ đi đánh trận khi giết được địch thì xẻo lấy cái tai bên trái của địch, dâng lên chủ súy để tính công, cứ mỗi cái tai tính là một mạng người. Ở đây, quân của Trương Phụ mổ bụng người chửa, rồi xẻo lấy tai mẹ và tai con (đều tai bên trái) dâng lên cho Phụ; dâng cả tai mẹ và tai con như thế, vừa tỏ ra là tay giết người táo bạo, vừa được tính là hai mạng người".

Với lòng căm thù giặc sâu sắc, Nguyễn Trãi đã kể tội giặc Minh làm khổ nhân dân một cách rất thống thiết và đanh thép. Trong Quân trung từ mệnh tập, ông viết: "… Chuyên chém giết để thị uy, coi mạng người như cỏ rác. Trói bắt vợ con của dân ta, cuốc đào lăng mộ của nước ta. (…) Chính thì hà khắc, hình thì thảm thương, dân chẳng nhờ đâu để sống. Kẻ vô tội kêu trời oán trách, người trung nghĩa nghiến răng căm hờn, đều muốn liều chết diệt giặc".

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Cuộc đời của Nguyễn Trãi hòa vào bối cảnh đau thương của đất nước đó. Khi giặc Minh chiếm đóng đất nước, cha con Hồ Quý Ly bị đưa sang Trung Quốc, Nguyễn Trãi và cha ông cũng buộc phải lưu vong. Nhưng theo truyền thuyết thì theo lời khuyên của cha là người luôn mong Nguyễn Trãi có một tương lai rực rỡ, Nguyễn Trãi đã con đường trở về quê hương nuôi mộng lớn thay vì theo cha để làm trọn chữ Hiếu.

Năm 1417, Nguyễn Trãi đã gia nhập cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi khởi xướng tại vùng núi Lam Sơn. Lúc này Nguyễn Trãi 37 tuổi. Nhận thấy Nguyễn Trãi là người học rộng, mưu cao, Lê Lợi đã dùng Nguyễn Trãi làm quân sư chính cho mình. Trong suốt cả thời kỳ kháng chiến (1418-1427), Nguyễn Trãi đã thay mặt vua soạn thảo toàn bộ thư từ gửi cho các tướng lĩnh giặc, các thuộc quan người Việt, cũng như toàn thể dân chúng mà Lê Lợi đang muốn lôi kéo về phía mình.

Nguyễn Trãi yêu dân, thương dân, rất thông cảm với nỗi khổ của nhân dân. Tấm lòng yêu thương nhân dân của ông ngoại Trần Nguyên Đán, của cha Nguyễn Phi Khánh đã tác động mạnh tới Nguyễn Trãi. Nguyễn Phi Khánh có câu: "Ai đắc thử thân như thác thược, Hòa phong xuy biến cửu châu tâm" (Chỉ ước thân ta làm ống bễ/Thổi làn gió ấm tới muôn phương).

Tư tưởng, hoài bão lớn nhất của Nguyễn Trãi "Bình sinh độc bão tiên ưu niệm/Tọa ủng hàn khâm dạ bất miên" (Bình sinh chỉ ôm tấm lòng lo trước thiên hạ/Ngồi quàng mảnh chăn lạnh, đêm không ngủ). Cho tới già, ông vẫn "Thương sinh tại niệm độc tiên ưu" (Mạn hứng III) (Nghĩ tới dân, vẫn một niềm lo trước thiên hạ).

Trong "Thư dụ hàng (các tướng sĩ) thành Bình Than", ông viết: "dùng quân nhân nghĩa cứu dân khổ, đánh kẻ có tội", "đại đức hiếu sinh, thần vũ bất sát, đem quân nhân nghĩa đi đánh dẹp cốt để an dân".

Như vậy, nhân nghĩa chính là yêu nước, thương dân, là đánh giặc cứu nước, cứu dân. Nguyễn Trãi đã coi "an dân" là mục đích của nhân nghĩa và "trừ bạo" là đối tượng, là phương tiện của nhân nghĩa. Vì vậy, người nhân nghĩa phải lo trừ "bạo", tức lo diệt quân cướp nước. Người nhân nghĩa phải đấu tranh sao cho "hợp trời, thuận người", nên có thể lấy "yếu chống mạnh", lấy "ít địch nhiều", lấy "đại nghĩa thắng hung tàn", lấy "chí nhân thay cường bạo".

Nhân nghĩa là cần phải đấu tranh để cho dân tộc Việt Nam tồn tại và phát triển. Nhân nghĩa giống như là một phép lạ, làm cho "càn khôn đã bĩ mà lại thái, trời trăng đã mờ mà lại trong".

Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, theo PGS Lương Minh Cừ, vì vậy, mang đậm sắc thái của tinh thần yêu nước truyền thống của người Việt Nam. Ở đây, có thể thấy rõ tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đã vượt lên trên tư tưởng nhân nghĩa của Khổng – Mạnh và có sự sáng tạo, phát triển trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Đặc biệt, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi còn biểu hiện ở lòng thương người, ở sự khoan dung độ lượng, thậm chí đối với cả kẻ thù. Có thể nói, đây là nét độc đáo riêng có trong tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi. Chiến lược "tâm công" Nguyễn Trãi đã thực hiện trong kháng chiến chống Minh chính là sự thể hiện nét độc đáo riêng có ấy. "Tâm công" – đánh vào lòng người – sách lược đã được Nguyễn Trãi dày công suy xét, thu tóm cái tinh hoa trong các sách về binh pháp xưa và vận dụng sáng tạo trong thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam đương thời.

"Có một khía cạnh rất đáng quý trong tư tưởng về dân của Nguyễn Trãi, đó là tư tưởng trọng dân, biết ơn dân. (…) Chính xuất phát từ suy nghĩ như vậy, nên khi đã làm quan trong triều đình, được hưởng lộc của vua ban, Nguyễn Trãi đã nghĩ ngay đến nhân dân, những người dãi nắng dầm mưa, những người lao động cực nhọc. Ông viết: "Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày". Trong suốt cuộc đời của mình, Nguyễn Trãi đã có cuộc sống gần gũi, gắn bó với nhân dân, hoà mình vào nhân dân".